Cần tiếp tục nghiên cứu phế tích tháp Chăm An Phú

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cuối thế kỷ XIII, người Chăm mở rộng ảnh hưởng lên vùng đất Tây Nguyên. Theo đó, nhiều trung tâm, cơ sở tôn giáo cũng được xây dựng trên vùng đất mới, trong đó có tháp Chăm An Phú. Phế tích tháp Chăm An Phú thuộc thôn 4 (xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai), còn có các tên gọi là tháp Chăm Phú Thọ, Rong Yang.
Tháp Chăm qua tư liệu
Phế tích tháp Chăm An Phú lần đầu tiên được nhắc đến qua các tư liệu của người Pháp từ những năm đầu thế kỷ XX. Nhà thám hiểm, dân tộc học Henry Maitre đã có những ghi chép khá chi tiết về di tích Chăm An Phú từ năm 1906. Đến năm 1919, trong tài liệu “BEFEO 1919 p103-106 Kontum-Hành trình của M. Maspero đến Kontum”, nhà khảo cổ học người pháp M. Maspero đã xác định lại một vài dữ liệu liên quan đến Rong Yang: “Công trình thứ nhì, xa hơn về phía Nam, cách công trình thứ nhất kể trên một con sông nhỏ, là một tháp Chăm lớn, mà phần kiến trúc phía trên không còn nữa. Những người Gơlar gọi nó là Rong Yang, nhà của trời. Tháp dựng trên một gò đồi cao độ vài mét. Xung quanh là một sân gạch trải dài đến chân một bức tường ngăn cách với cánh đồng lân cận”. (Nguyễn Quang Hiền dịch từ tài liệu: BEFEO 1919 p103-106). Năm 1928, một tài liệu của BEFEO ký hiệu BEFEO 1928 p605 Rong Yang 1928 có miêu tả chi tiết về một tổ hợp các cụm phế tích chăm ở Pleiku: “…Những công trình này hiện diện trên phần đất của làng Plei Wao, thuộc bình nguyên Kơdơ, nơi này còn xa Pleiku khoảng 10 km, trên đường từ Quy Nhơn lên, và vị trí cách đường này độ 600 m”. Cũng theo tài liệu này, tháp Rong Yang được miêu tả: “Ở giữa (3 công trình vừa kể), là Rong Yang, cách công trình đầu tiên kể trên bởi một con suối và gần bên cạnh một nhà nguyện công giáo, tạo thành vị trí một cái tháp trên gò đồi khá cao. Tháp này ở bên trong, chỉ còn lại dấu vết của tường bao quanh”.
Vị trí xuất lộ tường bao phế tích tháp Chăm An Phú. Ảnh: Xuân Toản
Vị trí xuất lộ tường bao phế tích tháp Chăm An Phú. Ảnh: Xuân Toản
Trong cuốn “Pơ tao-Một lý thuyết về quyền lực ở người Jơrai Đông Dương” của nhà dân tộc học người Pháp Jacques Dournes, do Nguyên Ngọc dịch, in năm 2018 có vẽ một sơ đồ trong tương quan giữa xứ sở các Pơtao với các tháp Chăm. Trong đó, Rong Yang được thể hiện trong tương quan giữa các tháp Chăm khác như: Yang Mum, Drang Lai ở phía Đông Nam tỉnh Gia Lai, Yang Prong thuộc tỉnh Đak Lak ở phía Nam, Habal Bia thuộc tỉnh Kon Tum ở phía Bắc cùng các tháp Đôi, tháp Bánh Ít, Vijaya thuộc Bình Định ở phía Đông.
Như vậy, qua những cứ liệu nói trên, đối sánh với sơ đồ do Jacques Dournes thực hiện và những dấu tích, di vật phát hiện cũng như những thông tin thu thập được trong quá trình điền dã, nghiên cứu về di tích cho phép khẳng định, phế tích tháp Chăm An Phú hiện nay chính là dấu tích Champa mà các tài liệu nêu trên đã đề cập.
Kết quả từ những đợt khảo sát
Từ những thông tin ban đầu liên quan đến phế tích tháp Chăm An Phú, Bảo tàng tỉnh đã tiến hành khảo sát có sự tham gia của các nhà chuyên môn và đơn vị liên quan. Bên cạnh việc điền dã, thu thập thông tin về các di vật hiện còn được lưu giữ trong dân, đoàn khảo sát tiến hành mở hố thám sát tại khu vực được cho là có sự tồn tại của kiến trúc thuộc di tích. Một góc tường bao phía Đông Bắc của di tích được phát hiện với chiều rộng đo được 1,4 m, những lớp gạch có kích thước khá lớn, mỗi viên trung bình 34x19x7 cm được xây xếp bằng phẳng, vuông góc nhằm tạo sự chịu lực chắc chắn. Nền móng được gia cố bằng một lớp đá gốc xen lẫn sạn sỏi hạt nhỏ. Theo Tiến sĩ Lê Đình Phụng-nguyên Trưởng phòng Khảo cổ học lịch sử (Viện Khảo cổ học), việc phát hiện tường bao cho thấy di tích này được xây dựng khá hoàn chỉnh theo giáo lý tôn giáo, đó là tạo ra không gian thiêng trên một địa điểm thiêng.
Khối đá tại nhà ông Nguyễn Công Hòe. Ảnh: Xuân Toản
Khối đá tại nhà ông Nguyễn Công Hòe. Ảnh: Xuân Toản
Đến nay, dù tháp Chăm An Phú chỉ còn là phế tích, nhưng qua những di vật phát hiện được cùng những nguồn gốc của các di vật này theo lời kể của người dân trong vùng cho thấy sự hợp lý về một kiến trúc Champa tương đối hoàn chỉnh từng tồn tại trên vùng đất này. Đối với khối đá hình chóp cụt tại nhà ông Võ Đức Ai (thôn 4): Hiện vật có chiều cao 48 cm, cạnh đáy dài đo được vuông 118 x118 cm, cạnh trên vuông đo được 67x67 cm có gờ nổi để gá lắp một kết cấu kiến trúc khác, có lỗ chính tâm với đường kính 10 cm. Các tầng được giật cấp thu nhỏ từ dưới lên với tỷ lệ cân đối, vuông vức tạo nên một bệ đá hoàn chỉnh, mang tính thẩm mỹ cao.
Đối với khối đá đang lưu giữ tại nhà ông Nguyễn Công Hòe (thôn 4), hiện vật có thể khối hình hộp vuông, kích thước đo được với chiều cao 38 cm, các cạnh có chiều dài tương ứng khoảng 50x58 cm, trong đó, phần gờ cao 3 cm và tạo cạnh dài 58 cm. 4 mặt thân tạo thành 4 ô hình chữ nhật với các gờ nổi trang trí cân đối, ở giữa có lỗi xuyên tâm, đường kính đo được một mặt là 17 cm, mặt kia là 10 cm, thắt eo ở giữa 6 cm. Khi đối sánh với hiện vật ở nhà ông Võ Đức Ai về mặt kích thước cũng như kỹ thuật khớp nối, cũng như về nguồn gốc của nó ta thấy rõ 2 hiện vật này khá trùng khớp và có thể được tách ra từ một kiến trúc tổng thể (bệ thờ).
Nhận định bước đầu
Như vậy, qua những di vật phát hiện được cũng như việc tìm được vị trí bắt góc tường bao và xác định kỹ thuật xây dựng, gia cố nền móng tường bao, các nhà chuyên môn cho rằng, phế tích tháp Chăm An Phú là một công trình kiến trúc được xây dựng tương đối hoàn chỉnh theo mô hình trung tâm Ấn Độ giáo. Từ các thông tin, di vật phát hiện được, đối sánh với các đền tháp khác ở Tây Nguyên cũng như quy mô của vật thờ với kích thước lớn cho phép bước đầu nhận định đây là một trong những công trình tôn giáo có quy mô lớn ở Tây Nguyên có niên đại khoảng thế kỷ XII-XV. Và là kiến trúc Champa duy nhất được phát hiện ở TP. Pleiku đến thời điểm hiện tại.
Hệ thống tường bao ở di tích Mỹ Sơn-Quảng Nam. Ảnh: Xuân Toản
Hệ thống tường bao ở di tích Mỹ Sơn-Quảng Nam. Ảnh: Xuân Toản
Hơn 100 năm đã trôi qua kể từ khi được phát hiện (1906), sự tồn tại của các di vật, phế tích tháp Chăm An Phú vẫn trầm mặc, trơ gan cùng tuế nguyệt. Để làm rõ tính chất, đặc điểm, quy mô và vai trò của phế tích tháp Chăm An Phú nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của địa phương, thiết nghĩ cần có những chương trình, kế hoạch lâu dài để tiếp tục nghiên cứu về phế tích Champa này. Đây là việc làm không hề dễ dàng, đòi hỏi nhiều công sức, nhưng thiết nghĩ trước mắt cần quan tâm đến một số vấn đề như: Đối với các di vật đã phát hiện, chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần tuyên truyền, vận động người dân chuyển giao cho đơn vị chuyên môn (Bảo tàng tỉnh) để tiếp tục nghiên cứu và có những hoạt động bảo quản, phát huy giá trị một cách hiệu quả. Đối với khu vực phế tích tháp Chăm trước mắt cần tuyên truyền, vận động người dân canh tác trên khu vực này cần chú ý, tránh va chạm vào các chi tiết kiến trúc Champa còn sót lại. Về lâu dài cần có kế hoạch nghiên cứu khảo sát và khai quật với sự tham gia của các nhà chuyên môn. Từ đó có cơ sở để xây dựng các chương trình bảo tồn, trùng tu, tôn tạo một cách lâu dài, bền vững, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Dù chỉ là phế tích, song khi được nghiên cứu, khảo sát một cách khoa học và có những chương trình bảo tồn, phát huy hiệu quả, bền vững thì di tích tháp Chăm An Phú sẽ trở thành một điểm đến không thể thiếu trong hành trình của du khách khi khám phá Pleiku.
XUÂN TOẢN 
 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.