Mùa lúa chín

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chủ nhật, tôi cùng những đứa trẻ Jrai nơi tôi sống xuống đồng. Nhiều đứa từ khi còn bé xíu đã được mẹ địu ra thăm lúa, đã được ngửi hương lúa chín thoảng đưa.
Mùa lúa chín. Sau rặng tre xanh, bao loài chim thổi vào khúc đồng dao ngày mùa bản nhạc ríu ran, cánh đồng miên man với những bông lúa chắc mẩy trải mình như dải lụa phơi cái màu vàng óng trong cái nắng cũng vàng óng. Thêm vào khung cảnh ấy là những giọt mồ hôi nhễ nhại trên trán, trên lưng của người cha, người mẹ và tiếng cười của lũ trẻ. Vừa thanh bình dung dị vừa no đủ ấm cúng. Thương yêu làm sao!
Thuở nhỏ, mùa lúa chín quyến rũ bọn trẻ chăn trâu chúng tôi bởi những chiếc tổ chim nơi gốc rạ, món cốm rang từ lúa tươi và trò trốn tìm bên những ụn rơm vừa mới tuốt. Chúng tôi bám theo lưng mẹ, lưng cha và sung sướng reo lên khi phát hiện chiếc tổ chim nào đó, nhè nhẹ đưa bàn tay nhỏ xíu nâng niu từng quả trứng mang chia cho nhau. Đấy là món ngon và lạ cho bữa trưa hôm đó.  
  Minh họa: HUYỀN TRANG
Minh họa: HUYỀN TRANG
Mùa lúa chín. Lũ trẻ cùng nhau đi mót những chẽn lúa rơi sót trên ruộng, cả nhóm gom lại rồi đem rang lên thành cốm, ngồi quây tròn lại chia nhau cắn, vừa cắn vừa kể đủ thứ chuyện linh tinh. Mùi thơm của loại cốm làm từ những hạt lúa tươi ấy cứ ngòn ngọt, cứ dịu dàng, đăm đắm thật khó cưỡng. Đã gần ba mươi năm trôi qua nhưng mùi thơm ấy như đã ủ vào tóc, vào tim, vào vị giác khiến tôi chẳng thể nào quên. Nhớ đến quê hương là tôi lại nhớ da diết món cốm thơm của thuở trẻ nít ấy. Ngay như lúc này cũng thế, khi đang ngồi gõ những dòng này mà mùi hương dịu ngọt ấy cũng hiện hữu da diết trong tâm tưởng.
Mùa lúa chín. Ấy là mùa con trâu trở về chuồng với cái bụng căng tròn, lũ trẻ có thêm khoảng không gian để thả diều. Đêm trăng lên, chúng tôi tha hồ chạy đuổi nhau bằng trò chơi đánh trận, trốn tìm, chui rúc trong những ụn rơm mới còn thơm mùi lúa tươi, mùi bùn. Đó cũng là mùa sung sướng nhất với chúng tôi bởi có những bữa cơm no đủ mà không phải độn khoai hay mì. Ngày đưa lúa về nhà, mẹ chọn một bao bỏ vào cối giã, đong mấy lon gạo liền cho vào nồi nấu, cha làm thêm con gà cúng cơm mới, cộng với canh khế chua nấu với mấy chú cá đồng bắt được trong buổi gặt lúa của chị. Gạo đầu mùa thơm, ngon và dẻo, canh chua nấu cá đồng vị ngọt, thanh. Giờ đây, đã bao lần dự tiệc, ăn đủ thứ món ăn nhưng thật là chẳng có bữa tiệc nào ngon hơn bữa cơm mới của mẹ thuở ấy.
Tôi đi giữa biển vàng lúa, hít hà mùi đồng, là là những ngón tay trên bông lúa vàng óng chắc mẩy. Màu vàng óng của lúa hòa trong màu nắng. Tôi cũng xin xuống ruộng cùng những người Jrai gặt lúa, cho giọt mặn mồ hôi thấm tháp trên má, cho chẽn lúa chín tưa vào bàn tay để được hưởng lây niềm vui sướng của người nông dân. Đâu đó, trên cánh đồng nghe như thoảng tiếng cha mẹ tôi xưa. Mẹ bảo “Lúa là ngọc của trời cho”, cha xoa đầu con hiền dịu “Lúa nuôi con lớn đó con ạ!”. Vậy đó, làm sao tôi quên được mùa lúa chín quê hương!
 PHÚC AN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.