Đạo sắc thần cổ nhất Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Theo thống kê sơ bộ của chúng tôi, không kể sưu tập tư nhân, Gia Lai còn lưu giữ 26 sắc thần, phân bố tập trung trong các đình làng trên địa bàn An Khê và Đak Pơ. Trong số này, có niên đại xưa nhất là sắc hợp phong cho thần Bạch Mã và thần Thành Hoàng năm 1880 thời Vua Tự Đức được lưu giữ tại đình An Khê.
Sắc hợp phong cho thần Bạch Mã và thần Thành Hoàng có kích thước 133 cm x 51 cm, chữ 2 cm x 2 cm, tình trạng nhìn chung còn khá nguyên vẹn, chỉ bị rách vài đường răng cưa phía góc trái bên trên. Về chất liệu, sắc được làm từ giấy dó thượng hạng, thường gọi là giấy sắc/giấy long đằng, có độ mịn, dai và bền cao. Văn tự trên sắc phần nội dung được viết bằng mực Tàu đen, phần triện là mực son đỏ tươi, không bị nhòe khi thấm qua nước.
Về trang trí, mặt trước sắc có 4 viền chung quanh trang trí hồi văn tâm đồ án hình chữ “vạn”, trung tâm trang trí hình rồng mây, 4 góc sắc và phía trên (thường là lưng rồng) trang trí 5 đồ án vuông hình chữ “thọ”, xung quanh đồ án rồng là các chấm tròn. Các nét trang trí này đều có màu bạc ánh kim, dấu triện vuông son Sắc Mệnh Chi Bảo được đóng ở đoạn đầu và cổ rồng. Mặt sau sắc trang trí hoa văn vẽ bạc chìm mờ hơn so với mặt trước, phần giữa là 2 đồ án hình chữ “thọ” nằm so le sát nhau, bên phải trang trí đồ án lá dây, bên trái trang trí đồ án sách tua.
Đây cũng là đạo sắc thần có kích thước lớn nhất trong số các sắc thần hiện còn tại Gia Lai. Bởi lẽ, kích thước phổ biến các sắc khác ở Gia Lai (chủ yếu thời Duy Tân, Bảo Đại) là 126 cm x 50 cm.
Ảnh: Lưu Hồng Sơn
Sắc hợp phong cho thần Bạch Mã và thần Thành Hoàng có kích thước 133 cm x 51 cm, chữ 2 cm x 2 cm. Ảnh: Lưu Hồng Sơn
Toàn văn sắc được phiên âm như sau (từ trên xuống dưới, từ phải qua trái): Dòng 1: Sắc chỉ Bình Định tỉnh, Tuy Viễn huyện, An Khê thôn, tòng tiền phụng sự. Dòng 2: Dương Uy Ngự Hối Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang Bạch Mã. Dòng 3: Thượng đẳng thần; Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Bổn Cảnh Thành. Dòng 4: Hoàng chi thần. Tiết kinh ban cấp. Dòng 5: Sắc phong chuẩn kỳ phụng sự. Tự Đức tam thập nhất niên chánh trị Trẫm ngũ. Dòng 6: Tuần đại khánh tiết, kinh ban bảo chiếu đàm ân lễ long đăng trật. Dòng 7: Đặc chuẩn hứa y cựu phụng sự, dụng quốc khánh nhi thân tự. Dòng 8: Điển. Khâm tai. Dòng 9: Tự Đức tam thập tam niên, thập nhất nguyệt, nhị thập tứ nhật. Triện: Sắc Mệnh Chi Bảo.
Dịch nghĩa:
Sắc cho thôn An Khê thuộc huyện Tuy Viễn, tỉnh Bình Định.
Trước đây thôn đã thờ thần Bạch Mã mỹ hiệu Dương Uy Ngự Hối Bảo Chướng Kiện Thuận Hòa Nhu Hàm Quang Bạch Mã thượng đẳng thần và thần Thành Hoàng mỹ hiệu Bảo An Chánh Trực Hựu Thiện Đôn Ngưng Bổn Cảnh Thành Hoàng chi thần, được triều đình ban sắc công nhận. Năm Tự Đức 31, nhân dịp Trẫm lễ thọ ngũ tuần, gia cấp phong tặng, chuẩn cho dân làng tiếp tục thờ phụng các ngài, mở rộng thêm điển lễ quốc gia.
Nay sắc.
Ngày 24 tháng 11 năm Tự Đức thứ 33 (1880).
Ngoài sắc phong kể trên, đình An Khê còn giữ được 1 sắc thần năm 1909 và 1 sắc thần năm 1911. Đạo sắc năm 1909 thời Duy Tân phong cho thần Bạch Mã và Thành Hoàng bị thủng rách khá nhiều chỗ nhưng may mắn là phần chữ viết vẫn nguyên vẹn; đạo sắc năm 1911 thời Duy Tân đã rách và mất 2/3, chỉ còn dòng ghi niên hiệu niên đại, nhờ bản kê danh mục trong hộp sắc do chúng tôi phát hiện mới biết chính xác rằng nội dung sắc này phong tặng cho các nữ thần Ngũ Hành Tiên Nương và Thiên Y A Na.
Bản kê cho biết thêm, trừ 3 sắc kể trên, thôn An Khê xưa có 2 sắc khác đã mất là sắc năm 1851 thời Tự Đức và sắc năm 1886 thời Đồng Khánh cùng phong cho thần Bạch Mã và Thành Hoàng. Từ đây, có thể suy ra rằng, đạo sắc năm 1851 chính là “tiền thân” của nhiều đạo sắc ra đời sau đó: Tự Đức 1880, Đồng Khánh 1886, Duy Tân 1909, bởi cùng phong cho thần Bạch Mã và Thành Hoàng, chỉ khác là các vị thần trong các sắc sau được gia tăng mỹ tự, thứ bậc so với đạo sắc năm 1851.
Và vì những lý do trên, theo tìm hiểu của chúng tôi, đến nay, tại Gia Lai, sắc thần có niên đại cổ xưa nhất còn tồn tại là đạo sắc 1880 thời Tự Đức hiện được lưu giữ tại đình An Khê.
LƯU HỒNG SƠN
 

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.