Tạp bút: Tản mạn mùa mì

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Mì là cây trồng phổ biến ở Krông Pa bởi chịu được nắng hạn và thời tiết khô nóng ở nơi đây. Hầu như nhà nào nơi vùng đất “chảo lửa” này cũng trồng mì, ít thì 1-2 ha, nhiều thì lên đến 7-8 ha.
Tháng 5, khi những cơn mưa đầu mùa đổ xuống xua tan đi cái không khí ngột ngạt, nóng bức cũng là lúc vào vụ trồng mì. Ngay từ khi trời còn tối đất, những chiếc máy cày đã theo chân bà con nông dân ra đồng. Tiếng ầm ì của máy xua tan đi không khí tĩnh mịch của màn đêm, cần mẫn lật lên những luống đất thẳng tắp, xốp tơi, rười rượi một màu tươi mới.
Trước sân nhà, những hom mì giống được gom lại thành từng bó dựng chụm đầu vào nhau thành thế chân kiềng. Ở đầu ngọn, từng đọt lá xanh tươi, mỡ màng. Hiện nay, với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, người nông dân không chặt cây mì giống theo cách thủ công nữa mà dùng máy xén. Chỉ cần đưa cây mì vào, máy sẽ xén thành từng khúc ngắn đều tăm tắp gọn gàng giúp rút ngắn thời gian và công sức. Dưới ánh nắng mát dịu của buổi ban mai, công việc trồng mì được làm theo dây chuyền: người đi trước đào hố, người đi sau bỏ hom cây giống, người sau nữa có nhiệm vụ lấp đất. Công việc nhịp nhàng, cứ lặp lại như thế cho đến khi trồng xong rẫy mì. Mặt trời đứng bóng cũng là lúc người nông dân hoàn thành công việc, dừng tay lau vội giọt mồ hôi vừa đọng trên má, rồi chiêm ngắm thành quả lao động của mình.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Chỉ sau khoảng 2 tuần, tôi đã thấy những mầm non nhú lên khỏi mặt đất. Dưới bàn tay vun xới của người nông dân, cây mì cứ thế lớn nhanh. Lúc này, một màu xanh bát ngát bao trùm khắp vùng. Giống mì cao sản thân trắng, lá xanh, mang lại năng suất cao nhưng chỉ dùng chế biến thực phẩm cho ngành chăn nuôi. Giống mì gòn củ ăn được thì thân đỏ, lá gân đỏ là món quà quê ý nghĩa những ngày mưa gió. Thật tuyệt vời biết bao vào một chiều mưa rả rích, bác hàng xóm đem cho vài củ mì gòn. Tôi đem bóc vỏ ngâm với nước pha muối loãng để củ mì được trắng rồi đem đi hấp. Chỉ một lúc sau, nồi củ mì bở tơi nghi ngút hương thơm. Tôi thắng hành phi thơm lừng vàng ruộm, xào lá hẹ cắt nhỏ rưới lên trên củ mì. Rủ vài người bạn cùng nhau thưởng thức thì đó quả là một món ăn chơi hấp dẫn vô cùng.
Đối với bà con nông dân, không chỉ củ mì, mà ngay những ngọn lá non từ bao lâu nay đã trở thành món ăn thân thuộc, gắn bó, trở thành nỗi nhớ, thành ký ức không quên của bao người. Những ngọn lá non ấy, ta đem vò kỹ mà nấu với thịt bò, cà đắng, măng rừng, hoa đu đủ đực, ớt xiêm tạo nên một món ăn kích thích vị giác. Bởi thế, lá mì xào ăn với bát cơm lúa mới dẻo thơm đã trở thành món ngon tuyệt nhất mà thiên nhiên ban tặng cho những người dân nơi đây. Với những cô con gái thì lại có thêm niềm vui khác, khi lá mì lại là món đồ trang sức dân dã mang lại niềm vui trẻ thơ. Tôi nhớ mãi hình ảnh cô con gái nhỏ của mình bẻ qua, bẻ lại cọng lá mì tạo thành chiếc vòng đeo vào tay, vào cổ, lắc qua lắc lại vui vẻ chuyện trò. Nhìn cái vẻ hồn nhiên của con, tôi như sống lại tuổi thơ nghèo khó của mình. Món quà đơn sơ kết nối tình yêu hai thế hệ gắn bó với loài cây thân thuộc của quê hương.
Trong cuộc sống của người nông dân, mì là loại cây xóa đói giảm nghèo gắn bó bao đời. Trước đây, giá mì tươi thấp, người dân thường làm mì khô. Mì nhổ về chất thành đống, cả gia đình tập trung ngồi cạo, rồi phơi. Thời tiết nắng ráo thuận lợi cho việc phơi mì nhưng khiến làn da người nông dân sạm đen, lúc nào cũng nhễ nhại mồ hôi. Năm nay, thêm nhiều nhà máy chế biến tinh bột mì mọc lên trên đất Krông Pa. Nhu cầu thu mua mì tươi lớn, giá cả ổn định nên người nông dân chuyển sang bán mì tươi trực tiếp cho nhà máy. Xe vào tận rẫy để thu mua. Người dân cũng đổi công để thu hoạch cùng nhau góp sức cho vụ mùa thêm thuận lợi, suôn sẻ.
Cây mì có ý nghĩa vô cùng đối với đời sống người dân quê tôi, với tuổi thơ của những đứa trẻ trên vùng “chảo lửa”. Chính vì thế, khi mỗi mùa mưa bắt đầu, lòng tôi lại thao thức cho một vụ mì mới, lòng cầu mong mưa thuận gió hòa để nông dân được mùa, bớt đi những lo toan, vất vả.
 MAI HƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

Thơ Đào An Duyên: Ghi ở Đền Hùng

(GLO)- 

Cảnh vật trên đỉnh Nghĩa Lĩnh cũ xưa như nghìn năm vẫn thế. Tác giả như lạc về nghìn xưa ấy và cảm nhận được bước luân chuyển vần vũ của thời gian. Vật đổi sao dời, chỉ có những buổi chiều nơi đây luôn mãi trong xanh…

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Thiết chế văn hóa cộng đồng

Từ giữa tháng 3.2024, dù chỉ mới hoạt động thử nghiệm, chưa hoàn thiện bàn giao, nhưng nhiều người vẫn chờ đợi suốt nhiều giờ để chờ xem nhạc nước tại quảng trường 29.3 (đường 2.9, Q.Hải Châu, TP.Đà Nẵng).
Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

Thơ Nguyễn Tấn Hỷ: Hoàng hôn

(GLO)- "Hoàng hôn" của nhà thơ Nguyễn Tấn Hỷ là tác phẩm nhiều cảm xúc trước bóng chiều hoàng hôn. Trong tia nắng le lói cuối ngày, những cánh chim mải miết tìm về tổ ấm, những đôi chân lam lũ mải miết về nhà...
Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

Gương mặt thơ: Hoàng Vũ Thuật

(GLO)- Hoàng Vũ Thuật thuộc thế hệ nhà thơ đàn anh của tôi, cùng lứa với các tài hoa như Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Khắc Thạch, Thạch Quỳ... ở miền Trung. Dẫu lớn tuổi nhưng ông luôn có ý thức tìm tòi, cách tân thơ cả hình thức và nội dung.
Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.