Thân thương chiếc gáo dừa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tuổi thơ đằm sâu trong tôi là ngôi nhà tranh vách đất; nồi cơm bé xíu bên bát canh rau đay cùng chén cà muối trường chua giòn đến khó cưỡng; là hàng rào cúc tần chen chúc dây tơ hồng vàng óng; là giọng ngoại ấm áp gọi cháu về ăn cơm mỗi chiều chập choạng… Nhưng nhớ nhất vẫn là chiếc gáo dừa thân thương đong đầy bao kỷ niệm. Chiếc gáo dừa neo đậu trong tôi ký ức về những tháng năm nghèo khó nhưng ngập tràn hạnh phúc bên ngoại.
 Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Ngoại bảo, dừa làm gáo thì phải chọn quả thật già, thật tròn đều. Ngoại ngồi tỉ mỉ hàng giờ bóc bỏ, cạo sạch phần xơ cho nhẵn thín rồi cưa bỏ một phần ba phần trên sọ dừa. Tiếp theo là đến công đoạn khoét lỗ nhỏ hai bên. Và cuối cùng là vót đoạn tre cho tròn, xiên vào giữa hai lỗ làm cán gáo. Thấy tôi chăm chú quan sát, ngoại cười: làm gáo dừa quan trọng là khi cưa bỏ đi phần sọ trên và khi khoét lỗ, vì nếu không cẩn thận, gáo sẽ bị nứt.
Tôi thích nhất những khi được cầm trên tay cái gáo dừa ngoại mới làm, hết ngắm nghía cho đã mắt rồi đem ra chum nước, múc lên một ngụm nước mát rửa mặt. Rồi những ngày sau đó, gáo dừa an nhiên nằm chễm chệ trên cái chum sành làm nhiệm vụ của nó.
Gáo dừa là vật không thể thiếu mỗi khi ngoại tôi gội đầu. Những khi ấy, tôi lại hí hửng đứng bên múc từng gáo nước gội đầu cho ngoại. Lại nhớ sao những lần ngoại cầm gáo dừa múc nước tắm cho tôi mỗi trưa, mỗi chiều. Ngày xưa, ở quê ít có ca nhựa đủ màu xanh đỏ hay ca nhôm, inox tiện lợi như bây giờ. Chỉ chiếc gáo dừa giản dị là sẵn có. Gáo dừa còn được ngoại dùng múc nước rửa rau, vo gạo… Mùa nối mùa, gáo dừa vẫn được đặt ngang chiếc chum sành đựng nước mưa, nước giếng ngọt mát. Những trưa nắng nực hay những tối trăng thanh, ngoại vẫn thường lấy gáo múc nước mưa nấu một ấm trà xanh để sẵn. Khi thì mấy cậu mấy dì về nhà nhâm nhi giải nhiệt, khi hàng xóm rủ nhau đến chơi, vừa uống nước trà xanh vừa tâm tình bàn chuyện làng, chuyện nước.
Cuộc sống giờ đã đổi thay rất nhiều. Từng góc phố, làng quê nơi tôi đi qua hiếm khi còn gặp hình ảnh chiếc gáo dừa nằm vắt ngang trên chum sành như thuở trước. Họa chăng là những chiếc gáo dừa làm đồ mỹ nghệ trang trí trong những quán xá, nhà hàng. Thế nhưng, những tháng ngày gian khó mà đong đầy yêu thương bên chiếc gáo dừa cùng ngoại vẫn vọng về trong tôi thao thức, làm dịu mát lòng tôi nơi đất khách quê người.
Mỗi lần về thăm quê, tôi lại đạp xe sang nhà ngoại. Tóc ngoại giờ đã ngả màu trắng phau, lưng ngoại đã còng như bông lúa trĩu hạt ngoài đồng, nhưng nụ cười và ánh mắt vẫn vẹn nguyên vẻ nhân hậu, yêu thương. Và vui biết mấy khi thấy cái gáo dừa vẫn nằm đó, thân thuộc vô cùng, bên chiếc chum sành.
An Viên

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.