'Đừng tự dối mình' - những khắc khoải của tình yêu đồng giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cuốn tiểu thuyết của nhà văn người Pháp Philippe Besson không những được đông đảo công chúng mến mộ mà còn được giới hàn lâm đánh giá cao.
Là một trong những tác phẩm mới nhất về đề tài tình yêu đồng giới, Đừng tự dối mình (tựa gốc: Arrête avec tes mensonges) đã đoạt bốn giải thưởng văn học danh giá vào năm 2017 tại Pháp như Prix Psychologies du Roman inspirant, Finaliste du Prix Blù Jean-Marc Roberts, Prix Maison de la presse và Finalistes du Prix Orange.
Philippe Besson sinh năm 1967, là nhà văn người Pháp. Tốt nghiệp trường Luật, ông chuyển hướng đam mê sang nghiệp viết văn. Không chỉ được giới mộ điệu văn chương đón nhận nồng nhiệt, trong gần hai thập kỷ cầm bút, Philippe Besson còn được trao tặng nhiều giải thưởng danh giá như Emmanuel-Roblès, Grand prix RTL-Lire… Ngoài ra các tác phẩm của ông cũng trở thành nguồn cảm hứng cho điện ảnh và hội họa. Tiểu thuyết Đừng tự dối mình đang được đạo diễn Olivier Peyon dàn dựng thành bộ phim cùng tên và sẽ ra mắt công chiếu vào tháng Tám năm nay.
Nhà văn Pháp Philippe Besson.
Nhà văn Pháp Philippe Besson.
Đừng tự dối mình là câu chuyện kể về mối tình đầu của chàng trai mười bảy tuổi, cùng một tương lai rộng mở, với vô vàn những đích đến, chính lúc này cậu bước vào tình yêu nồng nhiệt và bí mật với người bạn cùng trường, đây cũng là lúc cậu nhận thức đầy đủ về giới tính thực của mình. Câu chuyện mang những nỗi khắc khoải, băn khoăn về tuổi trưởng thành, về tình yêu và về chính bản thân mình trên cuộc đời này.
Nếu là một kỷ niệm, câu chuyện ấy không phải là một kỷ niệm bởi lẽ mối tình ấy chưa bao giờ trở thành kỷ niệm: câu chuyện ấy là một ký ức, tồn tại đâu đó trong não bộ, lẩn khuất đâu đó trong tâm hồn khiến ta tưởng đã bị xóa nhòa nhưng chỉ đợi một ngày có một hình dáng hiện ra trước mặt thì cả một khoảng thời gian của ký ức ấy quay trở lại, từng ngày, từng giờ, như chưa từng là quá khứ.
Nếu là một tình yêu, đó không phải là một mối tình để bày tỏ, để xuất hiện bởi lẽ câu chuyện tình ấy sâu kín như một bí mật, như một vùng khuất bên trong tâm hồn của một người yêu một người; vậy nên chuyện tình ấy sâu sắc không nhạt phai bởi nó chỉ thăm thẳm thuộc về hai người đang yêu ấy. Nó tồn tại say đắm khi hai người yêu ấy bên nhau; nó cũng vẫn tồn tại nhưng day dứt khôn nguôi khi một trong hai kẻ yêu ấy vắng bóng. Vì thế, có phải chăng, kể từ sự vắng mặt, những chuyện tình khác đều trở thành niềm an ủi? những chuyện tình khác chỉ là những hình bóng tiếp diễn của một tình yêu ban đầu?
Nếu là một giọng nói, đó không phải là giọng của người kể lại câu chuyện quá khứ mà là những tiếng vọng ký ức của tuổi trẻ nồng nhiệt và của tình yêu say đắm. Những tiếng vọng chợt vang lại, như những giọng nói ta đã từng nghe và bây giờ nghe lại như thể một bản nhạc cũ lâu năm nằm trong ngăn kéo lại được lôi ra đặt vào máy, ấn nút và rồi giai điệu cứ tuôn trào, tuôn trào.
 Tiểu thuyết Đừng tự dối mình.
Tiểu thuyết Đừng tự dối mình.
“Mình đã luôn nghĩ rằng cậu sinh ra để đi đến những nơi xa. Đường đời của chúng ta chia rẽ từ đây. Mình biết cậu luôn mong mọi chuyện diễn ra theo cách khác, mong mình sẽ nói những lời sưởi ấm lòng cậu, nhưng mình đã không thể, và dù sao đi nữa, mình không bao giờ biết nói thế nào. Cuối cùng thì, mình tự nhủ rằng cậu đã hiểu. Đó hẳn nhiên là tình yêu. Và ngày mai, sẽ là sự trống vắng vô hạn. Nhưng chúng ta không thể tiếp tục; cậu có cả cuộc đời đang chờ đón, còn mình, mình sẽ không thay đổi. Mình chỉ muốn nói với cậu rằng mình đã hạnh phúc trong những tháng ngày chúng ta bên nhau, rằng mình chưa bao giờ hạnh phúc như thế, và mình đã biết mình sẽ chẳng bao giờ hạnh phúc như vậy nữa”.
Đừng tự dối mình của Philippe Besson đẩy ta vào một không gian-thời gian vừa gần gũi của hiện tại vừa xa xăm của ký ức; vừa rõ ràng như thực tại nhưng cũng huyễn hoặc như ảo tưởng. Văn phong của Besson mang hơi hướm của nữ tiểu thuyết gia Marguerite Duras bởi hiệu ứng giọng nói (effet de voix) vì ngay cả trong sự đọc im lặng ta vẫn cảm thấy như đang nghe những giọng kể vang lên sống động: giận dữ có, tươi vui có; hạnh phúc có, đau buồn có. Besson viết câu từ mạch lạc nhưng xuyên thẳng vào người đọc, chỉ cần một nhúm từ ngữ để viết nên một trời cảm xúc.
Bảo Chân (zing)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.