Hoang phế và rực rỡ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Khi đứng dưới gốc gạo cổ thụ lặng ngắm khu nhà mồ làng Mrông Yố (xã Ia Ka, huyện Chư Pah, Gia Lai), tôi không thôi ám ảnh bởi sự đối nghịch này: hoang phế và rực rỡ.

Thời gian phủ bóng lên những điều từng rất huy hoàng để khoác tấm áo hoang phế cho khung cảnh trước mắt. Cũng chính nơi này, dưới bóng những cổ thụ, tôi may mắn tham dự lễ pơ thi (bỏ mả) cuối cùng của người làng Mrông Yố nhiều năm trước. Dường như điều gì diễn ra lần sau cuối cũng đẹp đẽ và đầy ám ảnh.

 

Ảnh internet
Ảnh internet

Đó là một pơ thi in sâu, ám ảnh tiếng khóc của người chị tiễn em, gương mặt méo mó của người con nhớ mẹ, 1 khung gỗ dệt vải-kỷ vật của người mẹ mà đứa con buồn bã bỏ đi như một sự dứt khoát cuối cùng với người chết để họ được tái sinh kiếp khác... Và đêm đó, chúng tôi đã sống trọn một đêm đưa tiễn thật sự với cả tiếng cười và tiếng khóc, một đêm tràn ngập kỷ niệm của con người giữa 2 thế giới. Một đêm không chỉ người làng Mrông Yố mà nhiều ngôi làng xung quanh, đã thức cùng những cảm xúc tột cùng với người trong cuộc.

Tôi đưa một người bạn phương xa quay lại chốn cũ, sau 5 năm làng Mrông Yố không còn tổ chức pơ thi nào nữa. Còn đâu một nghi lễ trào dâng cảm xúc cùng bóng dáng những chàng trai, cô gái theo cùng nhịp chiêng, điệu xoang trong đêm dài bất tận. Còn đâu tiếng hát đối đáp của những người già cả lúc bổng lúc trầm bên đống lửa bập bùng đêm thâu. Chỉ còn đó những hoang tàn đổ nát, hoang phế dưới bóng thời gian. Tàn tích còn lại là những nhà mồ với vì kèo, cột gỗ ẩm mục đổ gãy xiêu vẹo. Những tấm vách nhà mồ đan bằng tre nứa phủ dây leo nở hoa tím biếc.

Đây đó, những chiếc ché vỡ nhiều kích thước nửa chôn mình trong lòng đất, nửa lộ ra như thách thức thời gian. Bên dưới một số mái nhà mồ bị gió lật tung, lộ ra những nồi, niêu, chiêng trống hư hỏng cũ nát. Những tượng mồ bị mối xông rỗng bụng lặng thinh trên nền đất ẩm mục. Những mảng rêu cố khoe ra màu xanh khiêm nhường để tìm kiếm sự sinh tồn giữa thảm thực vật dày lên dưới gót chân lữ khách… Thật đúng với ý nghĩa của 2 từ “bỏ mả”, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Tất cả làm nên bản giao hưởng của sự lụi tàn, cho thấy đã rất lâu rồi, nơi này không còn dấu chân người lui tới. Có chăng là những người như chúng tôi, những kẻ đi tìm lại chút xưa của những điều đã cũ, đã mất.

Như những linh hồn dưới nhà mồ kia sẽ được tái sinh vào kiếp khác, những đồ vật vô tri vẫn sẽ làm phận sự của nó, ở thế giới bên kia. Nhưng sau những tượng gỗ mối xông, những chiếc ghè vỡ, những nồi niêu méo mó, những chiếc chiêng thủng… lại man mác trầm hương ký ức, phảng phất câu chuyện mà chúng đã mang đến, làm rực rỡ thêm cho đời sống, cho con người, cho một nền văn hóa. Vẻ đẹp của hoang phế ấy đánh thức những cảm xúc rất nguyên thủy trong lòng người với những suy tưởng rất riêng tư.

Với tất cả những cảm xúc ấy, về kỷ niệm, về sự phôi pha, hồn người chìm đắm vào không gian thinh lặng khu nhà mồ trong sắc nắng tháng tư hươm vàng, chiêm bái sự hoang phế trong cô đơn và hạnh phúc, vấn vít không rời.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.