Xứ Quảng Nam xưa: Cư dân Chăm trên đất Quảng Nam xưa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Vào thời kỳ Tần - Hán, cũng như các bộ của quốc gia Âu - Lạc ở phía bắc (nay là Bắc bộ và Bắc Trung bộ), vùng đất phía nam đèo Ngang đã lệ thuộc sự cai trị của phong kiến Trung Hoa, ít ra là trên danh nghĩa.

Thư tịch cổ Trung Quốc và những khám phá gần đây cho biết vào thời kỳ An Dương Vương làm vua nước Âu Lạc thì ở Trung Hoa, Tần Thủy Hoàng đã thiết lập đế chế Tần. Năm 214 trước CN, Tần Thủy Hoàng đưa quân đánh chiếm vùng đất của các tộc Bách Việt (gồm hầu hết miền Giang Nam và Lĩnh Nam Trung Quốc), lập ra các quận Nam Hải (Quảng Ðông, Trung Quốc), Quế Lâm (Quảng Tây, Trung Quốc) và Tượng Quận (Bắc Việt và Bắc Trung Việt, thuộc địa bàn nước Văn Lang - Âu Lạc). Vùng đất phía nam từ đèo Ngang (Hoành Sơn) vào đến Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay trên danh nghĩa đã trở thành một bộ phận của Tượng Quận thuộc đế chế Tần; nhưng cũng như Tượng Quận, nhà Tần chưa thiết lập được bộ máy cai trị và cũng chưa hề đưa quân đến vùng đất này.

 

Tượng thần Shiva (Bảo vật quốc gia) tìm thấy ở Phú Hưng, Tam Kỳ (Quảng Nam), niên đại TK IX - X
Tượng thần Shiva (Bảo vật quốc gia) tìm thấy ở Phú Hưng, Tam Kỳ (Quảng Nam), niên đại TK IX - X


Nhà Tần suy yếu, Triệu Ðà - một viên quan úy quận Nam Hải, đem quân lấy nước Âu Lạc, lập ra nước Nam Việt (206 trước CN). Năm 111 trước CN, nhà Hán sai Lộ Bác Ðức sang đánh Triệu Ðà, lấy nước Nam Việt rồi cải là Giao Chỉ bộ và chia làm 9 quận (Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Hợp Phố, Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam, Chu Nhai, Ðạm Nhĩ), trong đó Giao Chỉ và Cửu Chân là vùng đất từ Bắc Việt đến Hoành Sơn; Nhật Nam là vùng đất từ Hoành Sơn đến núi Ðại Lãnh.

Năm 192, một thủ lĩnh vùng Tượng Lâm tên là Khu Liên (Kiu Liên), nhân lúc nhà Hán suy yếu đã nổi dậy giết quan huyện lệnh, lập ra vương quốc Lâm Ấp. Năm 347 (Vĩnh Hòa thứ 3 đời Tấn Mục Ðế - Trung Quốc), vua Lâm Ấp là Phạm Văn tiến quân chiếm quận Nhật Nam, lấy Hoành Sơn làm ranh giới phía bắc của Lâm Ấp. Như vậy, biên cương Lâm Ấp lúc này đã trải dài từ phía nam Hoành Sơn đến vịnh Cam Ranh ngày nay.

Bên cạnh các nguồn sử liệu cổ Trung Hoa và sử liệu thời phong kiến VN, khoảng từ đầu thế kỷ XX, nhiều công trình nghiên cứu của các nhà nghiên cứu, sử gia phương Tây và tiếp theo đó là các công trình của các nhà nghiên cứu VN về vùng đất Nam Á - Ðông Nam Á đã soi rọi phần nào một số vấn đề về các biến động xã hội, chế độ chính trị, cư dân Ðông Nam Á trong khoảng thời gian từ thế kỷ thứ I trước CN đến thế kỷ thứ X, trong đó có vùng đất nay là TP.Đà Nẵng và các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định.

Theo các nhà sử học Kern (Ðức), Cabaton (Pháp), Holl (Anh), vào khoảng thế kỷ II trước CN, người Hindu từ khu vực phía tây thiên di đến vùng hạ lưu sông Mê Kông, tập hợp một số bộ lạc sống rải rác trong vùng, thành lập vương quốc Phù Nam, trung tâm đô thị ở Óc Eo (nay thuộc tỉnh An Giang) với vị vua đầu tiên là Kaudinya. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ V, vương quốc Phù Nam trở thành một quốc gia hùng mạnh, biên cương trải dài từ Biển Ðông đến tận vịnh Bengal (Ấn Ðộ).

Trước đó, ở vùng ven biển Ðông Nam Á, cư dân nói tiếng Malayô - Pôlynêxia xuất phát từ ven biển Quảng Ðông (Trung Quốc), tràn xuống vùng ven biển phía nam, một bộ phận ở lại trở thành tổ tiên của người Chăm, một bộ phận tiếp tục thiên di lên vùng núi Trường Sơn, chinh phục và hòa huyết với cư dân bản địa tại cao nguyên Ðắk Lắk, cao nguyên Pleiku và trở thành tổ tiên của các tộc người Ê-Đê, Gia-Rai ngày nay.


 

 Phù điêu Hamsa tìm thấy ở Chánh Lộ (Quảng Ngãi), niên đại TK X - đầu TK XI. Ảnh: L.H.K
Phù điêu Hamsa tìm thấy ở Chánh Lộ (Quảng Ngãi), niên đại TK X - đầu TK XI. Ảnh: L.H.K



Sau khi người Hindu thiết lập vương quốc phía nam, họ tiếp tục chuyển về phía đông dọc theo các sườn đồi, tràn xuống vùng đất của người Chăm, áp đặt nền văn minh Hindu trên vùng đất này, đẩy một bộ phận cư dân Malayô - Pôlinêxia chuyển đến vùng Trường Sơn. Khu Liên, thủ lĩnh đã thiết lập vương quốc Lâm Ấp có thể là một người Chăm gốc Hindu.

Chịu ảnh hưởng nền văn minh Hindu, vương quốc Chăm là một liên minh bao gồm nhiều tiểu quốc (Mantala) với nhiều sắc tộc khác nhau (Polyethnic) do một tiểu vương cai quản. Mỗi tiểu quốc có kinh đô riêng, với tổ chức kinh tế, chính trị, quân sự độc lập. Những tiểu quốc nhỏ yếu thần phục tiểu quốc lớn mạnh và vị vua hùng mạnh nhất vương quốc được gọi là Rojàdhiràja (vua của các vua). Trên địa bàn vương quốc Chăm có ít nhất 5 tiểu quốc đã từng tồn tại, đó là: Indrapura (nay là vùng đất từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế), Amaravati (nay là Quảng Nam, Ðà Nẵng, Quảng Ngãi), Vijaya (Bình Ðịnh, Phú Yên), Kauthara (Khánh Hòa), Panduranga (Ninh Thuận, Bình Thuận). Vùng đất Quảng Nam, Quảng Ngãi ngày nay thời vương quốc Chăm có tên gọi theo âm Hán Việt là Chiêm Lũy động và Cổ Lũy động, thuộc châu Amaravati; theo truyền thuyết nằm dưới sự cai quản của dòng tộc Cau (Kramuk Varish).

Cũng như nhiều quốc gia cổ vùng Ðông Nam Á, tín ngưỡng cổ truyền của người Chăm theo thuyết vũ trụ lưỡng nghi: âm/dương; mẹ/cha; nước/đất; biển/núi... đồng thời dung hòa với những tôn giáo, tín ngưỡng du nhập từ Ấn Ðộ như Hindu giáo, Phật giáo để trở thành tín ngưỡng của người Chăm. Trong khoảng 15 thế kỷ tồn tại của vương quốc Chăm, người Chăm đã xây dựng một quốc gia phát triển và nền văn hóa độc đáo mà dấu vết còn để lại đến ngày nay là những tháp Chăm, những tòa thành cổ, những di tích cảng thị mà tiêu biểu là thánh địa Mỹ Sơn, Phật viện Đồng Dương (Quảng Nam), thành cổ Châu Sa, phế tích tháp Chánh Lộ (Quảng Ngãi), hệ thống 7 tháp Chăm ở Bình Định...

Cùng với di sản vật thể, người Chăm còn để lại nhiều di sản văn hóa phi vật thể mà đến nay đã hòa nhập vào di sản văn hóa phi vật thể của người Việt vùng ven biển miền Trung, trong đó có Quảng Nam, Quảng Ngãi, tạo thành những sắc thái riêng độc đáo trong vườn hoa văn hóa các dân tộc VN.

(còn tiếp)

Theo Lê Hồng Khánh (TNO)

 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.