Giàn bếp

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà tôi hồi ở quê nhỏ lắm. Nhưng đây lại là nơi gắn bó với tôi suốt những năm tháng tuổi thơ đầy hoài niệm. Giờ đây, mỗi lần nhớ lại, tôi vẫn tưởng như mình đang lạc vào một miền cổ tích mà đi mãi, đi mãi vẫn không hết được những niềm thương. Cũng bởi, nơi ấy, tôi luôn tìm được nguồn sưởi ấm áp, nhất là khi được ngồi dưới cái giàn bếp nho nhỏ vào một chiều đông.
Trong bếp, ngay chỗ mẹ tôi ngày ngày nấu nướng, tầm quá đầu người lớn một lóng tay, ba tôi lấy hai cây hồng rừng to bằng bắp chân đóng vào vách đất, đầu còn lại dùng dây mây treo lên xà nhà trông rất chắc chắn. Trên hai cây đó, cột những cái cây nhỏ và gác mấy tấm ván làm thành một cái giàn bếp dài hơn sải tay. Đấy, nó chỉ đơn giản như thế nhưng lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với cuộc sống gia đình tôi.
Giàn bếp là nơi bảo quản thức ăn an toàn nhất. Để trên giàn là tránh chó và phải đậy kỹ để tránh mèo, chuột. Dưới giàn treo vô số thức ăn dùng cho nhiều ngày. Hành, tỏi và các loại gia vị bỏ vào tổ chim dồng dộc cũ treo lủng lẳng chống ẩm rất tốt. Nơi gần ngọn lửa, thỉnh thoảng treo miếng thịt, con cá lóc, ghim cá rô để cho đến khô mà không bị hư hỏng. Lúc hết thức ăn tươi, nhất là mùa mưa dầm, mùa bão, nguồn thức ăn khan hiếm, mẹ tôi lấy từng ít kho mặn để ăn được nhiều ngày. Trên giàn, ba tôi thường căng một tấm da bò, khi có giỗ chạp, đem xuống thui lông, ngâm nước để hôm sau làm món trộn bắp chuối, ai cũng tấm tắc khen ngon. Mùa bão lụt, giàn bếp còn là nơi hong mấy nong lúa ướt cho mau khô để... chống đói.
Xung quanh giàn bếp là nơi tin cậy cất giữ các loại hạt giống cho mùa sau. Vì có khói nên không mối mọt nào dám bén mảng đến. Hạt bí, hạt cải, hạt dưa... cất vào vỏ quả bầu ve không biết qua bao năm tháng mà da đen bóng. Quả mướp giống khô rang hạt kêu rột rạt, mấy xâu bắp còn lớp vỏ được cột túm vỏ treo ngược lên, để lộ từng hàng, từng hàng hạt đều tăm tắp, dăm bó lúa nếp cách xa bếp lửa nhất, hạt nặng trĩu vàng óng.
Giàn bếp còn là nơi cất giữ kỷ niệm tuổi thơ tôi. Nhiều hôm đi học về, đói bụng, tôi chồng mấy cái ghế lên cho cao để lục cơm nguội. Nhớ nhất là những đêm mùa đông mưa lạnh, mấy bác trong xóm thường tập trung đến nhà tôi chơi, ai cũng thích cái giàn bếp. Ba tôi lấy dăm tấm tranh trải bên bếp để khách ngồi cho ấm. Tôi nghe mấy bác nói về mùa màng, về những chuyện xa xưa ở trong làng. Còn tôi, nhiều khi nằm cuộn tròn trên tấm tranh ấy, nghe đủ chuyện và ngủ quên lúc nào không biết.
Ngôi nhà tuổi thơ là một bầu trời cổ tích. Tuổi thơ tôi được ôm trong ngôi nhà tranh vách đất của quê hương. Cho đến bây giờ, sống ở phố thị lâu rồi nhưng mỗi lần đưa tay mở cửa tủ bếp, tôi vẫn không quên được cái giàn bếp nhà mình ở quê. Cái giàn bếp cho tôi cảm giác gần gũi, ấm áp của tình cảm gia đình, của tình làng nghĩa xóm...
 PHAN VĂN THIÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...