Truyền thống trọng lão của người Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cũng như mọi vùng dân cư trên đất nước Việt Nam, người Tây Nguyên nhiều đời mang đậm truyền thống trọng lão, tức là sự kính trọng và nghe theo người già. Tuy nhiên ở Tây Nguyên, truyền thống ấy có nhiều nét đặc sắc, khác biệt do một số nét về văn hóa bản địa quy định.
Làng ở Tây Nguyên là một cơ cấu xã hội mang tính cộng đồng tự quản. Ở đó, già làng giữ vai trò quan trọng, được bà con xem như là một pho tri thức sống. Trong điều kiện cộng đồng dân cư sống chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, già làng là người tích lũy được các tri thức mang tính trải nghiệm về sản xuất, đất đai, khí hậu, thậm chí là cả những luật tục cổ xưa. Khi chưa có chữ viết, những luật lệ truyền khẩu đều do già làng ghi nhớ và giải thích, đó là cơ sở để hình thành nên quyền lực của già làng Tây Nguyên.
Người Tây Nguyên xưa, nhất nhất đều tin tưởng và nghiêm ngặt tuân thủ lời của người xưa truyền lại. Họ rất sợ trái ý người xưa, rất sợ sai với luật tục. Cũng vì vậy, luật tục từ sự phán truyền của già làng được coi như là tất cả. Trong điều kiện như vậy, việc “trọng lão” luôn được đề cao một cách tuyệt đối. Mặc dù cộng đồng còn mang nặng truyền thống mẫu hệ, con mang họ mẹ, chồng theo vợ, ở nhà vợ, tài sản do phụ nữ trong gia đình quản lý; nhưng ngoài làng, mọi việc làng đều do già làng quyết định. Tất tật việc làng đều phó thác cho già làng thu xếp. Đó là một nét trọng lão rất độc đáo của người Tây Nguyên.
Với xã hội người Kinh thời phong kiến, cùng với việc trọng lão, người làng còn có các truyền thống trọng trí, tức là quý trọng người có học đỗ đạt và trọng quan viên, tức quý trọng người có địa vị xã hội. Ngày trước, người đỗ tân khoa luôn được làng rước đón long trọng khi vinh quy bái tổ, võng lọng, chiếu hoa về đến đình làng, lại được cấp đất, cấp ruộng. Thời xưa, người học hành đỗ đạt luôn được làng miễn hết mọi phu phen tạp dịch.
Niềm vui tuổi già. Ảnh: N.L.V.Q
Niềm vui tuổi già. Ảnh: N.L.V.Q
Trong mối quan hệ giữa trọng lão, trọng trí và trọng quan viên, trên thực tế cũng khá phức tạp, lại tùy vùng dân cư mà có sự nặng nhẹ khác nhau. Tương truyền, ông Cao Xuân Dục, là người Diễn Thịnh (Diễn Châu, Nghệ An), tuy không học cao lắm nhưng làm đến quan Thượng Thư (Tứ Trụ), là thầy dạy của Vua Khải Định. Con rể của ông Cao Xuân Dục là ông Đặng Thụy lại là người học cao hơn, đỗ Hoàng Giáp nhưng làm quan nhỏ hơn (Quan Tế Tửu - lo việc tiệc tùng, khánh tiết). Khi Tổng Cao Xá mời dự lễ, vì sự tế nhị, ông Cao Xuân Dục hỏi con rể: Năm nay anh mày có đi dự trên Tổng không? Con rể bảo: Năm nay con không đi. Nghe vậy, ông Cao Xuân Dụ mới nhận lời đi, tránh việc cả hai cùng đi, bố phải ngồi dưới con, làng xóm cười.
Ở Tây Nguyên xưa không hề có những đặc quyền ấy. Người già được tôn trọng một cách tuyệt đối, tuân thủ một cách tuyệt đối. Người trẻ trong gia đình, không dám cãi lại người già là cha mẹ, ông bà. Người trẻ ngoài làng không dám trái lời già làng. Điều đó đã giúp làng Tây Nguyên tự quản hàng ngàn năm, nằm trong vòng nền nếp tôn ti trật tự, có trên có dưới mà ổn định bền vững trường tồn...
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.