Chiêm ngưỡng báu vật hoàng cung Thăng Long

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lần đầu tiên được ra mắt, trưng bày “Báu vật hoàng cung Thăng Long” nhằm giới thiệu tới công chúng những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc nhất được khai quật tại Hoàng thành Thăng Long từ 2002 đến nay.
 

 Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây, thời nhà Lý (thế kỷ XI-XII).
Nắp hộp men xanh lục trang trí nổi hình rồng và văn mây, thời nhà Lý (thế kỷ XI-XII).


Tài sản vô giá

Trải qua nhiều biến cố, thăng trầm của lịch sử, những ký ức vàng son về Kinh đô Thăng Long đến nay phần lớn chỉ còn lưu lại trong sử sách. Việc kết hợp phương pháp trưng bày tĩnh và động, sử dụng ánh sáng nghệ thuật và công nghệ trình chiếu 3D mapping, trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” đã tạo hiệu ứng hấp dẫn, giúp công chúng tiếp cận rõ hơn vẻ đẹp và giá trị đặc biệt của những báu vật hoàng cung - bằng chứng sinh động phản ánh lịch sử huy hoàng của Kinh đô Thăng Long qua các triều đại.

Trưng bày đã giới thiệu 29 cổ vật tiêu biểu, đặc sắc trong Hoàng cung Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử. Đây là hoạt động nhân dịp kỷ niệm 50 năm thực hiện Công ước về Bảo vệ Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới (Công ước 1972) và 20 năm nghiên cứu, bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hoàng thành Thăng Long. Trưng bày đã giới thiệu những vật dụng quan trọng phục vụ sinh hoạt thường nhật đến các buổi yến tiệc trong Hoàng cung Thăng Long vào các dịp đại lễ, đăng quang hay sinh nhật nhà vua; các tự khí trong các tôn miếu hay vật trang hoàng nội thất, một số đồ trang sức, mảnh vàng trang trí trên đồ dùng, vật dụng, thanh gươm cẩn tam khí biểu trưng quyền lực hay lệnh bài của hoàng cung...

Không gian trưng bày “Báu vật Hoàng cung Thăng Long” gồm ba phần chính. Không gian giới thiệu các hiện vật thời Lý - Trần; không gian giới thiệu hiện vật thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng và không gian phía ngoài tạo điểm nhấn với các hiện vật lần đầu tiên được giới thiệu tới công chúng như: Chậu đất nung thời Trần có kích thước lớn nhất từ trước đến nay, mô hình kiến trúc men xanh thời Lê sơ... Đặc biệt, đây cũng là trưng bày đầu tiên có sử dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng những hoa văn độc đáo của hiện vật để khách tham quan nhận diện rõ hơn về vẻ đẹp và sự tinh xảo của đồ gốm ngự dụng hoàng cung Thăng Long.


 

 Nậm và chén rượu nhỏ men trắng thời Lê Trung hưng (hàng trên, thế kỷ XVII-XVIII) và bát nhỏ hoa lam thời nhà Mạc (hàng dưới, thế kỷ XVI).
Nậm và chén rượu nhỏ men trắng thời Lê Trung hưng (hàng trên, thế kỷ XVII-XVIII) và bát nhỏ hoa lam thời nhà Mạc (hàng dưới, thế kỷ XVI).


Tình cờ ghé thăm buổi trưng bày, anh Võ Ngọc Thái Quang (SN 1980, quê ở Gò Công, Tiền Giang) tâm sự, đây là một trưng bày hiện vật độc đáo giúp anh có cái nhìn rõ nét hơn về bối cảnh lịch sử, không gian sinh hoạt ở hoàng cung qua các triều đại Việt Nam. Đặc biệt, với việc áp dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng đã giúp cho những hiện vật gần gũi với người xem, thu hút nhiều bạn trẻ và du khách nước ngoài đến tham quan.

Một cái nhìn trực quan về lịch sử

Nhiều chuyên gia cho rằng, những khám phá của khảo cổ học dưới lòng đất tại khu di tích 18 Hoàng Diệu (Hà Nội) từ năm 2002 - 2004 đã tìm thấy một quần thể dấu tích kiến trúc cung điện, lầu gác của Hoàng cung Thăng Long cùng vô số đồ dùng vật dụng của các vương triều. Phát hiện quan trọng này đã minh chứng sinh động cho sự tồn tại lâu dài của Kinh đô Thăng Long qua 1300 năm, từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX), Đinh - Tiền Lê (thế kỷ X) đến thời Lý (thế kỷ XI - XIII), thời Trần (thế kỷ XIII - XIV), thời Lê (thế kỷ XV - XVIII). Từ đây, nhiều người sẽ biết đến Kinh đô Thăng Long và với những giá trị đặc biệt nổi bật toàn cầu, khi khu di tích này đã sớm trở thành Di sản Văn hóa thế giới vào năm 2010.

Chia sẻ tại buổi khai mạc trưng bày, ông Chử Xuân Dũng - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, từ những nhát cuốc đầu tiên đầy cẩn trọng, nhưng cũng tràn đầy hy vọng, các nhà khảo cổ học đã mở ra những trang sử bất ngờ trong lòng đất. Những phát hiện khảo cổ học đột phá tại số 18 Hoàng Diệu đã làm xuất lộ một quần thể di tích vô cùng quý giá, minh chứng cho sự hiện hữu và trường tồn của Thăng Long -  Hà Nội qua hàng ngàn năm lịch sử. Cùng với đó là hàng triệu di vật, những báu vật nghìn năm của Thăng Long - Hà Nội đã được tìm thấy, đã trở thành tài sản vô giá của nhân loại.

Cụ thể, những hiện vật tiêu biểu, đặc sắc tại trưng bày còn cho thấy cả chặng đường nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học để từng bước nghiên cứu, đánh giá, tìm hiểu giá trị di sản và bảo tồn lâu dài cho thế hệ mai sau. Đồng thời cũng là dịp để các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý cùng nhìn lại những thành quả đã đạt được và xác định những bước đi cho tương lai.


 

Đĩa gốm vẽ nhiều màu thời Lê sơ được tái hiện lại nhờ áp dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng.
Đĩa gốm vẽ nhiều màu thời Lê sơ được tái hiện lại nhờ áp dụng công nghệ trình chiếu 3D mapping mô phỏng.


Ông Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh Thủ đô Hà Nội chính thức trở thành thành viên Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, khu di sản Hoàng thành Thăng Long có thể là "địa chỉ đỏ" đi đầu trong việc tạo điều kiện phát triển các không gian sáng tạo văn hóa, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo văn hóa nghệ thuật đương đại, kết nối di sản với cộng đồng và giới trẻ, góp phần thực hiện các mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội về Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021- 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo ông Christian Manhart - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Khu di sản Hoàng thành Thăng Long là niềm tự hào của người dân Việt Nam bởi nơi đây chứa đựng những giá trị di sản văn hóa vô giá của dân tộc. Đặc biệt, trưng bày "Báu vật Hoàng cung Thăng Long” có vai trò rất quan trọng trong việc diễn giải và trình bày ý nghĩa, sự thiết thực của Di sản văn hóa thế giới tại khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long.

 

https://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/chiem-nguong-bau-vat-hoang-cung-thang-long-1093178.ldo

Theo Lan Nhi  (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.