Những ngày có bố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhà tôi nằm tại ngã ba sông. Bạn có thể thấy thật lạ khi nhà bỗng như mọc lên giữa sông nhưng đó là câu chuyện của hai mươi năm về trước. Con sông đào sâu chừng 5 m vốn chạy qua trước mặt nhà ông ngoại tôi. Ngày bố đi hỏi cưới mẹ, ông chỉ tay ra ngã ba sông thách thức: “Mày dựng được căn nhà hỏi vợ ngay ngã ba sông này, tao gả liền”. Ông ngoại tôi hay bất kỳ một ai khác trong làng này dĩ nhiên không hề muốn gả con gái cho bố tôi, một tay khét tiếng cờ bạc, nhà cửa chẳng có.
Lời thách không tưởng ấy ai dè là động lực cho bố. Ông chọn ngay thời điểm tháng 5, mùa sông cạn nước nhất để đắp đập, be bờ. Hàng chục thanh niên trai tráng trong làng, nhiều người không thân quen nhưng khi biết chuyện vẫn nhiệt tình đánh trần giúp bố đắp đất xây nhà. Nhà tôi nằm giữa ngã ba sông là vì thế. Bố tôi cưới được vợ, người con gái có tiếng đảm đang, ngoan ngoãn trong làng cũng vì thế. Ngày con gái đi lấy chồng, mặt ông ngoại tôi buồn thiu. Nhưng dù là nông dân cả đời lam lũ, ông vẫn luôn nói: “Quân tử nhất ngôn thì nông dân cũng nhất ngôn”. Ngoại chỉ yên tâm hơn một tẹo khi bố tôi lầm rầm khấn trước bàn thờ tổ tiên lời thề chẳng giống ai: “Con xin thề sẽ bỏ cờ bạc, chí thú làm ăn để lo cho gia đình”.
Trong suy nghĩ của bốn anh em chúng tôi, bố là người quyết đoán. Quyết đoán đến mức nhiều khi tưởng khắc nghiệt. Năm 20 tuổi, lần đầu tiên tôi trở về quê sau một thời gian dài đi làm xa nhà. Trước Giao thừa vài tiếng, mấy đứa bạn rủ ra đình đánh bài thử vận đỏ đen. Tôi gặp vận đỏ, thắng hơn năm triệu đồng. Số tiền không hề nhỏ so với vùng quê nghèo chiêm trũng này. Về đến nhà, nhìn vẻ mặt tươi rói của tôi, bố rót nước trà gọi lại uống và nói chuyện:
- Con vừa đi đâu về vậy Lâm?
- Con đi chơi.
- Chơi đâu?
Tôi lúng túng thực sự. Kể từ khi lấy vợ, bố tôi đã thề đoạn tuyệt và chưa bao giờ ủng hộ trò đỏ đen. Nhưng với tôi, đó chỉ là trò chơi may rủi, trong làng tôi có tới 3/4 thanh niên trai tráng thân quen nhau trên chiếu bạc.
  Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
Bố ngay lập tức nắm bắt được suy nghĩ của tôi. Ông nhìn với ánh mắt dò xét:
- Con thắng hay thua?
- Dĩ nhiên con thắng. Nhiều lắm bố, hơn năm triệu đồng.
Bất ngờ, ông vung cánh tay săn chắc bổ mạnh xuống mặt bàn:
- Đặt lên đây!
Tôi lúi húi đặt lên.
- Mày nghĩ sao vậy con? Mày đi làm xa quê còn có đồng ra đồng vào về quê ăn Tết. Hầu hết những thằng ngồi chung chiếu bạc với mày hôm nay, chúng nó không có tiền, mùa màng năm nay thất bát. Chúng nó muốn bỏ con tép bắt con tôm, có thêm chút đỉnh mua chút thịt chút bánh cho vợ con ba ngày Tết. Thế mà mày ăn hết tiền của tụi nó với vẻ mặt hớn hở thế kia. Khốn nạn!
Tôi nóng mặt khi nghe ông dằn hai từ nặng nề ấy. Các cơ trên khuôn mặt ông rần rật rung lên, xô lại vì giận giữ.
- Bây giờ bố muốn con làm gì?
- Đồ ngu. Ra đình trả ngay tiền cho tụi nó.
- Mọi người về hết rồi.
- Vậy mày gõ cửa từng nhà mà trả.
Giao thừa năm ấy, tôi như một thằng ngu (cũng có thể có người coi là đạo đức nhưng tôi vẫn nghĩ người ta nhìn mình giống thằng ngu hơn) khi đi khắp làng gõ cửa những người thua bạc để trả tiền cho họ. Trong lòng tôi lúc ấy tràn ngập sự cay cú với bố. Tôi chấp nhận đi không phải vì phục lời bố mà vì ánh mắt mẹ tôi lúc đó như van nài, như cầu xin. Nếu tôi không nghe lời bố, không chỉ nhà người ta mất hết cái Tết mà nhà tôi cũng vậy.
Cũng từ đó, chẳng thề nguyền với ai nhưng tôi không bao giờ ngồi lại chiếu bạc. Tôi nhớ như in cái đêm ba mươi thắng đậm ở quê và mất sạch hứng thú đỏ đen.
*
*      * 
Mùa hè năm ấy, bố tôi trở bệnh. Căn bệnh ung thư phổi khiến ông xuống sức nhanh chóng. Những năm cuối cùng, ông trồng quanh vườn nhà từng gốc na, gốc ổi. Trước nhà là một dãy dài cam, bưởi. Nhiều người biết bệnh tình của bố, thở dài nhìn ông: “Làm chi khổ vậy? Ông để dành sức mà sống, trồng mấy thứ cây lâu năm này bao giờ mới có trái cho ông ăn”. Ông chỉ cười rất hiền: “Tui trồng cho tụi cháu tui ăn, lũ trẻ trong xóm ăn”. Lúc ấy, cả bốn anh em tôi đều chưa ai dựng vợ gả chồng. Chỉ mỗi tôi có người yêu vừa mới ra trường, đang chờ ổn định công việc là có thể cưới hỏi.
Tôi nghe xót lòng, giục Ngọc tổ chức đám cưới. Ngọc dĩ nhiên đồng ý ngay, bởi với tính nhạy cảm của phụ nữ, em còn xót xa hơn cả tôi khi nghe bố nói thế.
Bố vào bệnh viện. Nằm chung phòng cấp cứu với bố có khá nhiều cụ sàn sàn tuổi. Trong khi nhiều ông bà hay dành một thời gian đáng kể trong ngày để ngồi thở dài, ngẫm nghĩ về cái chết thì bố vẫn thường lạc quan tếu: “Cái chết có gì đâu, lúc nào tới số, trên gọi thì mình đi thôi”. Được vài hôm, lần đầu ông tỏ ra ưu tư khiến chúng tôi nhầm tưởng ông bắt đầu giống các cụ kia, sợ cái chết đang gần kề…
Bố gọi tôi ra góc sân bệnh viện. Bàn tay gầy guộc, đen sạm của ông nắm tay tôi:
- Lâm, con thấy cụ già cuối phòng cấp cứu không?
Ông cụ ấy là một nghệ nhân làng mộc. Nhà cụ cũng có bốn đứa con như bố. Nhưng khác với bố, lũ con ấy mỗi đứa một phương, coi cha mẹ như không còn có mặt trên đời từ lâu rồi. Cụ nằm viện gần hai tháng nhưng chưa bao giờ thấy một đứa con nào vác mặt thăm nom. Trong khi cụ ông nằm đây thì cụ bà hàng ngày vẫn đi lượm rác kiếm thêm tiền trang trải viện phí. Sáng nay, bác sĩ nói nếu không có giác mạc để ghép thì sẽ không thể cứu được đôi mắt ông cụ ấy nữa. Mà nghề của ông cụ, mai mốt ra viện nếu không có đôi mắt thì chẳng làm được gì.
Bố tôi lặng đi một lúc.
- Lâm, bố tính thế này được không? Mày lên Giám đốc Bệnh viện hỏi xin cho bố tờ đơn xin hiến giác mạc để cứu được đôi mắt ông cụ. Mai mốt tao chết cũng chẳng cần đôi mắt mang theo làm gì. Lúc ấy cụ còn cần thì có thể cứu được, nếu không cũng sẽ rất cần cho những người khốn khổ như cụ ấy.
Bố tôi rành rẽ, dù ông nói “bố tính” như dò ý tôi nhưng kỳ thực, giọng ông vang vang  như ra lệnh. Ông lắc lắc cánh tay tôi: “Nhé con, giúp bố, nếu không có khi không kịp”. Như có linh tính, ngay sau khi tôi vừa hoàn tất thủ tục theo ý nguyện cuối cùng của bố thì bệnh viện trả bố về cho gia đình. Trước khi rời bệnh viện, bố tôi vẫn nhìn về phía những người bạn già với một ánh mắt lấp lánh niềm vui.
Ngày chúng tôi đưa bố về lại căn nhà cũ, nơi có mảnh vườn mà bố đã vắng bóng gần nửa năm nay, lứa ổi đầu tiên vừa chín tới. Hương ổi ngọt ngào trong gió se đưa ra tận con đường chạy qua trước nhà. Bố khẽ à lên một tiếng nói tôi: “Con nhớ hái ổi cho lũ trẻ trong xóm, để rụng uổng”. Rồi ông ngoái nhìn thằng cu Tít con tôi, đang ngoẹo cổ ngủ say trong lòng mẹ nó: “Cháu nhà mình chắc vài năm nữa mới có thể ăn ổi. Ông không kịp hái cho cháu, nhưng không sao, biết chắc cây có nhiều quả chín thơm là mừng rồi”.
Vài ngày sau, bố ra đi rất đỗi nhẹ nhàng. Từ trước tới nay, tôi vẫn nghĩ căn bệnh ung thư thật đớn đau, khủng khiếp khiến người ta chẳng thể nào có một cái chết nhẹ nhàng. Nhưng cái chết của bố thì đúng như bố nói: “Mình sống trọn cuộc đời chẳng hại gì ai, thương yêu mọi người thì việc từ giã cuộc sống âu cũng là chuyện bình thường của đời người, qua thế giới bên kia cũng có nhiều ấm áp”.
Thú thực, trước khi bố mất, tôi chưa từng nghĩ tới chuyện có thế giới bên kia hay không. Nhưng sau đó, mỗi khi thắp hương lên bàn thờ bố, tôi vẫn dọn hai đĩa trái cây, một đĩa nhỏ cúng bố, một đĩa lớn hơn để bố mời những người khác, nhất là những đứa nhỏ xung quanh bố. Bởi tôi biết ông chưa bao giờ ăn miếng ngon một mình.
Võ Thu Hương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

Thơ Hoàng Đăng Du: Mùa trôi

(GLO)- Dẫu biết rằng xuân qua hạ tới, thu tận đông tàn là quy luật của thiên nhiên nhưng sao chứng kiến những khoảnh khắc mùa nối mùa vẫn khiến tác giả Hoàng Đăng Du không khỏi cảm thấy chút nuối tiếc, hụt hẫng, bâng khuâng...
Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

Nguyễn Thị Thanh Thúy: Chọn đi đường dài với văn chương

(GLO)- Được đào tạo chuyên ngành Văn học, khi ra trường lại quyết liệt theo đuổi nghề báo, sau đó “đầu quân” vào ngành Công an và bất chợt tìm thấy niềm hạnh phúc với văn chương-đó là những bước ngoặt bất ngờ trong cuộc sống của Thượng úy Nguyễn Thị Thanh Thúy (Phòng ANCT nội bộ, Công an tỉnh).

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Bày tranh Việt đoạt giải thưởng Đông Nam Á trị giá nửa tỷ đồng

Tác phẩm đặc sắc của 8 nghệ sĩ trẻ tài năng nhất từ cuộc thi mỹ thuật uy tín Đông Nam Á “UOB Painting of the Year 2023” được trưng bày tại triển lãm, đón khách tham quan từ sáng 23/3 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Chủ nhân bức tranh được giải cao nhất mang về phần thưởng 500 triệu đồng.