Nỗi niềm ngày Tết

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với tuổi thơ của tôi, Tết luôn là nỗi mong chờ. Quanh năm vất vả bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chỉ những ngày Tết là lúc cha mẹ được nghỉ ngơi mà làm bánh trái, nấu nướng món ngon dâng cúng tổ tiên và dĩ nhiên lũ trẻ lúc nào cũng được dành phần ngon nhất. Tết còn là lúc chúng tôi được xúng xính trong những bộ quần áo mới, đội chiếc mũ mới, mang đôi dép mới mà nhìn nhau đầy thích thú, tự hào. Đó cũng là lúc được má dẫn đi chợ Tết dù chỉ để ngắm nhìn là chính những hàng hóa bày la liệt, người người đi lại đông đúc, nói cười rôm rả.
Lớn lên, tôi dần hiểu những chắt chiu của má. Khoảng tháng 10 Âm lịch, khi mùa màng đã thu hoạch xong, má bắt đầu vun vén những cây trái quanh vườn, trồng thêm những luống hoa, luống rau cho kịp bán Tết. Má dành dụm để lần lượt sắm sửa từng chiếc áo chiếc quần cho mỗi đứa con, cho con có được niềm vui ngày Tết với bạn bè.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Mọi thứ đều dành cho Tết. Mỗi ngày đi chợ, má lại gom góp nào bột, nào đường. Trứng gà, trứng vịt cũng được cất gom lại, một con heo còi được nuôi để làm thịt ăn Tết. Mọi thứ sắm sửa đều phải cố gắng sao cho vừa đủ theo cách tốt nhất có thể. Những ngày áp Tết, việc chuẩn bị lại càng rộn ràng hơn; nhà cửa phải sạch sẽ, mùng mền phải giặt phơi, cứ như thể qua Tết rồi là không làm được những việc đó nữa vậy. Rau trái trong vườn cũng được má nhặt nhạnh đem bán kiếm tiền mua thêm các loại thức ăn dành cho ngày Tết. Những ngày được nghỉ Tết, tôi lại cùng má ra chợ từ sớm mong bán được nhiều nhất những thứ thu hái được từ vườn nhà và mua được nhiều thứ cần thiết khác.
Những ngày chuẩn bị cho Tết bao giờ cũng là khoảng thời gian vui nhất. Khắp thôn xóm, mùi bánh thuẫn, mứt bí, mứt dừa bay thơm lừng. Các chị, các mẹ í ới gọi nhau mượn khuôn bánh, cân đong đường bột, dao tỉa rau củ hay hỏi nhau về cách làm các món ăn ngày Tết. Tiếng heo kêu eng éc khắp thôn làng gợi lên một cảm giác đủ đầy, dư dả. Nhà nhà bắt đầu nấu bánh tét. Bánh tét thời đó chỉ làm vào ngày Tết nên nhà nào cũng cố gắng làm nhiều để ra Giêng còn đem ra đồng ăn làm cỏ lúa. Những đứa nhỏ gom chút nếp và nhân bánh còn thừa gói những chiếc bánh chưng nhỏ xíu rồi bỏ vào nồi nấu cùng. Sáng hôm sau, lũ trẻ lối xóm lại mỗi đứa cầm một chùm bánh ra khoe với nhau. Những chiếc bánh được làm bằng bàn tay trẻ con vụng về lại là những chiếc bánh ngon nhất mà sau này chúng tôi không bao giờ được ăn lại nữa.
Năm tháng trôi, tôi nay đã làm mẹ. Theo truyền thống, Tết lại là những ngày dọn dẹp, sắm sửa, dù bây giờ mọi thứ đều hầu như có sẵn. Tết không chỉ là niềm vui mà còn là những lo toan nặng trĩu.
Những ngày cuối năm này, mỗi lần đi chợ, thấy giá cả nhiều thứ tăng lên chóng mặt lại thương hơn những người lao động thu nhập thấp. Những người mẹ nghèo tần ngần nhìn sạp thức ăn mà không biết phải mua thứ gì cho phù hợp với túi tiền eo hẹp. Rồi họ cũng mua vội vài món rẻ tiền để còn kịp cho một ngày mưu sinh vất vả. Lo cho đủ ăn ngày thường đã khó, ngày Tết sẽ sao đây?
Mong chờ Tết và cũng lo sợ Tết nhất là những người cha người mẹ phải để con lại cho ông bà cô bác mà tha phương tìm kế sinh nhai. Còn nỗi buồn nào hơn thế! Ở phương trời xa, những đứa con đang đỏ mắt mong chờ cha mẹ đem về cho manh quần tấm áo, một món quà Tết đơn sơ và hơn hết là một vòng tay ôm ấp của mẹ cha. Nhưng rồi Tết đến, giá xe tăng cao khiến hành trình về quê của họ trở nên khó khăn bội phần. Có thể sẽ là một cái Tết không về để con có thêm tiền ăn học cho những ngày tới.
Rồi còn biết bao người vì những công việc đặc thù không được sum họp đón Tết cùng gia đình. Bệnh viện vẫn tiếp đón bệnh nhân, ngày Tết có thể quá tải khi có thêm những ca tai nạn vì rượu, bia. Vì bình yên cuộc sống, những chiến sĩ Công an vẫn không thể trọn vẹn ngày Tết bên gia đình. Và trên các vùng biên giới, hải đảo xa xôi, những người lính vẫn âm thầm làm nhiệm vụ. Dẫu biết là vinh quang thay khi được làm người lính đi đầu, nhưng rồi sao tránh khỏi những phút giây chạnh lòng khi mẹ già, vợ trẻ, con thơ ngóng đợi. Biết làm sao được, cuộc sống luôn cần lắm những hy sinh ấy.
Trong làn gió đông, những nụ nghinh xuân vẫn lớn dần, báo hiệu một mùa xuân đang rất gần. Mong sao sẽ là một mùa xuân thanh bình, an vui. Mong sao cái Tết sẽ đến với mọi nhà, với mọi bé thơ, để sau này khi lớn lên, già đi, những cái Tết của tuổi thơ sẽ còn đọng lại mãi cùng những dư âm ngọt ngào. 
 NGUYỄN THỊ THÚY ÁI

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.