Người "nối" vòng đời thổ cẩm ở miền biên viễn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bằng tình yêu và lòng đam mê, bà Lương Thị Hoa, dân tộc Thái, thôn 8, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai đã “nối” lại vòng đời thổ cẩm. Sản phẩm thổ cẩm - niềm tự hào của người Thái đang dần hồi phục.

Trước đây, nhiều lần tôi hỏi chị Nguyễn Thị Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Đal về việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái trên địa bàn xã, nhưng đều nhận chung một câu trả lời “vẫn chưa có ai dệt cả”.

Nhưng chuyến công tác lần này, không chờ tôi hỏi, chị Thuận giới thiệu về bà Lương Thị Hoa - người phụ nữ dân tộc Thái đã hồi sinh nghề dệt thổ cẩm.

Theo lời giới thiệu của chị Thuận, tôi gặp bà Lương Thị Hoa để “mục sở thị” việc dệt thổ của người Thái. Căn nhà sàn truyền thống của bà Hoa nằm phía cuối làng. Hiên nhà sàn là nơi bà đặt cố định khung cửi để có thể “thổi hồn” vào các tấm thổ cẩm.

Tuổi đã cao, tranh thủ vài tiếng đồng hồ lên thăm rẫy, bà Hoa trở về nhà tiếp tục dệt tấm thổ cẩm còn dở dang. Thấy chúng tôi đến, bà niềm nở cười, nghỉ tay tiếp chuyện.


 

61 tuổi, đôi tay bà Hoa vẫn uyển chuyển, khéo léo dệt lên những họa tiết đẹp. Ảnh: V.T
61 tuổi, đôi tay bà Hoa vẫn uyển chuyển, khéo léo dệt lên những họa tiết đẹp. Ảnh: V.T


Năm 2011, những người con của bà rời Nghệ An đến xã Ia Đal làm kinh tế mới theo diện công nhân khai thác mủ cao su. Thương con cháu đi xa, vợ chồng bà gửi nhà cửa ở quê cho làng xóm trông coi để vào đây cùng các con.

Đến vùng đất khách, ngoài giấy tờ tùy thân, những bộ trang phục dân tộc truyền thống là tài sản quý giá mà bà mang theo để mặc vào những ngày làng có hội và làm của hồi môn cho con cái sau này.

“Trong đó, có những chiếc váy, chiếc chăn do chính tay mẹ tôi dệt từ những sợi bông, sợi tơ để lại. Với tôi, đó là báu vật vô giá, là “bạn” tri kỉ gắn bó từ thời thơ ấu đến tận bây giờ” – bà Hoa tâm sự.

Ngày còn bé, ngoài những lúc bận học hành, lên rẫy, bà Hoa thường lẽo đẽo theo mẹ mình lên rừng, vượt suối, núi cao để lấy vỏ cây, các loại củ, rễ cây trong rừng về để nhuộm màu cho sợi dệt. Rồi có những hôm, bà Hoa ngồi hàng giờ đồng hồ để chăm chú xem mẹ dệt thay vì ra đầu làng nô đùa cùng đám bạn. Bà chăm chú nhìn theo đôi tay mẹ dệt những họa tiết hoa, lá, thú rừng với nhiều màu sắc đan xen.

“Ngày đấy sợi dệt đều làm thủ công từ những sợi bông, sợi tơ tằm. Từ công đoạn kéo sợi, nhuộm màu rồi tỉ mỉ từng ngày bên khung cửi, phải mất hơn tháng trời mẹ tôi mới có thể hoàn thành được một tấm thổ cẩm”-bà Hoa nhớ lại.


 

 Bà Hoa khoe chiếc chăn có họa tiết con nai được dệt bằng sợi tự nhiên do mẹ bà để lại. Ảnh: V.T
Bà Hoa khoe chiếc chăn có họa tiết con nai được dệt bằng sợi tự nhiên do mẹ bà để lại. Ảnh: V.T



Càng xem mẹ dệt, bà Hoa càng bị cuốn hút, tình yêu thổ cẩm cũng lớn dần. Nhiều lúc bà muốn ngồi vào khung cửi để tự tay tạo nên những sản phẩm theo sở  thích, nhưng đều bị mẹ mình phản đối vì biết chưa đủ khả năng để dệt. Đến năm 10 tuổi, khi thấy trí óc con mình được mở mang, đôi tay uyển chuyển, mẹ bà mới cho bà ngồi vào khung cửi, nhẹ nhàng chỉ bảo. Và kể từ đó, bà Hoa đã biết dệt.

Lần đầu tiên được mẹ cho ngồi vào khung cửi, bà Hoa vui sướng vô cùng. Bởi ngày mai đến trường, bà có thể khoe với lũ bạn về những thứ mà mình đã dệt được thay vì chỉ ngồi nghe các bạn kể như trước đây. Với người phụ nữ dân tộc Thái, ai cũng phải biết dệt từ nhỏ, con gái dệt đẹp là có tính cẩn thận, tỉ mỉ, nết na, và như vậy sau này sẽ được nhiều chàng trai để ý, chọn làm vợ.

Những ngày đầu, bà bắt đầu dệt những họa tiết đơn giản. Với người Thái, “hoa mặt trời” là họa tiết phổ biến, luôn được những người mới học dệt ưa chuộng. “Hoa mặt trời” gồm nhiều cánh nhọn như đỉnh núi, mỗi tấm thổ cẩm gồm nhiều hoa nối liền với nhau tạo thành một dãy hoa chạy dọc hết tấm thổ cẩm.

 

Chiếc khăn do bà Hoa dệt lần đầu tiên với họa tiết hoa mặt trời. Ảnh: V.T
Chiếc khăn do bà Hoa dệt lần đầu tiên với họa tiết hoa mặt trời. Ảnh: V.T


Nói rồi, bà Hoa chạy vào phòng ngủ, cẩn thận tìm trong từng thùng đồ, lấy cho tôi xem chiếc khăn tự tay bà dệt vào những ngày đầu. Chiếc khăn rộng hơn 20cm, dài hơn 50cm với nhiều màu sắc, được dệt từ những sợi bông, sợi tơ ngày xưa cùng sự kèm cặp, chỉ bảo của mẹ bà. Chiếc khăn không quá lớn, không quá đẹp, nhưng trong đó là kỷ niệm một thời, là bóng dáng người mẹ cần mẫn bên khung cửi trước hiên nhà.

Không chỉ có chiếc khăn, người mẹ còn để lại cho bà chiếc chăn, chiếc váy. Mân mê chiếc chăn có họa tiết hình con nai, bà Hoa kể: Ngày đấy, tôi thích nhất họa tiết này, nó rất khó dệt. Để dệt được những họa tiết có hình động vật buộc người thợ phải có tư duy, có trí tưởng tượng phong phú cùng sự thành thạo trong nghề mới có thể làm ra.

Nhiều năm ngồi khung cửi, cô bé mê dệt ngày nào đã trở thành thiếu nữ, có thể dệt được tất cả các họa tiết mà mẹ truyền dạy. Khi về nhà chồng, bà Hoa tiếp tục học hỏi sáng tạo thêm nhiều họa tiết mới, dệt thêm được nhiều sản phẩm để bán ra thị trường. Bà vui vì mình có thể nối nghiệp của mẹ, có thể kiếm sống từ chính sắc màu sợi chỉ, nhưng lại buồn vì nguồn nguyên liệu tự nhiên ngày càng khan hiếm và không còn được ưa chuộng hơn những sợi chỉ đủ màu bày bán khắp chợ. Nhiều thợ dệt chuyên nghiệp cũng quay lưng với sợi bông, sử dụng những sợi chỉ có sẵn vì tiết kiệm được nhiều công sức và thời gian.

Và nỗi buồn ấy lại nhân đôi khi phải nói lời tạm biệt khung cửi, tạm biệt ngôi nhà sàn nhỏ mà bà đã gắn bó gần cả cuộc đời để cùng con cháu đến vùng đất mới sinh sống.

Những năm đầu đến Ia Đal, những lúc rảnh rỗi bà Hoa lại mang những cuộn chỉ đem từ quê vào, rồi thêu những họa tiết trên những chiếc mũ, chiếc khăn.

Nhiều đêm, chồng bà - ông Vi Văn Minh (70 tuổi) thấy vợ mình cặm cụi thêu dưới ánh đèn ngoài hiên nhà, ông biết vợ đang nhớ nghề dệt. Tết Nguyên đán năm 2022, ông nói với vợ: “Hay là mang bàn dệt và chỉ vào đây, rồi tôi đóng cho bà bộ khung cửi mới, để bà được sống trọn đời với nghề dệt”.


 

Thương vợ mình, ông Vi Văn Minh đã đóng cho bà Hoa bộ khung cửi để bà được sống trọn đời cùng nghề dệt. Ảnh: V.T
Thương vợ mình, ông Vi Văn Minh đã đóng cho bà Hoa bộ khung cửi để bà được sống trọn đời cùng nghề dệt. Ảnh: V.T



 Nghe chồng nói thế, bà Hoa mừng rỡ rồi mang chiếc bàn dệt bằng gỗ nhẵn bóng, cất trong tủ bao năm vào gắn lên bộ khung cửi do chính chồng mình đóng. Bộ khung mới được làm bằng tre, không đẹp, không chắc chắn bằng bộ khung ở nhà, nhưng với bà Hoa đó là một món quà ý nghĩa. Bởi từ nay bà lại được sống với nghề dệt, được tạo ra những sản phẩm mới và được truyền dạy cho con cháu.

Thấy bà Hoa ngồi dệt bên bộ khung mới, tạo ra những chiếc khăn, chiếc váy mới, những người con của bà cũng mừng thầm. Các cháu về nhà bà chơi, lại quây quần bên khung dệt, chăm chú nhìn bà tạo ra những họa tiết hoa văn, ông Minh cùng các con tin rằng bọn trẻ sẽ tiếp nối nghề dệt.

Bà Hoa tâm sự: Các con gái của tôi, đứa nào cũng biết dệt. Chúng nó đều rất vui khi thấy tôi tiếp tục nghề dệt ở vùng đất này, để thi thoảng các con có thể ngồi vào khung cửi, ôn lại nghề dệt. Và hơn hết là muốn tôi truyền dạy nghề dệt thổ cẩm lại cho những đứa cháu.

Chị Nguyễn Thị Thuận-Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc bà Hoa tiếp tục đưa nghề dệt đến xã là tín hiệu vui trong việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Sắp tới, xã sẽ quan tâm nhiều hơn, phối hợp với các cơ quan chuyên môn mở lớp dạy nghề dệt và mời bà Hoa đến truyền dạy cho thế hệ trẻ. Cùng với đó, xã sẽ đưa sản phẩm dệt của bà Hoa vào các hội thi văn hoá, văn nghệ do xã, huyện tổ chức để có thể quảng bá sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái với người dân ở nhiều địa phương khác.

 

Theo VĂN TÙNG (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.