Huy Khải-Làn hơi không tuổi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cái da diết và dày hơi của tiếng kèn Huy Khải làm cho người nghe khó nghĩ ra anh đã 75 tuổi. Cách đây mấy hôm, rủ nhau uống cà phê ở góc quen, tôi ngỏ ý và xin được viết về anh, người nghệ sĩ saxophone không nổi tiếng, nhưng dư thừa đam mê và tài năng của phố nhỏ Pleiku.

Cách đây vài năm, tôi mời anh tham gia chương trình ca nhạc định kỳ tại một phòng trà ở Pleiku chỉ nhằm “sắc màu hóa” phần nhạc cụ. Để “thử giọng”, tôi đề nghị anh chơi “The Shadow of Your Smile” của nhà soạn nhạc Johnny Mandel và “Hạ trắng” của Trịnh Công Sơn. Dân chơi saxophone kháo nhau rằng, chưa mượt mà 2 tác phẩm âm nhạc này thì xem như chưa phải là saxophonist (nghệ sĩ saxophone). Tiếng saxophone của Huy Khải-mà giới hoạt động ca nhạc ở Gia Lai thường gọi thân mật là anh Bảy-đã đánh bật cái định kiến về nghệ sĩ tỉnh lẻ trong tôi. Từ đó, anh thường xuyên xuất hiện với các tiết mục trình tấu hàng tuần ở phòng trà do tôi biên tập.

 

Nghệ sĩ saxophone Huy Khải. Ảnh: N.S
Nghệ sĩ saxophone Huy Khải. Ảnh: N.S

Khi sân khấu nhỏ ấy ngưng hoạt động, tôi và anh cũng ít gặp nhau. Vừa rồi, tôi lại được nghe “Thuở ấy có em”, sáng tác của nhạc sĩ Huỳnh Anh qua file mp3 anh gửi cho. Anh bảo đó là một trong 10 nhạc phẩm anh sẽ ghi âm, định là sẽ có một CD để lại cho con cháu. Cái da diết và dày hơi của tiếng kèn Huy Khải làm cho người nghe khó nghĩ ra anh đã 75 tuổi. Cách đây mấy hôm, rủ nhau uống cà phê ở góc quen, tôi ngỏ ý và xin được viết về anh, người nghệ sĩ saxophone không nổi tiếng, nhưng dư thừa đam mê và tài năng của phố nhỏ Pleiku, như một lời bạt cho CD của anh.

Anh theo cha mẹ từ quê Nhơn Lộc, An Nhơn, Bình Định lên Gia Lai lập nghiệp năm 1955. Lúc ấy, Khải mới 10 tuổi mà đã mê nhạc lắm. Hồi đó để nghe nhạc thì có gì khác ngoài đài phát thanh. Anh bị tiếng kèn saxophone mê hoặc dù chẳng biết đó là loại nhạc cụ gì. Anh bảo “Nó hay lắm! Ma mị lắm! Lúc thì trầm uất nỗi thống khổ, lúc thì dồn dập tiếng hoan ca... Không mê nó sao được!”. Pleiku nhỏ xíu, ai cũng nghe nhạc ít nhiều, nhưng rành về nhạc cụ thì chẳng có ai, may có bà chị ở Sài Gòn mách cho thì mới biết đó là kèn saxophone. Hết năm đệ tứ thì anh Khải bỏ học, khăn gói lặn lội vào Nam đi tìm thầy thọ giáo. Anh kể về ông Hoàng, người thầy đầu tiên của anh trong thời gian gần một năm, không nổi tiếng như Huỳnh Hoa, Khánh Băng... nhưng dư thừa tình yêu cho âm sắc của saxophone. Sau này, phong cách của anh chịu ảnh hưởng rất lớn từ thầy Hoàng.

Trở về Pleiku, Huy Khải vẫn chưa sắm nổi cho mình một cây kèn, bởi giá lúc ấy rẻ rẻ cũng trên dưới trăm ngàn đồng, tương đương vài chục lượng vàng. Thụ giáo một ông lính quân nhạc là cách mà anh chọn để vừa học hỏi vừa có nhạc cụ mà tập. Cuối cùng thì ông thầy này thương tình nửa bán nửa cho anh cây kèn cũ. Người thầy thứ ba của Huy Khải là ông Nguyễn Văn Phước. Ông này tốt nghiệp Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn. Sáu năm, 3 ông thầy, 3 phong cách mang lại cho anh vốn liếng tạm đủ để Huy Khải trở thành người chơi kèn saxophone hiếm hoi ở Pleiku. Làn hơi ấy đã khiến khán giả phải chú tâm lắng nghe khi kèn anh cất tiếng.

Ở cái tuổi thất thập, Huy Khải vẫn đang kín lịch diễn hàng tuần, dù đa phần là góp vui trong các đám cưới, sự kiện đủ loại. Xem chừng, anh vẫn còn khỏe lắm khi chẳng từ chối lời mời nào nếu lịch còn trống. Anh có mặt khắp nơi trong tỉnh, ngoài tỉnh. Gần cỡ vài chục cây số thì một mình một chiếc xe máy cũ giong kèn đến tận nơi, xa hơn cả trăm cây số mới nhờ xe ca, xe buýt. Anh lý giải rất khiêm tốn rằng có lẽ với đa phần mọi người, kèn saxophone xuất hiện trong một sự kiện tỉnh lẻ làm tăng thêm một chút hấp dẫn chứ chẳng phải anh chơi xuất sắc. Thế đấy, biết Bảy Khải, ai cũng rất mến cái tính cách xởi lởi của anh, dễ chịu lắm! Khó tìm ở lứa tuổi ấy.

Đâu chỉ đem tiếng kèn đến chúc mừng hạnh phúc đôi lứa, anh còn là thành viên của nhóm nhạc lâm khốc, sử dụng đàn kìm và đàn bầu để tiễn đưa linh hồn người đã khuất. Đây là cái rất lạ ở anh, vui cùng thiên hạ và chia sẻ nỗi buồn của thế gian bằng khả năng âm nhạc của mình. Hoan hỉ và bi ai, thuần Tây và rất Việt, nét tương phản rõ nét trong con người âm nhạc của Huy Khải. Chẳng thể nói nhạc công là nghề của anh, có chăng cũng chỉ là nghề tay trái nhưng lại cho anh mức thu nhập gấp vài lần so với nghiệp tạo hình gỗ mà anh vẫn còn đang miệt mài với đôi tay khéo léo của mình.

Không khó để nhận ra chút hài lòng trong Bảy Khải về những gì anh đang có với cây kèn saxophone, nhưng anh vẫn trăn trở: “Giá Pleiku mình lại có một sân chơi để mình biểu diễn bằng cái hồn nghệ thuật... Thèm lắm anh ạ!”. Anh Bảy ơi! Mong muốn ấy không phải của chỉ riêng anh.

Nguyễn Sơn

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.