Vẫn còn những người nghiện 'sách Cầu Vồng'

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Giới trẻ hiện tại có lẽ ít biết về những cuốn sách từng giữ vị trí 'áp đảo' trong lòng bạn đọc nhiều thập niên trước, dù vậy, văn học Xô viết vẫn còn sức sống riêng.

Nhiều độc giả thời nay vẫn say mê những giá trị nhân văn, những bài học sâu sắc trong các tác phẩm tưởng như "lạc thời" này.

Không thể chia tay... Bác sĩ Aibolit

Hoàng Thanh Hùng - giáo viên một trường THPT ở Hà Nội - có một tình yêu đối với sách Liên Xô kỳ lạ và mãnh liệt.

Được thừa hưởng niềm say mê với sách Liên Xô từ người cha, một nhà nghiên cứu văn hóa và cũng là một người mê đắm sách Liên Xô, sau gần 20 năm sưu tập, hiện Hùng có đến hàng ngàn cuốn sách "Cầu Vồng" (sách Cầu Vồng được gọi chung cho những cuốn sách được xuất bản tại Liên Xô của các Nhà xuất bản Cầu Vồng, Tiến Bộ, Novosti...)

Hùng có thể nói về sách Cầu Vồng giờ này sang giờ khác, ngày này qua ngày khác mà không biết chán.

Trong căn hộ chung cư rất nhỏ mà hiện có đến ba thế hệ cùng chung sống, Hùng phải dành nguyên một phòng để chứa sách Cầu Vồng.


 

“Bộ sưu tập sách Mít đặc của thành viên Lê Hải Đoàn
“Bộ sưu tập sách Mít đặc của thành viên Lê Hải Đoàn
Kho sách của Hùng có những cuốn mà rất nhiều fan của Cầu Vồng "chết mê chết mệt" như Bác sĩ Aibolit, Buratino, Mít đặc và các bạn, Timua cùng đồng đội, Ông tướng của tôi...

Và sở dĩ kho sách cứ ngày một đầy lên là vì anh quyết không bán đi bất cứ cuốn nào, dù thậm chí mỗi cuốn anh đã có đến 3-5 bản. Cũng thi thoảng cao hứng và biết chắc là người nào yêu sách thì Hùng mới tặng.

Người nhà anh kể có cậu em thân thiết lập gia đình đề nghị Hùng tặng một cuốn Bác sĩ Aibolit thay cho quà cưới. Nhưng Hùng cũng phải suy nghĩ mấy ngày, vì "thà cho 500.000, 1 triệu vào phong bì làm quà còn hơn là phải chia tay một em bác sĩ" Hùng nói vậy.

Cũng như phần lớn những người yêu sách Liên Xô, yêu nước Nga và văn học Nga, sở dĩ Hùng đắm đuối với những cuốn sách đó là do anh được sống với văn học Liên Xô từ nhỏ.

Và nó có ảnh hưởng lớn đến tâm hồn/tính cách của anh. Đồng thời anh cảm nhận được những giá trị văn học lớn từ những cuốn sách của Leo Tolstoy, Mikhail Sholokhov, A. Pushkin, Abraham Alikhanov...


 

Một buổi offline của Nhóm Sách cũ Liên Xô tại TP HCM
Một buổi offline của Nhóm Sách cũ Liên Xô tại TP HCM
"Sách thiếu nhi Liên Xô thường được in bằng giấy tốt, nội dung dễ thương và đặc biệt là hình ảnh minh họa đẹp đến mê mẩn. Ngoài ra, nhiều cuốn sách thuộc loại cực kỳ hiếm có khó tìm. Những cuốn như Theo lệnh cá măng, Chú Stepa hay Niềm vui nhà ta em tìm suốt 3-4 năm mà chưa mua được..." - Đoàn chia sẻ.



Mê mẩn sách thiếu nhi

Lê Hải Đoàn - admin của trang Sách Đẹp - cũng là một "con nghiện" của sách Liên Xô.

Với mong muốn sẽ thành lập một thư viện sách miễn phí cho cộng đồng, từ thời học THPT, Đoàn đã có ý thức sưu tập sách.

Riêng với sách Cầu Vồng, Đoàn chú tâm sưu tập sách cho thiếu nhi. Có bao nhiêu tiền bố mẹ cho, tiền đi làm thêm... Đoàn đều dành để mua sách cả.

"Mấy năm trước sách Cầu Vồng còn được bán với giá khá hợp lý thì từ cuối năm 2016 đến nay nó đã bị thổi giá kinh khủng.

Ví dụ như cuốn Cầu vồng toán học vài năm trước có người chỉ bán 30.000-50.000 đồng thì nay đã lên đến 300.000-400.000 đồng/cuốn.

Hay một số cuốn thuộc hàng quý hiếm như Hành quân, Bà ngoại, Theo lệnh cá măng... lên đến 600.000-700.000 đồng/cuốn. Vậy mà cũng không có mà mua anh ạ" - Đoàn cho biết.

Bao nhiêu hàng sách cũ ở Hà Nội, Đoàn đều đã "lượn" qua và trở thành khách quen của không ít hàng.

Bất cứ khi nào có sách Cầu Vồng về, Đoàn luôn được ưu tiên gọi trước. Bao nhiêu hàng sách cũ trên mạng, Đoàn cũng đều đã liên lạc, giao dịch...

Mê sách Cầu Vồng thiếu nhi một cách điên cuồng, gặp cuốn sách nào thích, cậu sẽ "chiếm" lấy bằng mọi giá.

Đang ở trọ tại Hà Nội, kho sách được cậu "cất giấu" ở Hải Phòng. Tuần nào Đoàn cũng phải về quê, vừa để mang sách về vừa để thỏa mãn cảm giác được "ngủ" trong một căn phòng toàn sách là sách.


 

Không ít bạn trẻ thuộc giới 9x đến xem triển lãm sách báo Liên Xô do nhóm Sách cũ Liên Xô tổ chức vào ngày 27-10 vừa qua
Không ít bạn trẻ thuộc giới 9x đến xem triển lãm sách báo Liên Xô do nhóm Sách cũ Liên Xô tổ chức vào ngày 27-10 vừa qua
Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 5-2017, nhà văn Albert Likhanov bày tỏ sự ngạc nhiên vì không ngờ ở một đất nước xa xôi và còn nhiều khó khăn như Việt Nam, vẫn còn rất nhiều người yêu văn học Nga.



"Sách cũ Liên Xô" và hơn 1.400 thành viên

Trên mạng xã hội có một nhóm mang tên "Sách cũ Liên Xô" quy tụ hàng ngàn thành viên trên khắp cả nước có niềm đam mê sách Liên Xô nói chung.

Các thành viên thường xuyên trưng bày những cuốn sách mà mình sưu tập được, trao đổi về những cuốn sách nên đọc, mua ở đâu, giá bao nhiêu thì hợp lý.


Mỗi tháng, thành viên của nhóm cũng thường xuyên tổ chức offline để giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm bảo quản sách.

Admin Hoang Nguyen cho biết khi mới thành lập, nhóm chỉ lèo tèo trên chục thành viên nhưng hiện số lượng thành viên đã lên tới hơn 1.400 người, có cả những thành viên ở Ấn Độ, Nga, Đức...

Hoang Nguyen cũng được biết tới là một tay sưu tầm "khủng" khi ngoài những cuốn "độc" như Những người trả thù tài tình trong lòng địch, anh còn có bộ sưu tập tạp chí Misha, Sputnik...


 

 Thành viên của Nhóm sách cũ Liên Xô trong buổi giao lưu với nhà văn Albert Likhanov
Thành viên của Nhóm sách cũ Liên Xô trong buổi giao lưu với nhà văn Albert Likhanov



Một admin khác của nhóm là Nguyễn Thành Vân - giảng viên khoa tiếng Anh Trường đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Anh đồng thời là chủ của trang Fanpage My Raduga (Cầu Vồng của tôi) - nơi anh chia sẻ những cuốn sách trong bộ sưu tập của mình với hi vọng có thêm nhiều bạn trẻ biết đến văn học Xô viết, yêu sách Liên Xô như anh.

Thành viên Tien Doan thì lại có bộ sưu tập tác phẩm Ông tướng của tôi của nhà văn Albert Likhanov với rất nhiều ấn bản hiếm quý. Đã có nhiều người trả cả chục triệu đồng để mua cả bộ sưu tập nhưng Tien Doan bảo sẽ không bao giờ bán.

Chị Nguyễn Thúy Loan - trưởng ban biên tập sách văn học của Nhà xuất bản Kim Đồng - cho biết thời gian qua dù văn học Nga không là dòng sách "hot" trên thị trường, song hằng năm Nhà xuất bản Kim Đồng vẫn tái bản khá nhiều tác phẩm của các nhà văn Liên Xô với mong muốn giới thiệu đến độc giả những tác phẩm có giá trị, sâu sắc, có ý nghĩa giáo dục và lẽ sống cao thượng.

Cũng theo chị Loan, với nền văn hóa đặc sắc, sách Nga nói chung và văn học Nga nói riêng luôn có vị trí trong trái tim bạn đọc nhiều lứa tuổi, nhiều thế hệ.

Mặc dầu vậy, những người yêu sách Liên Xô như Thanh Hùng, Hải Đoàn, Chinh Kieu... vẫn không khỏi buồn khi giới trẻ ngày một thờ ơ với văn học kinh điển nói chung và Liên Xô nói riêng.

"Ngay như các học sinh, sinh viên, giảng viên bộ môn tiếng Nga cũng không nhiều người quan tâm đến những tác phẩm của L. Tolstoy, M. Sholokhop, A. Puskin... chứ chưa nói đến việc ham mê và truyền bá những giá trị của văn học Nga đến mọi người"-Thanh Hùng tâm sự.

Yên Chi (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

Thơ Phùng Sơn: Biển nhớ

(GLO)- Những cảm xúc dạt dào như con sóng được tác giả Phùng Sơn thể hiện trong bài thơ "Biển nhớ". Trước mênh mông của biển, sóng vô tình vỗ bờ rồi lại mải miết trôi xa, để lại một nỗi ngóng trông, mong chờ, nhung nhớ...

Văn hóa báo chí thời đại số

Văn hóa báo chí thời đại số

Từ điểm khởi đầu những năm 1925 cho đến ngày đất nước thống nhất năm 1975, nền báo chí cách mạng Việt Nam đã đi qua nhiều giai đoạn lịch sử vinh quang, viết nên bao câu chuyện anh hùng của một dân tộc anh hùng.
Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Độc đáo nghệ thuật 'thủ ấn họa'

Là người con của quê hương Kinh Bắc, bị cuốn hút bởi những hình ảnh mộc mạc, bình dị và rất đỗi thân quen qua những bản khắc gỗ tranh Đông Hồ, khi bén duyên với hội họa, họa sĩ Tú Duyên đã mày mò tìm hiểu và sáng tạo ra kỹ thuật thủ ấn họa.