Tạp bút : Ngày bình yên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nắng cuối ngày hắt vào khung cổng màu trắng, nắng tưới trên những bụi hồng gai như làm cho màu cánh hồng cứng cáp hơn. Lan man, thoang thoảng trong gió những làn hương thơm mát.
Vì muốn con có không gian chơi đùa, hít thở không khí trong lành nên vợ chồng tôi chuyển nhà ra ngoại thành, nơi có những ngôi làng Jrai thuần hậu. Lũ trẻ con đứa béo, đứa gầy, đứa trắng xinh, đứa đen nhẻm nhưng cứ chiều đến là những cánh cổng đều mở rộng để chúng ùa vào nhau. Chúng hồn nhiên chơi đùa, hắt nước, đuổi bắt ầm ĩ… dù nói lẫn những thứ tiếng khác nhau. Có hôm con trai tôi thắc mắc: “Mẹ ơi, chị hàng xóm nói hai thứ tiếng, con không hiểu”, tôi lại giảng giải cho con về sự khác biệt ngôn ngữ trong những mảng màu văn hóa của người Việt. Nhìn chúng, tôi trộm nghĩ, có khi người lớn phải học trẻ con về sự hòa đồng, không phân biệt đối xử. Chúng chẳng biết đâu là giàu nghèo, xấu đẹp, chúng chơi với nhau thân thiết bởi lẽ thứ chúng giao tiếp với nhau không đơn thuần là ngôn ngữ mà còn là cử chỉ, ánh mắt, sự quan tâm và cả sự nhạy cảm thuần khiết của con trẻ. Trên tay mẹ, con gái tôi mới 3 tháng tuổi cũng tròn miệng ô a theo các anh chị hò hét, chạy nháo nhác ngoài kia.
 Minh họa: Huyền trang
Minh họa: Huyền trang
Nắng tắt hẳn, tôi ngồi lặng thinh nghe tiếng mấy con muỗi vo ve, tiếng đàn chim đập cánh tìm về tổ sau một ngày mỏi mệt, tiếng gió đùa lá cây vi vu trong ráng chiều. Nhà nhà bật điện sáng, tiếng mẹ gọi con về tắm vang lên từ đầu ngõ. Tôi phải gọi vài lần mới thấy con trai lấm lem mò về, người nhễ nhại mồ hôi. Tiếng nồi cơm lục bục, tiếng nồi áp suất hầm trên bếp kêu xì xì lẫn thanh âm của những loài côn trùng đợi ngày tắt nắng xen lẫn vào suy nghĩ của tôi. Thầm nghĩ, con chim thuộc về rừng cây nhưng nó cũng chỉ cần một cành cây be bé để xây tổ, con cá cần có nước để sinh tồn nhưng không cần cả dòng sông. Vậy hà cớ chi con người phải đua tranh, ghen ghét để mà giành giật vụ lợi? Đến khi nào người ta mới biết yêu thương nhau là đến bên nhau, nhìn sâu vào mắt nhau hay nắm tay nhau một cái thật ấm? Một bữa cơm ngon không cần nhiều cao lương mỹ vị mà có khi chỉ là mấy món vợ chồng cùng nhau vào bếp để vừa nấu vừa trò chuyện. Bữa tối dọn trên mâm toàn đồ thơm ngọt vì người đầu bếp chính của gia đình đã tẩm ướp vào đó tình yêu chân thành, cả nhà vừa ăn vừa trò chuyện rôm rả, khép lại ngoài kia những ồn ã của đời sống phố thị…
Tôi vẫn nói với bạn bè mình rằng, tôi không ước gì nhiều, chỉ mong một cuộc sống bình yên. Đôi lúc tôi cũng tự so sánh, sao nhà người ta thế này, thế kia, cũng đắn đo với những chiếc áo lộng lẫy trong một cửa hiệu sang trọng nhưng rồi lại thôi… Tự ngộ, cuộc sống sẽ đầy đủ khi ta bình thản trong suy nghĩ. Đơn giản như buổi chiều này, ngoài phố người ta vẫn hối hả đi về, trong cuộc chuyện trò vẫn nói về giá xăng, giá điện. Với tôi, chiều về thấy con cười tít mắt, miệng chúm chím chào mẹ rồi chạy ra ngõ chơi đùa cùng đám trẻ nhà bên, được quây quần cùng những người thân yêu trong bữa cơm tối đã là đủ yên bình cho một ngày vừa tắt nắng.
 THIỀU TÚ UYÊN

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.