Phú Yên: Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê hoang phế vì bị lãng quên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê không được cắm mốc bảo vệ và chưa được trùng tu, tôn tạo, thậm chí một hộ dân đã đưa máy móc cơ giới di tích để san gạt đất đá và canh tác nông nghiệp.
 
Di tích Trại An trí Trà Kê bị mía, cây cối bao phủ. Nguồn: baogiaothong.vn
Di tích Trại An trí Trà Kê bị mía, cây cối bao phủ. Nguồn: baogiaothong.vn
Được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh từ năm 2011 nhưng đến nay, Trại an trí Trà Kê (thuộc thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) dường như bị “lãng quên.”
Khu di tích này từ lâu đã không được cắm mốc bảo vệ và chưa được trùng tu, tôn tạo. Một hộ dân đã vào canh tác nông nghiệp trên đất di tích; thậm chí tự ý đưa máy cơ giới vào di tích để đào bới, san gạt đất đá phục vụ sản xuất.
Theo hướng dẫn của người dân địa phương, nhóm phóng viên tiếp cận khu vực Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê nằm trên một cánh đồng thuộc thôn Tân Hội (xã Sơn Hội).
Khu di tích này không có tường rào bảo vệ, không có lối đi vào và cũng không có bất kỳ một bảng chỉ dẫn nào. Để vào được bên trong, nhóm phóng viên phải đi qua một ruộng mía đang trong giai đoạn phát triển, cao hơn đầu người.
Người dân địa phương cho biết, khu vực xung quanh Khu di tích Trại an trí Trà Kê được một hộ dân sử dụng trồng mía từ nhiều năm nay và dùng dây thép gai bao bọc để làm ranh giới.
Đầu năm 2022, hộ dân này đã đưa máy cơ giới vào khu vực di tích, ngay sát nền móng cũ của công trình nhà ở để đào bới, san gạt đất đá nhằm có thêm diện tích canh tác.
Bên trong khu Di tích có một cổng chào cao hơn 5m nằm lọt thỏm trong ruộng mía, cây bụi mọc rậm rạp che khuất lối đi. Chữ và hoa văn trên cổng đã bị mờ. Hai trụ cổng bằng bê tông đã xuống cấp, nứt và sụt lún ở một số vị trí.
 
Tường di tích bị cây cối bao quanh, UBND huyện Sơn Hà cho biết, không có kinh phí để tu bổ di tích. Nguồn: baogiaothong.vn
Tường di tích bị cây cối bao quanh, UBND huyện Sơn Hà cho biết, không có kinh phí để tu bổ di tích. Nguồn: baogiaothong.vn
Cách cổng chào khoảng 50m là một công trình nền móng nhà cũ với diện tích khoảng 30m2 đã bị hư hỏng, gạch và bêtông bị bong tróc ở một số đoạn, cỏ dại mọc um tùm. Nhiều lớp gạch đá cũ nằm ngay sát khu vực nền móng nhà cũng bị đào bới, san gạt.
Theo ông La Lang Thái, người dân thôn Tân Hội (xã Sơn Hội), những năm gần đây, khu vực di tích Trại an trí Trà Kê bị một hộ dân vào canh tác nông nghiệp, cho máy móc vào múc, san gạt đất đá.
Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần có phương án bảo vệ di tích. Cổng chào và nền móng nhà đã bị hư hại, xuống cấp, cần phải phục dựng, trùng tu, tôn tạo lại để tạo thành điểm tham quan, tìm hiểu lịch sử cách mạng cho học sinh, người dân và cán bộ.
Tháng 5/2022, từ ý kiến phản ánh của người dân, Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội đã thành lập Tổ kiểm tra liên ngành để kiểm tra hiện trạng Di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê.
Qua kiểm tra, tổ này xác định thông tin phản ánh về việc hộ gia đình ông Trần Hoài Nam (trú thôn Tân Hội, xã Sơn Hội, huyện Sơn Hòa) trực tiếp canh tác nông nghiệp trên đất thuộc di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê đã dùng máy cơ giới vào khu vực di tích để cải tạo là đúng thực tế.
Tổ kiểm tra liên ngành xác định có một công trình phía bên phải hướng nhìn từ cổng chính đã bị hộ gia đình ông Trần Hoài Nam dùng máy cơ giới đào bới, san lấp hoàn toàn và dồn thành một đống lớn bên cạnh công trình. Do đó, Tổ kiến nghị Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội cần xem xét làm rõ hành vi vi phạm Luật Di sản văn hóa đối với ông Trần Hoài Nam.
Làm việc với phóng viên TTXVN vào ngày 9/9/2022, ông Trần Ngọc Tây, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội cho biết năm 2011, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Yên ra quyết định về việc xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh đối với Trại an trí Trà Kê.
Khi được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, địa phương chỉ nắm được thông tin di tích gồm nền móng nhà cũ và cổng chào nằm trên diện tích 1,3ha chứ chưa xác định được vị trí, tọa độ cụ thể để cắm mốc để bảo vệ, chưa xác định được vùng lõi, vùng đệm của di tích và chưa có phương án trùng tu, tôn tạo di tích.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện Sơn Hòa đã đề nghị Phòng Văn hóa và Thông tin huyện phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội tiến hành đo đạc, xác định tọa độ, ranh giới, diện tích để tổ chức cắm mốc, quản lý khu di tích lịch sử Trại an trí Trà Kê, thời gian hoàn thành trong tháng 10/2022.
Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội đã làm việc ông Trần Hoài Nam nhằm thực hiện cam kết không được tiếp tục tác động vào di tích.
Ông Trần Hoài Nam nguyên là Trưởng công an xã Sơn Hội. Trước khi Trại an trí Trà Kê được công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh năm 2011, ông Nam đã canh tác trên diện tích này.
Địa phương sẽ thu hồi đất khi có nguồn vốn để trùng tu, tôn tạo di tích, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Sơn Hội Trần Ngọc Tây cho biết.
Theo ông Nguyễn Thiện Tình, Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sơn Hòa, mới đây, Ủy ban Nhân dân huyện đã xây dựng phương án cắm mốc, bảo vệ và chờ có nguồn vốn sẽ triển khai thực hiện.
Trước khi được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh, Trại an trí Trà Kê chỉ là phế tích và không còn dấu tích gì có giá trị. Sau khi được công nhận di tích lịch sử, địa phương cũng chưa có nguồn vốn trùng tu, tôn tạo.
Việc người dân trồng mía trong khu di tích và đem máy cơ giới vào để đào bới, san gạt đất đá là không đúng quy định. Ủy ban Nhân dân huyện đã chỉ đạo xã thu hồi diện tích đất này để làm hồ sơ bảo vệ di tích.
Được biết, trong thời gian 5 năm (từ 1940-1945), thực dân Pháp xây dựng Trại an trí Trà Kê để giam cầm hàng trăm cán bộ, chiến sỹ cách mạng. Sau sự kiện Nhật đảo chính Pháp (ngày 9/3/1945), các cán bộ, chiến sỹ cách mạng trong trại đã tổ chức tự giải thoát.
Một số cán bộ, chiến sỹ ở lại địa phương xây dựng và phát triển, mở rộng cơ sở cách mạng. Trong cách mạng tháng 8/1945, lực lượng khởi nghĩa ở địa phương đã phá bỏ trại giam và đồn Pháp tại Trại an trí Trà Kê.
Theo Tường Quân (TTXVN/Vietnam+)
 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.