Những lá thư gửi biển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO) -Con trai! Chúng ta sẽ nói chuyện như hai người đàn ông nhé?
Bố nhẹ nhàng kéo ghế của Quân gần lại, rồi chỉnh tư thế ngồi của bố cho thẳng lưng hơn. Quân thích thú khi được bố làm như thế, cảm giác như mình là người lớn hẳn hoi chứ không phải là thằng cu Tí bé tẹo như bà nội và mẹ gọi. Cảm giác đó khiến Quân hơi rần rần đỏ mặt một tẹo. Quân cũng chỉnh lại tư thế ngồi của mình, vươn thẳng vai hơn rồi đưa mắt nhìn thẳng vào bố một cách háo hức, không giấu nổi niềm tự hào. Không biết có việc gì mà bố bỗng gọi riêng Quân ra trò chuyện.
- Vâng! Con nghe đây bố.
Quân cố nén hồi hộp, cảm giác rất giống với việc đứng trên bảng để đọc cho cả lớp nghe bài tập làm văn của mình, nhưng đây chỉ là với bố. Có lẽ bố cũng biết như vậy nên mỉm cười với Quân thật nhẹ nhàng, gương mặt sạm nắng, nhiều nếp nhăn bỗng giãn ra hiền hòa. Quân lại nhìn thẳng vào mắt bố như để nhắc nhở bố không nên kéo dài lâu hơn cảm giác hồi hộp. Quân chờ đợi như chuẩn bị được giao một nhiệm vụ quan trọng. Chứ sao nữa, bình thường bố vẫn gọi Quân là chú lính nhỏ của bố đấy thôi. Quân biết cách nghiêm, nghỉ, giơ tay chào với một vẻ mặt hết sức nghiêm trang của một người lính thực thụ.
- Lần này bố sẽ phải vắng nhà hơi lâu, bố nhờ con chăm sóc mẹ có được không?
- Con vẫn làm như thế mỗi khi bố vắng nhà mà, bố hãy yên tâm công tác, bảo vệ biển đảo quê hương nhé.
 Quân thở phào, cười tươi tắn. Gì chứ nhiệm vụ này thì đơn giản, con nhà lính thì phải như thế. Quân đã quen nếp tự ăn, tự tắm, tự chơi, tự học một mình, biết lau nhà giúp mẹ mỗi khi mẹ mệt. Lần trước, Quân còn biết nấu cháo và đi mua thuốc cảm cho mẹ nữa. Lần ấy, mẹ buồn ứa nước mắt nói với Quân: “Lần sau, mẹ nhất định sẽ tự chăm sóc sức khỏe cho tốt, để không bị ốm như thế này nữa, không thì tủi thân lắm, lại làm tội con trai, không có ai chở đi học”.
Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
*
*    *
 - Mẹ! Nàng tiên cá có ở gần nơi bố đóng quân không mẹ?-Mắt Quân ngời sáng khi gấp quyển truyện “Nàng tiên cá” lại.
- Mẹ không biết, chắc cũng ở gần đấy-Mẹ vẫn chúi mũi vào chậu quần áo ở phòng tắm đáp vọng ra.
- Bố chắc chắn ở gần chỗ của các nàng tiên cá, các nàng tiên cá sẽ hát ru cho bố ngủ mẹ ạ-Quân quả quyết.
Mẹ phì cười:
- Thế bố và các chú ngủ rồi thì ai sẽ canh đảo, canh biển?
Ừ nhỉ, Quân ngớ người. Bố và các chú nghe tiếng hát du dương của các nàng tiên cá mà ngủ say thì lấy ai giữ biển? Thế thì thôi vậy, thế thì bố phải bịt tai lại không nghe các nàng tiên cá hát mà chỉ cần ngắm các nàng tiên cá múa thôi, Quân nghĩ vậy.
“Bố đi rồi, con không khóc, mẹ cũng đừng khóc mẹ nhé!”-Quân thì thầm vào tai mẹ. Nhất định Quân sẽ không khóc, bố đã nói Quân là chàng trai dũng cảm mà. Môi Quân mím chặt lại, tay nắm chặt tay mẹ, nhẹ nhàng lặp lại lời an ủi.
*
*    *
Ngày…
Con không biết Tổ quốc là gì, con cũng chưa từng đến hòn đảo nơi bố đóng quân mà chỉ biết qua những dòng thư của bố. Con biết nơi bố đóng quân rất đẹp, bố rất yêu hòn đảo như bố yêu mẹ và con, bố và các chú luôn phải canh giữ hòn đảo đó cho những người phụ nữ như mẹ, cho những đứa trẻ như con được yên ổn, cho những người đàn ông như bố đi đánh cá và bắt những con ốc đẹp về cho con. Bố không được về nhiều, vì có những người xấu định cướp mất hòn đảo đó, mà hòn đảo đó là một phần của Tổ quốc. Đôi lúc con ghét cái hòn đảo đã giành bố của con. Bố ở trên đảo còn nhiều hơn thời gian bố về với mẹ và con. Nhưng vì bố yêu đảo nên con cũng tập yêu đảo, cũng tập yêu biển như bố. Con và mẹ sẽ ra thăm bố. Nhất định con sẽ ra đảo, sẽ được bố dẫn đi chơi ở cái nhà giàn đong đưa trong bão của bố, sẽ được chạm vào cây súng của bố hay đeo khi đi canh gác, sẽ được bố dẫn đi tắm biển và được bố dạy bơi.
Ngày…
Biển chẳng biết Quân đâu, nhưng Quân biết biển. Vì bố của Quân đã kể cho Quân nghe nhiều về biển. Bố kể biển rất rộng rãi và phóng khoáng với mọi người, biển cho con người nhiều của cải, cho cả cá tôm, những cành san hô đẹp, những cái vỏ ốc biển to. Quân cảm ơn biển đã gửi Quân những món quà rất quý như vậy. Bố Quân cũng rất yêu biển nên ngày đêm bố và các chú ở đội của bố đều canh gác cho biển, bố bảo không đâu giàu và đẹp bằng biển Việt Nam mình.
Bây giờ biển lại càng đáng để Quân yêu và muốn gặp hơn, vì biển đang giữ bố Quân. Quân rất muốn gặp bố, rất muốn được bố ôm vào lòng và kể chuyện về biển cho Quân nghe. Nhưng Quân sẽ không giành bố với biển đâu, vì bố nói Quân đã là một người đàn ông, Quân có nhiệm vụ phải làm cho mẹ đỡ buồn vì nhà lúc nào cũng thiếu hẳn một người. Quân sẽ thay bố chăm sóc mẹ mỗi khi mẹ ốm, mỗi khi mẹ khóc vì nhớ bố. Nên biển cũng chăm sóc bố giúp Quân nhé! Bố Quân khi đau chỉ cần ăn một bát cháo nóng đập một quả trứng vào thôi, bố Quân cũng không hay bị đau lắm đâu nên biển không phải lo chăm sóc nhiều. Biển chỉ cần đắp hộ Quân một chiếc khăn ướt lên trán bố mỗi khi bố sốt thôi, bố sẽ không làm nũng hay đòi kẹo như Quân đâu.
Cái vỏ ốc sẽ thay bố ru Quân ngủ mỗi đêm, nhưng còn mẹ, mẹ thì ai ru mẹ ngủ đây? Quân giật mình, bỏ vỏ ốc ra khỏi tai. Đúng rồi, bố đi vắng, Quân sẽ trở thành người đàn ông duy nhất trong gia đình, bố đã nhờ Quân chăm sóc mẹ cơ mà. Lúc này, Quân còn nhớ bố như thế thì mẹ chắc phải nhớ gấp đôi. Quân ngồi dậy, huơ chân xuống giường, xỏ ngay vào đôi dép vải nâu êm êm có hình con gấu mà Quân đã đòi bố mua trong kỳ về thăm nhà lần trước. Nhẹ nhàng, Quân bước sang phòng mẹ. Phòng mẹ vẫn sáng đèn. Ở góc giường, mẹ co người quấn kín chăn, rưng rức khóc, chiếc chăn rung lên từng nhịp nhè nhẹ. Quân cố nhón chân thật khẽ bước đến bên giường, đặt chiếc vỏ ốc đến gần gối của mẹ:
- Mẹ, Tết này con và mẹ sẽ ra đảo thăm bố nhé!
Mẹ khẽ khàng mở tấm chăn, ngước mắt nhìn Quân. Đôi mắt mẹ đỏ hoe, ướt nhẹp bỗng sáng lên niềm vui. Rồi mẹ nhoẻn miệng cười. Quân cũng cười và im lặng ngồi xuống bên mẹ, hít hà hương gió vừa len qua khe cửa. Dường như hương gió đêm nay phảng phất chút vị mặn nồng của biển…
Kim Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.