Tạp bút: Trò đùa chim sẻ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngày còn nhỏ, chúng tôi rất thích những chú chim sẻ trong khu vườn của ông bà. Nhìn chúng, tôi luôn muốn mình là một chú chim sẻ nhỏ tự do bay trên bầu trời. Chúng tôi cũng có thể đậu lên nhành cây này hay nhảy qua nhánh cây kia. Đó là điều thật thú vị.
Nhiều hôm gặp bầy chim sẻ, chúng tôi thường hùa với nhau, giậm chân thật mạnh cho chúng giật mình bay lên dáo dác. Tuổi thơ thường hồn nhiên với những điều như thế. Ông bà tôi thường dặn rằng, hãy đối xử với loài vật bằng tấm lòng từ bi vì chúng đều có cảm xúc, linh hồn. Thế nhưng, chúng tôi vẫn thích trò đùa của mình hơn. Một hôm, ông ôm tôi vào lòng và nói tôi là chim sẻ nhỏ của ông. Rồi sẽ có một ngày, tôi cũng sẽ vỗ cánh bay đi. Tôi nói, cháu sẽ ở mãi bên cạnh ông. Ông liền tiếp lời, nếu vậy, con cũng đừng làm chim sẻ giật mình mà bay đi nhé. Tôi âm thầm nhận ra một điều gì đó thật thiết tha.
  Minh họa: huyền trang
Minh họa: Huyền Trang
Bạn có biết chim sẻ đáng yêu thế nào không? Chim sẻ nhảy lách chách bên tôi những buổi sớm đầy nắng. Chim sẻ đến và luôn biết cách chào tạm biệt một cách thật tình cảm. Chim sẻ làm chúng tôi bỏ hết những trò nghịch dại để quan sát chúng. Chúng tôi thường đếm xem thử có bao nhiêu chú chim hôm nay đến và hôm khác đến.
Cho đến khi một con chim sẻ chết. Chúng tôi bắt đầu cảm thấy sự mất mát. Một trong những chú chim nhỏ hàng ngày bên cạnh chúng tôi, ăn thóc từ bàn tay chúng tôi đã không còn nữa. Chú nằm lặng lẽ nơi góc vườn. Ông tôi nói rằng, mỗi chú chim đều đem lại tiếng hót cho đời. Khi một chú chim sẻ không còn, đời mất đi một tiếng hót. Thế nhưng trong lòng tôi lại bắt đầu ngân lên một điều gì rất đẹp. Trên đường đi học, tôi thường dòm ngó những lồng chim hoặc những chú chim tự do trên bầu trời. Tất thảy đều mang trong lòng một tiếng hót làm vui cho cuộc sống. Và những cánh chim bay trên bầu trời cao rộng kia-dù tôi chỉ nhìn thấy những đôi cánh nhỏ của chúng-đều mang lại một khát khao gì đó về sự vẫy vùng trong cuộc đời.
Đứa trẻ nào cũng thường mê những gì ngộ nghĩnh, là lạ. Ngày ấy, trẻ con ở xóm thường ngủ dậy muộn, thế mà vì hẹn nhau cùng cho chim sẻ ăn, chúng tôi đã dậy từ sớm, ngồi chờ bầy chim sẻ khi nắng bắt đầu len qua những tán lá chiếu xuống sân nhà. Lũ trẻ mắt nhắm mắt mở ngồi tựa bên nhau, trên tay đứa nào cũng có một lon thóc để sẵn. Niềm vui của chúng tôi cứ lớn dần, lớn dần như thế. Cho đến khi khu vườn của ông bà tôi không còn nữa. Lũ sẻ nhỏ không còn chỗ để đậu xuống và lách chách nhảy nhót. Thế là, chúng tôi bắt đầu tìm kiếm những khung trời mới hơn, những loài vật khác hơn, giả dụ như chú chó nhà hàng xóm, bầy gà con lông vàng… Những loài vật ấy đã dìu dắt chúng tôi đi qua tuổi thơ để trở thành người biết chăm sóc, thương yêu các giống loài, chim muông, cây cối. Tự nhiên tôi nhận ra, nếu thực lòng yêu thương một điều gì đó thì người ta sẽ cố gắng để thực hiện.
Thế giới vạn vật xung quanh mở ra với tất cả chúng tôi bắt đầu từ một bầy chim sẻ nhỏ như thế...
NGỌC LAN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.