Đình Chí Công: Nơi thờ thần núi ở Đak Pơ được vua công nhận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trong chuyến nghiên cứu, khảo sát thực tế tại thị xã An Khê nhằm phục vụ đề tài khoa học “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hán-Nôm trên địa bàn tỉnh Gia Lai”, nhóm cán bộ của Bảo tàng tỉnh đã tới thăm đình Chí Công (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Đây là ngôi đình thờ thần núi duy nhất tại Gia Lai và được các vua triều Nguyễn sắc phong công nhận.
Căn cứ vào thời gian ghi trên những sắc phong đang được lưu giữ cẩn thận tại đây, đình Chí Công được người dân dựng lên từ cuối thế kỷ XIX. Theo lời kể của ông Nguyễn Dũng Chinh (77 tuổi, Trưởng ban nghi lễ, phụng tế), ban đầu, đình được dựng bằng tranh tre, vách đất tại chân núi Chí Công, cách vị trí hiện tại hơn 2 km. Đến những năm 30 của thế kỷ trước, đình bị đốt phá, phải dời ra khu vực đông dân cư cách khu vực hiện tại khoảng 500 m. Đến năm 1954, đình được dời về vị trí hiện nay: thôn Chí Công, xã Cư An, huyện Đak Pơ. Năm 1990, người dân trong vùng đóng góp kinh phí và ngày công trùng tu đình để có diện mạo như ngày nay.
Về kiến trúc đình Chí Công, ngoài chánh điện thờ thần, còn nhà tiền hiền và nhà âm linh (chung một gian) cất bên phải (từ ngoài nhìn vào) và phía trước, mé trái chánh điện là dinh Cô mới được xây dựng, sạch sẽ, khang trang thờ bà Ngũ Hành; phía sau dinh Cô là dinh ông Chúa nhỏ, am thờ Chúa tể sơn lâm (hổ). Ông Nguyễn Đức Chí-Trưởng thôn Chí Công-cho biết: Diện tích đất sử dụng của đình Chí Công là 1.500 m2, mặt trước giáp quốc lộ 19, hai bên và phía sau giáp khu dân cư. Đến nay, địa phương đã làm xong thủ tục cấp quyền sử dụng đất cho đình. Hàng năm, Ban nghi lễ đình Chí Công và người dân địa phương tổ chức cúng đình vào 3 ngày lễ lớn (theo âm lịch): cúng Quý Xuân ngày 19-2, cúng bà Ngũ Hành ngày 23-3, cúng Quý Thu ngày 19-8.
Chính điện đình Chí Công (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Anh Minh
Chính điện đình Chí Công (xã Cư An, huyện Đak Pơ). Ảnh: Nguyễn Anh Minh
Qua tìm hiểu được biết, đình Chí Công còn lưu giữ nguyên vẹn 3 đạo sắc phong từ hơn một thế kỷ trước. Trong đó, 2 sắc phong năm 1911, thời Vua Duy Tân (1 sắc phong ban cho Thành Hoàng và Thổ Địa; 1 sắc ban cho thần Thiên Y A Na). Hai vị thần này khá phổ biến trong hệ thống sắc phong ở thị xã An Khê và huyện Đak Pơ cũng như ở nhiều ngôi đình vùng Nam Bộ và Trung Bộ. Độc đáo là sắc thứ ba năm 1913, thời Vua Duy Tân, phong ban cho Thần Núi Chí Công. Đây cũng chính là nét khác biệt ở ngôi đình này.
Ngoài những sắc phong quý, nơi đây còn giữ được tấm biển hiệu tên đình bằng chữ Hán và tấm rèm che án thờ chính điện cũng có tuổi đời hàng trăm năm. Bên cạnh những hiện vật có giá trị cổ xưa, đình còn có rất nhiều hoành phi, liễn đối, các bài văn cúng bằng chữ Hán tồn tại từ nhiều năm nay.
Trao đổi với cán bộ Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đak Pơ, chúng tôi được biết, đình Chí Công đã được chính quyền địa phương bổ sung vào danh mục các đình, miếu trên địa bàn huyện trình UBND tỉnh phê duyệt lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích.
Hy vọng trong thời gian đến, đình Chí Công sẽ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
NGUYỄN ANH MINH

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.