Một chiều thu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thành đưa tay dụi mắt khi gió chiều đã hiu hiu trước cửa sổ cạnh đầu giường. Tính ra, một năm làm xa nhà, Thành chỉ về thăm quê được đôi lần. Lần nào cũng nằm quá giấc trưa.
Buổi chiều ở đây dịu lắm, chẳng thấy khí trời vẩn đục màu khói bụi, không nghe rít bên tai tiếng còi xe những giờ tan sở. Thành quên bẵng đi cái cảm giác hối hả những ngày đi làm cửu vạn. Ừ thì chuyện mưu sinh! Thành-một kỹ sư thất nghiệp đổ về Sài Gòn cũng chẳng khác bất kỳ người dân tứ xứ nào, nhọc nhằn bán sức. Ở chỗ làm của mình, Thành còn chứng kiến không ít phụ nữ đã ở ngưỡng tứ tuần mà vẫn phải bốc hàng đến vẹo cả cột sống. Chỉ có điều, Thành đau khổ vì nghĩ mình thấp hèn, còn họ thì không. Dù cái đau khổ ấy chỉ bằng một phần nghìn nỗi tù túng ngày Thành ra trường, nằm dài ở nhà, không một xu dính túi và “muối mặt” khi nghe người trong làng kháo nhau về sự bất tài của mình. Giờ, trừ tiền ăn tiêu, mỗi tháng, anh vẫn dư được vài trăm ngàn đồng gửi về cho mẹ. Mẹ tuy chưa già nhưng sức đã yếu, mắt lại mờ hẳn một bên, đến xem ti vi còn khó. Thành là con một, chỉ cậy vào chị Thu hàng xóm lúc tối lửa tắt đèn chạy sang...
Những ngày đông, trong lúc đứng chờ xe hàng ở cổng chợ, Thành bập điếu thuốc vào môi cho đỡ cóng, cứ ngỡ mình là một lao động phổ thông “chính hiệu”, chưa từng vắt óc trên giảng đường. Đợt này về, Thành định bụng sẽ không quay lại, để rời bỏ cái nghề cửu vạn đêm, để không còn phải ám ảnh vì những giờ oằn mình thức trắng và nhất là không phải kéo sụp chiếc mũ lưỡi trai xuống quá nửa mặt, cắm cúi đi trên phố. Nhưng một xã ven đô như quê anh cái nghèo còn đeo bám, không làm thì lấy gì nuôi mẹ, nuôi thân?
 Minh họa: KIM HƯƠNG
Minh họa: KIM HƯƠNG
*
*     *
Thành rảo bước ra đầu ngõ. Cây mẫu đơn nhà ai đã đơm mấy nụ phơn phớt đỏ trên cành. Tiếng gió thu khe khẽ. Từ hôm về đến giờ, Thành chưa đi thăm lại xóm làng, quên rằng mình đã từng thông thuộc mọi kẽ ngách nơi đây. Trong trí nhớ của anh, làng quê chỉ là dăm bảy nóc nhà và hàng cây chơ vơ trong ráng chiều hoai hoải tím. Một nỗi buồn mun mút đến vô cùng. Dường như càng bước ra đường, Thành càng thất vọng về chính mình. Tâm tư ấy tràn cả vào lồng ngực, chẳng thể nào ngăn nổi. Quang cảnh của chốn quê nghèo chiều nay sao đổi khác nhiều quá? Nắng đổ vàng trên thềm những ngôi nhà ngói cũ, lũ trẻ con đi học về tíu tít gọi nhau. Gió thổi lên ngực anh se sắt. Ngẩng lên tìm hướng khác quay về. Bỗng anh đứng khựng lại, sửng sốt khi bắt gặp hình ảnh ông cụ với xe bán ổi ngay ở mảnh đất bỏ hoang trước mặt mình. Là ông sao, người bán ổi dạo gần 20 năm về trước? Thành không tin! Làm gì có ai trung thành với nghề bán ổi dạo cơ chứ. Đó không phải là một nghề.
Hàng ổi nom vắng khách. Thành tiến lại gần, cúi đầu chào:
- Bác Minh phải không ạ?
Ông Minh tháo chiếc kính đã cũ mèm, nheo mắt, muốn nhìn cho ra chàng trai trước mặt nhưng tỏ vẻ bất lực. Ông gật đầu và cười hiền:
- Mua ổi không cháu, còn 2 xâu.
Trời ơi! Đúng bác ấy rồi, Thành rơm rớm mừng như thể vừa gặp lại người thân sau bao ngày xa cách. Thành không thể đoán được những vết chân chim hằn trên gương mặt ông cụ bây giờ đã che giấu đi bao nhiêu đổi thay của mùa, bao nhiêu cơ cực của cuộc đời. Gần 20 năm trôi qua, hình ảnh bác cặm cụi chở xe ổi đi khắp các hang cùng ngõ hẻm của vùng đất này và tiếng rao: “Ai ổi không” là một phần ký ức thời thơ ấu của những đứa trẻ nghèo trong xóm. Còn nhớ, với Thành, những xâu ổi quẹt với muối ớt cay cay ngày ấy là một thức quà xa xỉ. Dăm bữa nửa tháng mới được một xâu, có hôm trả vài trăm đồng, có hôm xúm xít đổi cả hàng tá lon, chai... nhặt được cùng đám bạn. Bác nay già thật rồi, râu tóc bạc đi cả và đoán chừng vẫn còn lẻ bóng. Thành đỡ lấy 2 xâu ổi trên đôi bàn tay lốm đốm vết đồi mồi của ông lão, tiện lời, hỏi một câu vụng về:
- Bây giờ bác sống cùng với ai ạ, sao chưa nghỉ ngơi hở bác?
Ông Minh trầm ngâm một đoạn, bóng dáng xiêu vẹo trong gió chiều, nét buồn phảng phất nơi mắt sâu như soi rõ dư vị của một đời cần lao. Thành thấy mình lỡ lời.
- Thời niên thiếu, bác chỉ lo cùng gia đình chạy giặc. Bố mẹ của bác mất cùng một ngày, bác mồ côi nên chẳng được học hành bao nhiêu, làm việc gì cũng khó. Nhưng nghề bán ổi này cũng vui cháu ạ. Bán dạo đã thành cái nghiệp của bác rồi. Một ngày ngồi nhà cũng không yên...
- Ngày bán vài xâu ổi thế này, bác đủ sống chứ ạ?
-  Ừ, chẳng vợ con gì nên vừa đủ đấy cháu.
Hóa ra, bán ổi dạo cũng là một nghề ư? Trước mắt Thành bây giờ rõ là một người đàn ông đã đi quá nửa đời người, vẫn vui vẻ với nghề bán rong. Vậy mà, trong những ngày lăn lộn kiếm sống ở phương xa, anh vẫn mơ tưởng đến một lúc nào đó sẽ có một nghề sáng rỡ, xứng với tài năng của mình. Lúc ấy, càng nghĩ về viễn cảnh tươi đẹp đó, Thành càng chán ghét cái nghề “vừa ráo mồ hôi là ráo tiền” của mình. Chiều nay, Thành thấy mình đổi khác.
Nhìn mớ tóc bạc của ông lão phất phơ trong gió chiều, Thành bỗng thấy thư thái trong lòng. Anh chào bác Minh rồi bước đi. Nửa đường còn quay lại nhìn thêm lần nữa. Có gì như đang sáng lên trong tâm hồn Thành ngay lúc ấy. Anh đột nhiên quay lại:
- Cháu mời bác về nhà ăn với mẹ con cháu một bữa cơm. Nhà cháu ở ngay đầu ngõ. Nhà còn ít rượu chuối, bác cháu ta nhâm nhi.
Bác Minh gật đầu rồi chỉ vào xe hàng, bảo:
- Bác dọn hàng đã.
Thong thả ra về, ngang qua giàn bông giấy phủ kín một mảng tường rêu, Thành thấy tất thảy cảnh vật xung quanh mình như sáng lên. Một nguồn xúc cảm trong trẻo cứ chảy khắp cơ thể Thành, quấn chặt vào quần áo, tóc tai khiến anh càng thêm thấm thía. Chiều đã muộn lắm. Thành ngẩn nhìn đồng hồ rồi rảo bước thật nhanh. Con đường làng trước còn u ám nay bỗng thanh mát lạ thường. Ngẫm lại, suýt chút nữa Thành đã tự giết mình bằng nỗi mặc cảm thường nhật. Từ giờ trở đi, Thành không thấy mình đớn hèn nữa. Một người đàn ông như bác Minh có thể dành cả đời cho nghề bán ổi dạo, vẫn tươi cười hãnh diện. Vậy tại sao Thành lại không thể thôi cái ý nghĩ rằng nghề cửu vạn là một nghề thấp hèn, đáng xấu hổ. Cuộc sống chẳng thể nào có quá nhiều sự lựa chọn. Thành nghĩ vậy và bắt đầu chấp nhận mình, thấy dễ chịu với chính mình, dù thấu trong tim vẫn mong có ngày được trở thành một kỹ sư đúng nghĩa.
*
*     *
Sương đã xuống, bữa cơm nhà Thành tối nay có ba người. Thành không thấy đói nhưng cũng ráng ăn thêm bát nữa, cố để bác Minh thật tự nhiên. Mẹ Thành gắp miếng cá nục hấp bỏ vào chén bác Minh, ân cần nói:
- Trưa nào không về thì ghé lại tôi ăn cơm. Ông đừng ngại.
Tiếng cười nói vang vang dưới ánh đèn tù mù. Chừng lúc sau, Thành tiễn bác Minh ra đến tận cổng. Đầu tuần tới, Thành sẽ vào lại Sài Gòn, chủ các xe hàng đã điện suốt chiều giờ.
Lữ Hồng

Có thể bạn quan tâm

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

Thơ Nguyễn Ngọc Hưng: Nắng

(GLO)- Nắng hòa cùng bốn mùa xuân, hạ, thu, đông thành những gam màu khác nhau. Trong bài thơ mới của tác giả Nguyễn Ngọc Hưng, nắng được hóa thân thành "cô bé" với những tính cách nhí nhảnh, đáng yêu...
Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

Gương mặt thơ: Nguyễn Ngọc Tư

(GLO)- Tôi quen và chơi với Nguyễn Ngọc Tư đã mấy chục năm và cũng hết sức bất ngờ khi mới đây chị công bố... thơ, mà tới 2 tập liên tiếp và bán tơi tới. Thì cả nước đều biết Nguyễn Ngọc Tư là nhà văn nổi tiếng, nhất là sau khi “Cánh đồng bất tận” xuất hiện.
Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

Thơ Lê Từ Hiển: Cỏ mây

(GLO)- "Cỏ mây" của nhà thơ Lê Từ Hiển như một khúc tự tình của hoa dại, của mây trời, thỏa sức sống đời thảnh thơi nơi triền sông, cô độc trong sự ngọt ngào, hồn nhiên, ngất ngưởng...
Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

Gương mặt thơ: Bùi Quang Thanh

(GLO)- Nhà thơ Bùi Quang Thanh quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, tuổi Canh Dần (1950). Năm 1971, ông là lính của Mặt trận Tây Nguyên, đã từng tham gia chiến dịch giải phóng Đăk Tô-Tân Cảnh 1972 và suýt nữa thì nằm lại giữa rừng “cánh Trung” vì sốt rét.

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

Thơ Ngô Thanh Vân: Hoa đắng

(GLO)- Loài hoa mang trong mình vị đắng đót nhưng vẫn căng mình tận hiến không chỉ sắc vàng rực rỡ mà còn nuôi dưỡng cho đất đỏ bazan màu mỡ. Bài thơ "Hoa đắng" của nhà thơ Ngô Thanh Vân là những lời viết đầy cảm xúc dành cho loài hoa đặc trưng của vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió này.
Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...