Góc ban công yên bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố với bao ngổn ngang xô bồ, bao vội vã chóng vánh, đâu đó vẫn giữ cho riêng mình những khoảng lặng thuộc về tâm hồn. Đó là một góc ban công hướng ra thênh thang trời xanh mây trắng, nắng loang loáng đậu trên những cánh hoa. Ở nơi ấy, nhịp sống như bánh xe lăn chậm rãi, nhẫn nại. Một ánh nhìn mơ hồ, bâng quơ trước màu hoàng hôn man mác cũng đủ khiến lòng dịu lại, miên man theo tiếng gió hát du dương.
Có những sớm mai tôi ngồi ở ban công lặng nghe tiếng trở mình của thời gian. Chùm hoa giấy đằm thắm thắp lên khoảng trời từng đốm lửa hồng bé nhỏ, rung rinh khe khẽ trong làn gió lành lạnh. Những dây thường xuân biêng biếc, quấn quýt nhau dệt thành một tấm thảm xanh cheo leo quanh cánh cửa sổ khép hờ. Tôi ngồi một mình để những đốm nắng tinh khiết đầu ngày vương trên tóc, chảy xuống vai, xuống bàn tay đang nâng niu từng cánh hồng nồng nàn, ngan ngát. Buổi bình minh có lẽ là món quà vô giá dành riêng cho những người có thói quen dậy sớm, thích tận hưởng cảm giác thanh bình, tự tại, điềm nhiên. Ở góc ban công, bốn bề chỉ có nắng gió, chim muông, lá hoa bầu bạn. Quanh mình ngập tràn niềm thanh thản.
Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Tôi ở phố bao năm, chiều tan tầm chỉ muốn về với căn gác trọ thân thuộc chất chứa vui buồn đã qua, nhấp một ngụm trà nóng rồi ngồi ở ban công đọc một vài trang sách, nghe ký ức ùa về thủ thỉ. Hoặc loay hoay đào đất gieo những hạt giống mới mua về của một loài hoa đẹp, lòng cứ ngỡ như đang gieo cả niềm thương nhớ khoảnh vườn xanh mát ở quê nhà. Có những mảnh hồn quê bình dị vẫn lặng thầm nép sau bao lộng lẫy của phố, nhắc nhớ lòng người tha hương về nguồn cội, nghĩa tình.
Từ ban công, tôi ngồi lặng yên nghe tiếng rao chiều lẻ loi vang lên giữa những tòa nhà kín cổng cao tường, mỗi tiếng rao đi qua để lại trong tôi một niềm riêng man mác. Chỉ cần nghe tiếng rao “Đậu hũ đây…” vọng về khắc khoải là trong tâm trí tôi lại hiện lên bóng hình người phụ nữ lam lũ với vành nón trắng tất tả cùng đôi gióng đơn sơ, dáng người nhỏ bé lọt thỏm giữa tấp nập phố phường. Đó còn là tiếng rao trầm đục của người đàn ông bốn mùa phơi gió phơi sương cùng nồi bắp luộc, của cô ve chai gồng mình đạp chiếc xe cút kít, của chị hàng hoa quả áo đẫm mồ hôi… Mỗi tiếng rao vọng về đều tạc vào lòng tôi những thân phận, những trầm lắng cuộc đời.
Góc ban công cho tôi phút giây sống chậm lại, đối diện với chính mình, biết trân quý từng khoảnh khắc được hòa trong những yêu thương bình dị, ấm áp. Miên man cùng những điều được mất đã qua, để nhận về mình bao lẽ sống sau những thử thách, vấp ngã. Ngồi ở ban công hướng mắt ra xung quanh, tự vẽ trong lòng mình một bức tranh nơi góc nhỏ phố thị với bao mảng màu, vui có, buồn có, ấm cúng và cô đơn, xót xa và hạnh phúc. Một gia đình nhỏ quấn quýt bên nhau, những đứa bé ríu rít bên người mẹ đang phơi quần áo. Một thiếu nữ ngồi bó gối ở ban công nhìn xa xăm như đợi chờ ai. Một cậu nhỏ cắm cúi vào màn hình điện thoại cùng những trò chơi bất tận… Tất cả tạo nên nhịp sống đều đặn từng ngày.
Góc ban công là nơi tôi đồng điệu cùng phố, nơi tôi vẫn ngồi ngắm trăng những ngày rằm, hát vu vơ để dặn lòng quên đi nỗi buồn vô cớ. Đó còn là nơi lặng thầm gắn bó cùng tôi qua bao chông chênh giữa xứ người xa lạ, để mỗi lần rời phố về quê, lòng vẫn nao nao nhớ một góc nhỏ yên bình…
TRẦN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.