Tình già

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Ngày còn là một cô bé 18 tuổi đầy ngây thơ và mơ mộng, tôi vẫn thường ao ước có những cuộc tình đầy lung linh huyền ảo với âm nhạc, hoa và nến. Tôi với người tôi yêu sẽ cùng khiêu vũ trong tiếng nhạc du dương, trong tiếng sóng biển rì rào. Thế nhưng, mãi cho đến bây giờ, khi đã không còn là một cô bé 18 tuổi, tôi mới chợt nhận ra rằng, những câu chuyện tình yêu lãng mạn không phải lúc nào cũng có nến và hoa và sóng biển, nó đôi khi được vẽ nên từ những điều rất giản dị.

Tôi ngưỡng mộ tình yêu của ông bà tôi, thứ tình cảm mà cho đến tận bây giờ, ông bà vẫn khiến con cháu trong nhà phải xuýt xoa ganh tị. Từng là một người lính, ông gặp bà và phải lòng người con gái Đà thành xinh đẹp dịu dàng ấy lúc nào không hay. Mỗi dịp về thăm nhà, tôi vẫn thích ngồi cạnh để nghe bà kể về những “bức thư tình đầu tiên” ông gửi cho bà. Những lá thư đến giờ tuy không còn nhưng bà bảo nó vẫn luôn nằm sâu trong trí nhớ. Thỉnh thoảng, trong khi kể chuyện bà dừng lại, nhìn về phía dáng ông đang cặm cụi nhổ cỏ rồi mỉm cười. Tình già của ông bà thật đẹp biết bao.

 

Minh họa: Kim Hương
Minh họa: Kim Hương

Ông bà tôi có sáu người con, ai cũng được học hành đàng hoàng, có việc làm ổn định. Ông vẫn thường nói với chúng tôi rằng ngày xưa nhà có nghèo đến mấy, ông bà có nhịn ăn cũng phải để cho con cái ăn học đến nơi đến chốn. Mỗi lúc kể chuyện ngày xưa, tôi vẫn thấy đôi mắt ông bà ươn ướt. Cả cuộc đời hai người lam lũ mưu sinh chỉ để con cái ăn học thành tài. Dù có bao gian khó vất vả, cả hai người vẫn chưa bao giờ buông tay nhau, cùng nhau cố gắng để con cái mai sau không phải sống cuộc sống vất vả như mình.

Năm nay đã ngoài 70 tuổi nhưng sự lãng mạn của tình già trong ông bà vẫn chưa bao giờ dứt. Ăn cơm, ông chẳng bao giờ khen món bà nấu, chỉ lặng lẽ ăn hết tất cả. Con cháu lâu lâu về nấu cho ông ăn những ngày bà vắng nhà, bao giờ ông cũng than: “Chỉ có mạ mi nấu mới vừa miệng ta”. Những ngày bà bị căn bệnh thấp khớp hành hạ, phải nằm viện, lần nào chúng tôi đưa cơm cũng nghe bà hỏi: “Không biết giờ ni ông tụi bây đã ăn cơm chưa?”. Tình cảm ông bà trao nhau không cần hoa, nến, chỉ là một người mỗi chiều vẫn xuống ngồi nơi chiếc võng quen ngắm nhìn hình bóng của người phụ nữ đang lúi húi nấu ăn trong bếp, một người chỉ cần nghe tiếng bước chân cũng đoán được đó là người kia. Vậy là đủ!

Ông bà tôi cất một ngôi nhà khang trang trong khu vườn rộng rồi trồng thêm vài cây ổi, luống khoai, nuôi thêm mấy con gà, con vịt cho vui cửa, vui nhà. Ngôi nhà ấy chỉ vào những dịp lễ, Tết mới rộn ràng tiếng con cháu. Đôi lần, ba mẹ tôi hoặc gia đình cậu dì khuyên ông bà chuyển lên sống với chúng tôi nhưng ông bà nhất quyết không đi. Ông bà bảo đi đâu cũng không bằng nhà mình.

Tình già của ông bà chính là niềm mong ước của những người trẻ như chúng tôi. Không cần xa hoa vật chất, không cần luôn nói lời đường mật ngọt ngào. Chỉ đơn giản là những ánh cười từ đôi mắt đã hằn lên những vết chân chim của thời gian, là những ngày gian khó cả hai đã cùng vượt qua. Ông bà tôi chợt làm tôi nhớ đến lời bài hát đang rất nổi tiếng trong giới trẻ của nhạc sĩ Lê Thiện Hiếu: “Ông bà anh yêu nhau thời chưa có ti vi. Ông bà anh yêu nhau thời chưa có xe hơi… Ôi tình yêu, ngày xưa đẹp lắm con ơi. Những dòng thư tay viết vội, những lời ngây ngô đầu môi. Và thời ấy, bình dị lắm con ơi. Chạm tay nhau một giây thôi là nhớ nhau cả đời…”.

Trúc Phương

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.