Về núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Chẳng hiểu sao vừa rồi, có người xui ta về núi. Đang mải phố, tưởng không biết bao giờ mới dứt ra được. Tự dưng, để lại sau lưng đèn tín hiệu ngã tư đỏ lừ dưới nắng trưa, ta về núi thật.
Giờ về núi lại thấy cây phượng đỏ rực hoa bùng cháy lưng đèo. Hơn hai mươi năm trước, có lẽ nó mới chỉ là hạt phượng vừa nảy mầm, giờ đã đĩnh đạc trên đèo cao lộng gió. Thế mới biết mình đã xa núi lâu quá lâu. Đời cây vô tình nhắc gọi tuổi mình.
Không còn thắc thỏm hoa xuyến chi dưới kia, đồng bằng đã khuất nẻo sau cánh cổng đá. Bốn phía giờ là núi. Ngàn năm đá vôi còn bạc phơ như những bức tường thành. Tưởng như chỉ một hơi thở gấp gáp của người lâu ngày ươn lười nơi phố xá cũng vọng vào vách đá mà ngân lên, làm ta thẹn với núi rừng.
Minh họa: Huyền Trang
Minh họa: Huyền Trang
Nhưng, dường như giờ núi không còn đồng điệu với mình. Lắng lòng ta mà không nghe được tiếng núi đồi thầm thĩ, hay chính núi không còn nghe tiếng lòng ta? Những cánh rừng già trong vắt như có thể ngưng đọng và rơi thánh thót từng tiếng họa mi đâu còn nữa. Giờ chỉ còn nghe tiếng lá của những cánh rừng trồng trong gió mới ngơ ngác trước bốn bề trống trải.
Người xưa từng tự hỏi: “Trăng bao nhiêu tuổi trăng già/Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non?”. Núi kiên gan giữ hồn vía cả vùng đất, núi cũng có lúc thật hồn nhiên với chiếc mũ bông đội đầu là đám mây trong những ngày trời đất ẩm ương. Nhớ những trưa hè đi theo đàn trâu, ta ngồi trong bụi cây mát rượi ngắm đỉnh núi mà “uống” cái mát lành ấy. Trước núi, ta không thể giấu được con người chân phác nhất. Núi uy linh nhưng không như thần, Phật mà giống một người mẹ quê nghèo bao dung. Hơn hai mươi năm qua, ta đi đâu? Đứng trước uy nghiêm ấy, dưới trời xanh ấy thấy đời vô thường quá. Dưới thung, từ ông bà, cha ta, cả ta và các em đều từng cất tiếng khóc đầu đời gửi vào vách núi. Người ta đi đâu cũng không quên nơi chôn nhau. Ta cũng vậy, bởi núi đã cất hộ ta lời đầu khi xuất hiện trong thế giới này.
Cứ ngỡ đã gắn bó như thế thì không bao giờ xa. Nhưng rồi, ta và bao đứa trẻ dưới thung kia đến một ngày vẫn rời xa núi. Cái ăn, cái ở bao giờ cũng thành điều trăn trở, vật vã, thành nếp nhăn, thành tiếng thở dài buốt lòng. Ta vẫn phải xuôi về đồng bằng. Ngày ấy, cũng sớm mùa hè, núi còn theo ta mãi trên con đường vòng cung cua tay áo. Núi như ngỡ ngàng, bất ngờ, núi như muốn khuyên nhủ, răn ta và lưu luyến giữ chân… Rồi núi cũng khuất trong bụi đường đắng cay. Đời bao cái nhỏ nhặt, nhom nhem như đám bụi mà che khuất núi, ta cũng lạc vào bụi phố phường mà quên mất núi…
Hôm nay về núi lặng im, mai ta lại xa núi. Khi căn nhà ta không còn ở bên núi, khi mỗi sớm không nghe tiếng gà óc eo, khi thời gian không còn lắng kết như từng giọt nhũ thì núi cũng đâu còn muốn trách ta. Từng có bao năm núi là nhà, là mẹ, là quê hương, là tấm khiên che gió bão, là thế giới cổ tích của bao tiếng chim, hoa lá, quả rừng… Núi sẽ vẫn là núi thôi. Còn ta, đi xa mấy thì rồi vẫn sẽ có một ngày ngơ ngác trở về trước núi.
 BÙI VIỆT PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.