Dấu ấn văn hóa Chăm Pa nơi hạ lưu sông Ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dọc bờ sông Ba về phía hạ lưu, còn đó những vết tích của Vương triều Chăm Pa xưa. Phế tích tháp Bang Keng (xã Krông Năng, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) ẩn mình bên dòng sông huyền sử cùng hiện vật Chăm hiếm quý còn hiện hữu trong đời sống người Jrai bản địa là minh chứng cho thấy vùng đất này từng in hằn dấu chân hành hương của người Chăm cổ xưa.
Chiếc khăn quý của chủ làng
Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) vấn chiếc khăn màu đen tuyền lên đầu một cách thuần thục trước khi hành lễ bên bến nước sông Ba. Hơn nửa thế kỷ làm chủ lễ cho nhiều hoạt động văn hóa từ phạm vi gia đình đến cộng đồng như: lễ thổi tai, ăn trâu, ăn lúa... người dân đã quen với hình ảnh vị già làng Jrai đội chiếc khăn của người Chăm trên đầu. “Đây là chiếc khăn của người Chăm xưa, có tuổi đời khoảng 200-300 năm. Chiếc khăn này có từ đời ông, đến đời cha và bây giờ truyền lại cho mình”-ông nói.
Câu chuyện của già làng Bhung hé lộ thêm thông tin quý về vùng đất được cho là một phần cương vực của Vương triều Chăm Pa cổ hùng mạnh, tồn tại cách đây nhiều thế kỷ. Già làng Bhung cho biết thêm: “Đời ông, đời cha mình là những chủ làng rất giàu có. Cha mình kể, người Chăm và người Jrai thường trao đổi những vật quý với nhau chứ không dùng tiền để mua. Từ nhỏ, mình đã thấy cha đãi khách quý bằng bộ ấm chén đất nung rất đẹp. Cha nói đó là bộ chén quý của người Chăm, được ông nội đổi bằng mấy cặp gạc nai, ngà voi mới có được”.
Già làng Rơ Ô Bhung thành thục vấn chiếc khăn của văn hóa Chăm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Già làng Rơ Ô Bhung thành thục vấn chiếc khăn của văn hóa Chăm. Ảnh: Hoàng Ngọc
Là con của vị chủ làng giàu có, từ nhỏ, Nghệ nhân Ưu tú Rơ Ô Bhung thường được cha đặt trên lưng con voi có cặp ngà dài cả sải tay cưỡi đi khắp vùng. Trong trí nhớ của vị già làng đã đi qua 85 mùa rẫy, cha ông là một chủ làng rất uy nghi. Ông thường vấn chiếc khăn đen, cưỡi voi đi giải quyết mọi chuyện lớn nhỏ trong làng, đến đâu cũng khiến mọi người kính nể. “Ông nói đây là biểu tượng của văn hóa Chăm Pa, người Jrai đội khăn Chăm thể hiện sự hòa hợp, giao hảo giữa 2 dân tộc. Sau khi cha qua đời, ông để lại cho mình một số chiếc khăn cùng nhiều hiện vật quý. Những năm kháng chiến chống Mỹ, khi cả làng đều phải rút vào rừng núi để tránh bom đạn, mình chỉ mang theo được mấy chiếc khăn. Nhà cửa, buôn làng đều bị đốt cháy tan hoang nên các hiện vật Chăm cũng mất hết. Con voi nhà trúng nhiều vết đạn nằm chết cùng đàn ngựa”-già làng nhớ tiếc ngậm ngùi.
Ba chiếc khăn Chăm mà già làng Bhung còn lưu giữ tới bây giờ có chiều dài 2,5 m, rộng 50 cm. Mấy trăm năm trôi qua, chiếc khăn vẫn giữ nguyên màu đen tuyền. Mân mê chiếc khăn, già làng cảm thán: “Người Chăm có kỹ thuật nhuộm màu đỉnh cao. Nó rất nhanh khô, bền chắc và không hề phai màu khi giặt”.
Bên dòng sông linh thiêng
Già làng Bhung cho biết: Trước đây, ở khu vực buôn Túi (xã Ia Rmok) nằm bên bờ sông Ba còn có một móng tháp hình vuông được làm từ loại gạch nung đặc trưng của người Chăm. “Năm 1999, trận lũ lịch sử quét qua buôn Túi, cuốn theo nhiều nhà cửa của người dân, đồng thời xóa sạch dấu vết của phế tích Chăm này. Sau đó, mấy chục nóc nhà của người dân trong buôn được di dời lên nơi ở mới gần đường chính. Phế tích Chăm chỉ còn lại trong trí nhớ của số ít người già”-ông kể.
Nhưng vùng đất từng in hằn dấu chân hành hương của người Chăm xưa vẫn còn đó những phế tích gợi lại hào quang quá khứ. Xuôi theo dòng sông huyền sử về phía hạ lưu, chúng tôi đi tìm tháp cổ Bang Keng (xã Krông Năng) sau hơn 1 thập kỷ được khai quật phục vụ công tác nghiên cứu. Và cũng từ đó, phế tích ngủ yên cho tới bây giờ.
Hiện trạng phế tích tháp Bang Keng, xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Hiện trạng phế tích tháp Bang Keng, xã Krông Năng, huyện Krông Pa. Ảnh: Hoàng Ngọc
Từ xa, phế tích Bang Keng chỉ là một lùm cây xanh hướng về mặt nước mênh mang, nơi hợp lưu của dòng Krông Năng và sông Ba trước khi xuôi về hạ lưu. Nắng sớm dát ánh sáng lộng lẫy trên mặt nước mang màu phù sa. Mây trắng bay la đà trên nền tháp cổ. Dù đền tháp giờ chỉ còn là những viên gạch phủ rêu xanh, nhưng trước khung cảnh ấy, tôi chợt liên tưởng đến cảm giác đi thuyền dọc dòng sông Chao Phraya trên đất nước Thái Lan để chiêm ngưỡng những đền đài tráng lệ cổ xưa mang đậm dấu ấn tôn giáo của đất nước chùa Vàng.
Bảo vệ khẩn cấp
Tháp cổ Bang Keng được phát hiện vào những năm 2005-2006. 4 năm sau đó (tháng 6-2010), UBND tỉnh cấp kinh phí để khai quật phục vụ nghiên cứu. Qua đó, các nhà nghiên cứu nhận định đây là đền thờ của người Chăm cổ. Lịch sử xây dựng các đền tháp Chăm Pa được ghi nhận kéo dài từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ XVII, trong khi đó, tháp Bang Keng được xác định có niên đại vào khoảng thế kỷ VII-VIII sau Công nguyên. Điều đó cho thấy người Chăm cổ đã có mặt ở vùng hạ lưu sông Ba từ rất sớm, trong buổi đầu xây dựng các tiểu quốc của Vương triều Chăm Pa hùng mạnh kéo dài nhiều thế kỷ sau này. Thạc sĩ Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý văn hóa (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết: Người Pháp từng công bố bản đồ tháp Chăm ở Việt Nam nhưng không có tháp Bang Keng. Với phát hiện phế tích Chăm cổ ở bờ sông buôn Jú (xã Krông Năng) đã chấm thêm một vị trí vào bản đồ phân bổ các đền tháp Chăm Pa. Hai bức phù điêu Phật được công nhận là Bảo vật quốc gia hiện được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh có thể có nguồn gốc từ tháp Bang Keng vì có cùng niên đại.
Đường vào tháp cổ Bang Keng đi qua những cánh rẫy của người Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Đường vào tháp cổ Bang Keng đi qua những nương rẫy của người Jrai. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tiếc là, sau 12 năm khai quật, vẫn chưa có một bước tiến nào để phát huy giá trị của phế tích Chăm cổ này. Ông Ngô Đức Mạo-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Krông Pa-cho biết: “Tháp cổ Bang Keng dù chỉ còn là phế tích nhưng đây là minh chứng khẳng định sự tồn tại của người Chăm cổ trên vùng đất Krông Pa, đặc biệt từng có thời kỳ người Chăm và người Jrai cùng sinh sống và có sự giao lưu văn hóa. Do đó, các phế tích cần được bảo vệ và nghiên cứu để làm rõ giá trị về mặt văn hóa-lịch sử. Ở cấp độ địa phương, chúng tôi đã khoanh vùng bảo vệ, dựng bia để người dân biết nhằm tránh xâm hại. Phế tích của nền văn minh rực rỡ cần tiếp tục được nghiên cứu chuyên sâu ở cấp độ cao hơn”.
Dẫu muộn nhưng huyện Krông Pa cũng cần có kế hoạch lập hồ sơ để công nhận di tích cho tháp cổ Bang Keng, từ đó mới có cơ sở pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị và xa hơn là nghiên cứu sâu về nền văn hóa Chăm Pa từng phát triển rực rỡ ở vùng hạ lưu sông Ba.
HOÀNG NGỌC

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.