Đường ven đô...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Phố núi Pleiku không có nhiều đoạn đường đẹp về chất lượng xây dựng và đẹp cả về thẩm mỹ như đoạn đường này. Đó là đường Hoàng Sa đoạn từ ngã tư giao cắt với đường Trần Nhật Duật đến điểm nối với đường Trường Sa.
Đã hơn 10 năm đi vào sử dụng mà mặt đường vẫn phẳng lỳ. Và đẹp về thẩm mỹ, từ cách xây dựng đến tính cách cư dân hài hòa giữa mới và cũ, giữa quê dã và hiện đại. Định danh hành chính xã nghe rất chân quê, mà là quê thuộc thành phố. Dẫu nhà xây mái bằng, nhà kiểu Thái, biệt thự vẫn còn những luống rau xanh, hàng chè xanh, xuyến chi lung linh sắc màu trước ngõ. Sau nhà, vườn cà phê, hồ tiêu chạy dài hút mắt… Gia chủ rất dễ gần, mộc mạc từ cách giao tiếp đến lời ăn tiếng nói.      
   Một đoạn đường Hoàng Sa bây giờ. Ảnh: Đ.P
Một đoạn đường Hoàng Sa bây giờ. Ảnh: Đ.P
Với người dân thôn 3, xã Diên Phú định cư từ năm 1985, những đổi thay ở địa phương này chính là đổi thay cuộc sống của mình đã hằn sâu trong ký ức, không thể nào quên và dễ dàng nhận ra. Tiếc là không tìm được tấm ảnh tư liệu nào vào thời đó. Thì ghi lại theo lời kể để cùng nhau hình dung, làm cứ liệu so sánh vậy.
Năm 1985, thôn 3 có chừng 100 hộ dân. Họ từ khu vực Vườn Mít và Lò Than (vốn là công dân phường Hội Phú) chuyển đến. Địa danh Vườn Mít chẳng ai xác định được quãng thời gian ra đời cụ thể, chỉ biết có từ lâu lắm. Nó thuộc khu vực trung tâm xã Diên Phú bây giờ. Nói là vườn nhưng kỳ thực chỉ có vài cây mít mọc hoang không theo hàng lối trên đất rẫy của người Jrai. Còn cái tên Lò Than, “niên đại” được xác định từ những năm đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, do một người đàn ông có tên Ba Tri cư trú ở phường Hội Phú đến đây chặt cây rừng, đào lò đốt than được mấy mẻ rồi bỏ vì cây nguyên liệu đã khó tìm mà giá thành sản phẩm lại thấp. Vô tình để lại cái tên, khẩu truyền thành tên đất. Lò Than thuộc đường Trường Sa bây giờ, đoạn tiếp giáp với rừng thông.
Lý do người dân tự ý di dời đến nơi ở mới, theo ông Tôn Long Thao (tên thường gọi là Hai Hoàng, Trưởng thôn 3 lúc ấy và nhiều năm sau nữa) là bởi ở đây địa hình bằng phẳng, dân cư thưa thớt, lại gần trung tâm Pleiku và an ninh ổn định hơn. Dọc theo hai bên đoạn đường Hoàng Sa lúc bấy giờ được phân ra 30 lô, với diện tích 30 m x 100 m/lô cho 30 hộ dân mới đến làm nhà ở, có đất sản xuất, chủ yếu trỉa bắp, đậu nhờ nước trời.
Ngồi bên nhau trên bộ bàn ghế đá đặt ở hông nhà trong nắng cuối chiều, nhấp ngụm chè xanh nóng ấm, lão nông Hai Hoàng khỏe mạnh, nhanh nhẹn và minh mẫn ở tuổi 70 hồi tưởng: “Cuộc sống người dân kinh tế mới vốn đã khó khăn, đến nơi ở mới càng thêm khó. Gọi là nhà nhưng thực ra xóm mới gồm 30 cái chòi nhỏ hẹp mái lợp tranh săn, phần nhiều vách đất, vách thưng tre nứa, vách dựng le sậy. Nhà khá hơn vách làm từ ván bìa. Thưa nhà, ít người nên vắng. Đêm xuống càng vắng. Những ngọn đèn dầu leo lét không đủ nối dòng ánh sáng cho nhau giữa mênh mông bóng tối, nhất là vào mùa mưa. Thế giới chừng như cách biệt mỗi nhà trong gió mưa, trong đêm tối mịt mùng, bởi đường lầy trơn lắm hố nhiều lỗ cách ngăn. Nên mới có chuyện, vợ chồng thằng Hai Tấn, gọi tôi là cậu ruột vừa khóc gào vừa bế con gái đầu sốt cao lên cơn co giật đội mưa chạy bộ đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà cả xóm chẳng ai biết”. Cũng theo ông Hai Hoàng, hồi đó, dịp cận Tết mỗi năm, đàn ông cả xóm rủ nhau san lấp mặt đường; nắn đường cho thẳng hơn, còn mở rộng thêm ra. Năm 1995, điện được kéo về. Bà con chuyển hướng trồng cây cà phê, hồ tiêu. Nước tưới lấy từ giếng đào, dùng máy bơm để tưới. Không ít đàn ông con trai ở xóm này có được nghề đào giếng cũng từ đó.
Hiện nay, đường Hoàng Sa được trải nhựa cùng với đường Trường Sa, đường vành đai Trần Nhật Duật chạy dài đến tận xã Gào (TP. Pleiku). Bộ mặt xã Diên Phú thay đổi từng ngày, riêng đoạn đường Hoàng Sa đẹp và sang hẳn. Thế hệ con của những người dân nơi đây ngày ấy trưởng thành, không ít người trong số này bám lấy đất lành. Họ năng nổ, chăm chỉ làm ăn nên có của dư của để xây nhà mới khang trang. Dân cư đông, trường học được xây cất, hàng quán mở ra cho đoạn đường Hoàng Sa ngày nào lùi sâu vào quá vãng…
 NGUYỄN ĐÌNH PHÊ

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.