Mùa hồng quân chín rộ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trái hồng quân bắt đầu chín rộ vào đầu mùa khô cho đến qua Tết Nguyên đán. Những xâu hồng quân chín màu đỏ sẫm được chúng tôi quấn vòng qua cổ như đeo chuỗi cườm. Đó là thức quà trẻ con rất ưa thích. Không những là hương vị ngọt ngào của tuổi thơ, trái hồng quân còn gắn với một kỷ niệm không bao giờ quên trong lòng chị gái tôi.
Năm 1966, gia đình tôi di tản từ xã Ân Nghĩa (huyện Hoài Ân, tỉnh Bình Định) lên huyện An Khê (nay là thị xã An Khê). Khi sắp gồng gánh ra đi, chị tôi chạy vào mé rừng bứng một số cây hồng quân con, túm vào vải áo cũ bỏ vào thúng gánh đi. Tôi thắc mắc với mẹ: “Những đồ đạc có giá trị sao chị không gánh mà lại gánh làm gì cây gai rừng?”. Mẹ tôi hình như hiểu rõ lý do nên nhắc nhẹ: “Kệ chị đi con”. Lên đến An Khê, chị tôi trồng những cây hồng quân này bên đầu hè, 5 năm sau cây ra trái sum suê.
  Quả hồng quân. Ảnh: internet
Quả hồng quân. Ảnh: internet
Vào mùa trái chín, những ngày nghỉ học tôi thường rủ nhóm bạn ngồi chơi dưới gốc hồng quân râm mát. Cây có tán rộng trông giống cây bồ kết, cao gần 7 m; lá trơn mịn, hình bầu dục màu xanh đậm; hoa màu trắng, thanh mảnh, thơm nhẹ và có lớp lông mịn. Ngước mắt nhìn lên cành thấy lúc lỉu, căng mọng những trái hồng quân tròn, nhỏ như quả mận đào, đóng thành chùm 4-5 quả hoặc đơn. Xung quanh thân cây có nhiều gai nhọn chĩa ra nên rất khó trèo. Chính vì vậy lũ trẻ chúng tôi phải phân công nhau đứa thì dùng cây dài có móc, chọn những trái chín màu tím sẫm để khèo, đứa thì cúi lượm bồ quân xâu lại thành chuỗi dài đeo lên cổ. Khi được nhiều vòng, cả lũ ngồi lại chia nhau như một phần thưởng. Trái non màu xanh có vị chát, sau đó ngả sang vàng, đỏ và cuối cùng là đỏ thẫm. Trước khi ăn phải bóp cho quả mềm rồi mới bẻ đôi, bên trong là phần thịt quả màu vàng nâu, dẻo như cơm nếp, có mùi thơm lựng. Lẫn trong cơm đặc là một số hạt cứng như hạt gạo gãy. Phần thịt quả có vị chát nhẹ của mận, vị ngọt của sim chín hòa quyện lẫn nhau tạo nên hương vị đặc trưng. Có nhiều lúc sơ ý, tôi nuốt luôn hạt vào bụng để rồi những ngày sau cứ thấp thỏm lo, sợ mai mốt... hạt nảy mầm mọc thành cây trong bụng!
Trước ngày chị tôi lấy chồng, nhiều đêm tôi thường thấy chị ra ngồi khóc bên gốc hồng quân. Sau này tôi mới nghe mẹ kể lại rằng, năm 17 tuổi, chị quen một anh thanh niên xóm trên. Những lần hò hẹn, anh chị thường chọn tán hồng quân nơi mé rừng. Qua mùa lúa chín năm sau, gia đình anh đem trầu cau đến hỏi và làm lễ hứa hôn. Rồi chiến tranh nổ ra, Mỹ thả quân xuống vùng quê Hoài Ân bắn phá ác liệt nên anh xung phong vào bộ đội. Trước khi đi, bên gốc hồng quân anh dặn dò: “Ngày thống nhất anh sẽ trở về, em chờ anh nhé!”. Gốc hồng quân từ đó đã trở thành kỷ niệm của cuộc đời chị, nên khi rời đi chị đã mang theo cây con để trồng. Nhìn cây, chị như thấy bóng dáng anh. Gần 7 năm sau, chị nghe tin anh đã anh dũng hy sinh trong một cuộc chống càn không cân sức.
Sau này, tôi để tâm tìm hiểu thì được biết cây hồng quân còn có tên gọi là bồ quân, mùng quân, họ liễu mọc hoang dã, tên khoa học là Flacourtia jangomas. Cây trồng bằng cách gieo hạt hoặc chiết cành. Cây hồng quân có thể sống trên 20 năm. Vào mùa khô, cây rụng hết lá, đến đợt mưa đầu mùa thì ra lá non và bắt đầu trổ bông vào tháng 4, tháng 5, tiếp đó cho quả vào tháng 10 hàng năm kéo dài cho đến qua Tết Nguyên đán. Theo Đông y, trái hồng quân có tác dụng làm se niêm mạc dạ dày và ruột, làm giảm tiết dịch vị, tốt cho gan mật, thận, sạch khí huyết, tránh được bệnh u xơ tiền liệt tuyến.
Chị tôi giờ đây đã trở về với đất mẹ. Khi tôi trở lại vườn xưa, cây hồng quân ngày nào đã chết. Dạo quanh xóm không thấy nhà ai trồng loài cây ấy nữa. Những ngày công tác vào các vùng rừng An Khê, Kông Chro, may mắn lắm mới thấy vài cây nhưng thân ra gai tua tủa, trái nhỏ, cơm mỏng, rất nhiều hạt, ăn vào nhiều vị chát chứ không thơm ngon như cây hồng quân chị tôi trồng. Đứng trước khu vườn ngày nào, lòng tôi tràn ngập cảnh cũ người xưa. Thắp cho chị nén nhang, lật cuốn nhật ký trên bàn thờ, tôi chợt bùi ngùi khi đọc được dòng chữ viết tay của chị: “Tàng cây rũ lá đợi chờ/Hồng quân chín thẫm giấc mơ cuộc đời…”.
AN SINH

Có thể bạn quan tâm

Ban tế lễ thực hiện nghi thức cúng. Ảnh: Vũ Chi

Người dân Phú Thiện Giỗ Tổ Hùng Vương

(GLO)- Tối 18-4 (nhằm mùng 10-3 âm lịch), người dân tổ dân phố 8 (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) tập trung đông đủ về nhà văn hóa của tổ để tổ chức lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương, tưởng nhớ Vua Hùng và các bậc tiền nhân đã có công dựng nước.
Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...