Hương cài mái tóc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cơn mưa cuối đông đầu xuân bắt đầu rả rích, cứ vậy mà tuôn tới hết đêm ngày. Không khí ngày một lạnh hơn, dù có khép chặt cửa phòng nhưng cũng chẳng thể ngăn nổi cơn gió buốt. Chợt nhớ tới một mùi hương ngai ngái phảng phất mùi rừng rậm, mùi đất và gió nước hoang dã, tôi bèn lấy mấy quả bồ kết khô, rửa sạch rồi sao cháy với một chút cỏ hoa...
Bà ngoại nói, phải kiêng tắm gội vào ngày mùng một và mùng hai Tết Nguyên đán. Nên vào ngày cuối cùng của năm, bà thường lấy bồ kết trên gác bếp rồi nướng chúng lên cho thơm, bẻ nhỏ, đun chung với lá sả, lá bưởi, hương nhu, cúc tần trong chiếc nồi đồng lớn để làm nước tắm cho cả nhà. Ngâm mình trong hương thảo mộc, dường như mọi muộn phiền, mọi chuyện không vui kết đọng trong ngực trong tim cơ hồ tan biến...
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Ảnh minh họa (nguồn internet)
Trong khu rừng gần nhà tôi có nhiều cây bồ kết, cao ngất và chi chít gai. Khi bồ kết bắt đầu chín và khô đi trên cành, bà ngoại thường nhặt những trái rụng dưới đất để phơi khô để dùng dần cả năm. Chưa bao giờ đụng tới một giọt dầu gội mua ở các cửa hiệu tạp hóa nên tóc bà lúc nào cũng đen óng ả cho dù đã gần tuổi thất thập. “Thời xưa con gái…”, mỗi khi nướng bồ kết tôi lại nghĩ tới mấy từ này, lại thấy mình như được trở về thuở xưa khi bếp rơm đỏ lửa, nhà tranh đóng chặt đề phòng các cơn gió buốt, một đứa bé gái cời mấy trái bồ kết khỏi tro, thổi cho bớt bụi rồi thả vào trong nồi nước; và nghe được cả mùi hương vấn vít, sưởi ấm cả sân, bếp và căn nhà nhỏ. Đẹp thay mái tóc thề óng ả thiếu nữ được xức thêm dầu hoa bưởi. Mọi thứ thuộc về những tháng ngày đã biến mất vào thời gian. Ôi, ngày xưa...
Nhà tôi đã chuyển xuống thị trấn, không còn khu rừng ấu thơ với cây bồ kết cổ thụ, không còn những ngày đi nhặt bồ kết rụng dưới gốc cây, cũng không còn những ngày ngủ quên trên rừng, hay nhân khi đi tìm trái mà ruổi sang nương mía của một nhà khác để bẻ trộm một đọt mía non.
Thời niên thiếu luôn muốn rời khỏi nơi ấy vì tham luyến phồn hoa ngoài song cửa, tham luyến sự tiện nghi đầy đủ nơi phố thị. Còn nay, tất thảy mọi thứ lại chẳng thể bằng một buổi chiều bắc ghế ra sân, ngắm những vì sao bắt đầu hiện lên phía trên cao đỉnh đồi đối diện, nghe tiếng dế kêu. Dưới bếp kia, hương bồ kết ngai ngái bắt đầu xông thơm cả một khoảng trời.
 Phạm Thúy Quỳnh

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...