Cuốn sách "Putin - Logic của quyền lực" ra mắt độc giả Việt Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
"Putin - Logic của quyền lực" là cuốn sách của tác giả Hubert Seipel, một nhà báo, nhà làm phim lão làng của Đức - từng gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí bị đồng nghiệp của tác giả xé bỏ - đã chính thức ra mắt độc giả Việt Nam.
Cuốn sách gồm 21 chương với gần 400 trang sách, sẽ góp thêm một tiếng nói và cái nhìn về Tổng thống Nga Putin và về nước Nga. 
Bìa cuốn sách
Bìa cuốn sách "Putin - Logic của quyền lực"
Oliver Stone, đạo diễn người Mỹ, tác giả của bộ phim tài liệu "Phỏng vấn Putin" cho biết: “Nếu nước Mỹ coi Putin là kẻ thù, kẻ thù lớn, tôi nghĩ việc lắng nghe xem ông ta nói gì là điều rất quan trọng. Hãy lắng nghe, hãy đọc và hãy mở cửa bước vào thế giới của ông.” 
Để có thể hoàn thành tác phẩm này, tác giả Seipel đã tiếp cận Tổng thống Putin trong vai trò một nhà làm phim từ năm 2010, để rồi suốt 5 năm sau đó, ông đã có hơn 20 buổi phỏng vấn chuyên sâu, tháp tùng Putin trên hàng chục chuyến đi cả trong và ngoài nước để lấy thông tin. 
Đây là một đặc quyền hiếm hoi bởi Putin thường không gần gũi với bất kỳ nhà báo phương Tây nào. 
Từ những cuộc phỏng vấn này, Hubert Seipel dẫn dắt độc giả bước vào thế giới của Putin, về mối quan hệ giữa quan điểm thật sự của nhà lãnh đạo Nga với những lợi ích cạnh tranh. 
Bằng ngòi bút sâu sắc, Hubert Seipel phác họa chân dung người có ảnh hưởng lớn với nước Nga rất rõ nét. 
Vladimir Putin tốt nghiệp khoa Luật Đại học Tổng hợp Quốc gia Saint Petersburg năm 1975. Những giai đoạn trong cuộc đời ông trùng khớp với những thời khắc bước ngoặc của lịch sử Nga.
Năm 1985, ông khởi đầu sự nghiệp của mình trong vai trò của một nhân viên tình báo đối ngoại của Liên Xô ở Đức. 
Sau khi kết thúc thời hạn công tác, ông trở lại quê nhà ở thành phố Saint Petersburg, trở về đời sống dân sự bằng cách làm phó cho Thị trưởng Anatoli Sobchak.
Năm 1996, ông chuyển đến Moskva, trở thành Phó Chánh Văn phòng Tổng thống Nga. Năm 1999, ông được bổ nhiệm làm Thủ tướng và một năm sau, ông nhận chức Tổng thống nước Nga.
Trong những năm 1990, nước Nga bị cướp đoạt bởi trò tư hữu hóa ăn cướp với tên gọi “đấu giá thế chấp” - một trò vô thưởng vô phạt của các nhà tài phiệt. 
Từ một con người kín đáo, ít nói và được việc, Putin lên nắm chính quyền trong một vị thế khiêm tốn và phải đối mặt với không ít khó khăn từ những âm mưu lật đổ, những công kích cá nhân, kinh tế sa sút, nạn tham nhũng lên đến đỉnh điểm và cả sự chia rẽ dân tộc. 
Kẻ thù của Putin không ít, nhưng trong cuốn sách, Hubert Seipel đề cập đến sự đối đầu của ông với hai nhân vật tiêu biểu: Berezovsky, người được mệnh danh là kẻ tạo ra vua, là “nóc nhà” chính trị của không ít tỷ phú và Mikhai Khodorkovsky, chủ Tập đoàn Dầu khí Yukos và là một trong những người giàu nhất thế giới trong những năm đầu thế kỷ. 
Cuộc chiến tưởng chừng không cân sức với rất nhiều tình tiết hấp dẫn đã vén bức màn bí ẩn về những mưu mô chính trị, những cuộc đụng độ không khoan nhượng trong lòng xã hội Nga.
Trong mắt phương Tây, Putin hiện lên như một kẻ hiếu chiến và bị quy tội cho mọi cuộc khủng hoảng, từ cuộc chiến tranh Chechnya, cuộc xung đột ở Ukraine đến việc máy bay MH17 của Malaysia Airline bị bắn rơi. 
Đọc “Putin – Logic của quyền lực” người đọc sẽ nhận ra, trong suốt 15 năm (cho đến thời điểm cuốn sách ra đời năm 2016), ông bền bỉ, miệt mài làm việc – có khi tới 16 tiếng một ngày, di chuyển khắp nơi, tìm kiếm những cơ hội cũng như đối phó lại những âm mưu chia rẽ từ các quốc gia khác. 
Ông tìm cách ổn định kinh tế, thống nhất Chính thống giáo Nga trong nước và hải ngoại, sáp nhập Crime vào lãnh thổ Nga, phản đối sự mở rộng của Nato về phía Đông… để rồi sau tất cả, ông đã chạm vào trái tim của người Nga bằng việc khôi phục lòng tự trọng đã bị suy sụp của nhân dân mình. 
 Tác giả Hubert Seipel
Tác giả Hubert Seipel
Khi Putin nhận chức Tổng thống, gần 1/3 người Nga có thu nhập thấp hơn mức nghèo khó, thì giờ con số đó chỉ còn 11%; tuổi thọ trung bình tăng từ 65 lên 70, mức sinh tăng trở lại sau nhiều năm sụt giảm… Những con số biết nói ấy giải thích vì sao, người dân Nga lại yêu quý ông đến thế. 
Trong cuộc điều tra mới nhất, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin ở Nga tuy có giảm nhưng vẫn ở mức trên 80% - một con số ấn tượng và không phải nhà lãnh đạo nào cũng đạt được điều đó!
Không có quá nhiều thông tin về đời sống cá nhân của Tổng thống Putin trong sách. Trước khi bắt đầu phỏng vấn, Putin yêu cầu Hubert Seipel đặt ranh giới rõ ràng giữa công việc và đời tư, để bảo vệ bản thân và gia đình. 
Ông cho rằng: “Tôi thú vị với các phương tiện truyền thông bởi vì tôi là chính khách và là Tổng thống Nga, còn các con gái tôi không giữ chức vụ chính trị, những quan hệ cá nhân của tôi không thuộc về các vấn đề chính trị, đó là việc riêng của tôi”. 
Xuyên suốt cuốn sách, vợ và các con của Putin chỉ được nhắc đến vài lần, nhưng một đời sống khác của ông được đề cập rất kỹ: niềm đam mê thể thao. 
Một trong những khoảnh khắc ấn tượng nhất về người đàn ông quyền lực này là lúc ông bật khóc bên quan tài mở của người thầy thời niên thiếu, người đã dạy ông Judo và hơn 10 năm là huấn luyện viên của ông. 
Và sau lễ tang thầy, ông đi qua những người cận vệ, bước nhanh trên những con đường vắng lặng và cô đơn. Thế giới của ông, thế giới của những cuộc gặp cấp cao, những mánh khóe chiến thuật chính trị và những quyết định lịch sử, nhưng vẫn có khoảnh khắc hiếm hoi khiến ông rung động. Khoảnh khắc ấy đưa ông về gần với độc giả hơn bao giờ hết!
Dĩ nhiên, cuốn sách “Putin - Logic của quyền lực” không dễ được đón nhận và đã gây ra nhiều tranh cãi, thậm chí từng bị đồng nghiệp của Hubert Seipel xé bỏ. Nhưng tại Đức, nó cũng đã tái bản đến 5 lần. 
Cuốn “Putin - Logic của quyền lực” do First News-Trí Việt thực hiện, dịch giả Phan Xuân Loan chuyển ngữ, Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành. 
Tác giả Hubert Seipel: Sinh năm 1950 ở Wasserlos-Đức, Hubert Seipel là nhà báo, nhà làm phim tài liệu. 
Ông nghiên cứu chính trị, lịch sử tại Đại học Marburg và Khoa học Chính trị tại Trường Kinh tế London, làm việc cho Đài phát thanh Hess (Hessischer Rundfunk) và là phóng viên nước ngoài cho các báo Đức Stern và Spiegel.
Ông có cơ hội tiếp xúc với V. Putin từ năm 2010, khi làm bộ phim tài liệu "Tôi, Putin. Chân dung" cho hãng ADR. Sau bộ phim đó, ông trở thành nhà báo phương Tây duy nhất được tiếp cận với Putin một cách gần gũi nhất.
Hạnh Minh (Vietnam+) 

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Những tên tuổi mỹ thuật Đông Dương trở lại

Cùng với sự "vươn khơi" của mỹ thuật VN ra thế giới qua nhiều triển lãm quốc tế và đấu giá đình đám thì gần đây, việc tái xuất các tên tuổi hội họa xưa Trường Mỹ thuật Đông Dương tại VN cũng góp phần làm cho thị trường tranh trong nước thêm hấp dẫn, sôi động…
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.
Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Cái đẹp trong thơ phái đẹp

Phái đẹp, một nửa nhân loại của chúng ta có biết bao nhiêu nhà thơ từ xưa đến nay. Khi tôi tìm kiếm những câu thơ mà tôi cho là hay để đưa vào cuốn “Những câu thơ hay Đông-Tây-Kim-Cổ” (Nhà xuất bản giáo dục năm 2013) tôi mới biết được nhiều điều mà lâu nay tôi chưa hiểu hết.