Cuộc "hội ngộ Đăm Noi"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tây Nguyên cuối tháng 5, xen giữa những trận mưa dài vẫn có thời khắc nắng đẹp. Vì là những người “xưa cũ” của Ty Văn hóa-Thông tin (VHTT) Gia Lai-Kon Tum nên chúng tôi may mắn được tháp tùng “cơn gió” nghĩa tình từ Hà Nội “ùa” theo chị Phạm Thị Hà vào Pleiku để tìm đến “người xưa”, có tên là Khuyên Đông (Y Đông), ở tận vùng biên giới Đức Cơ và được chứng kiến “cuộc hội ngộ Đăm Noi” vô cùng xúc động.
“Hơmon Đăm Noi” là cuốn sử thi đầu tiên của Gia Lai-Kon Tum được công bố. Nội dung của sử thi Bahnar kể về người anh hùng Đăm Noi và các anh của chàng chiến đấu chống tên quỷ Drang Hạ-Drang Hơm, Bok Prao (thần Rồng), Klơm Bri (thần Gan Rừng)... Cuốn sách được ra mắt lần đầu vào năm 1982, đến nay vừa tròn 40 năm, tái bản lần thứ nhất năm 1985 và sau này còn một số lần tái bản nữa.
Trên đường tìm về làng Tung (xã Ia Nan, huyện Đức Cơ), câu chuyện của những người làm sử thi Đăm Noi hơn 40 năm về trước theo lời kể của chị Hà dần hiện lên trong tâm trí chúng tôi: Mùa đông năm 1978, Phạm Thị Hà là một trong những thành viên của Phòng Văn nghệ dân gian (Viện Văn hóa-Nghệ thuật thuộc Bộ VHTT) vào Tây Nguyên để giúp Ty VHTT Gia Lai-Kon Tum tổ chức Hội thảo sưu tầm vốn văn hóa-văn nghệ dân gian của các dân tộc tỉnh Gia Lai-Kon Tum. Đây là tiền đề cho việc hợp tác bài bản hơn giữa Viện Văn hóa-Nghệ thuật và Ty VHTT tỉnh Gia Lai-Kon Tum nhằm thực hiện Chương trình nghiên cứu-sưu tầm văn nghệ dân gian theo đề xuất của Trưởng ty Trịnh Kim Sung lúc ấy. Điều đáng nói ở đây là chương trình lớn này được thực hiện chỉ 3 năm sau ngày đất nước thống nhất.
Ngay từ chuyến khảo sát đầu tiên ở vùng người Jrai Ayun Pa, người Bahnar An Khê, để xây dựng kế hoạch cho chương trình nghiên cứu sưu tầm dài hơi, bắt đầu vào năm 1980, chị Phạm Thị Hà lúc đó là cô nữ sinh vừa tốt nghiệp Khoa Văn của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội đã mê mẩn với một loại nghệ thuật độc đáo mà lần đầu chị và anh em trong đoàn được biết. Đó là loại hình nghệ thuật mà người Bahnar gọi là hơmon (hơamon) xuất hiện qua lời hát kể của nghệ nhân, vang lên trong đêm mùa đông buốt lạnh, trước cộng đồng Bahnar đông đảo tại nhà rông hoặc nhà của nghệ nhân. Quanh căn nhà có người hát kể hơmon, dân làng đốt nhiều đống lửa. Bên mỗi đống lửa là một nhóm người ngồi im lặng, vừa rít tẩu thuốc vừa chăm chú nghe như nuốt lấy từng lời.
Tháng 7-1980, chị lại cùng cộng sự vác ba lô vào Tây Nguyên để bắt đầu việc điền dã, sưu tầm theo một kế hoạch đã được đề ra ở vùng người Bahnar huyện An Khê (lúc ấy bao gồm cả thị xã An Khê và các huyện: Kbang, Đak Pơ, Kông Chro ngày nay). Lần này, đoàn xuống xã Jơma (Ya Ma), nay thuộc huyện Kông Chro. Tại Plei Srok, chị đặt máy ghi âm và may mắn đã ghi được trọn vẹn 3 đêm hơmon Đăm Noi (chàng Noi) với 7 giờ băng, do nghệ nhân Đinh Văn Mơl hát kể cho dân làng của mình nghe. Từ băng ghi âm này, chị và anh Khuyên Đông (người Bahnar) phải mất hơn 3 tháng để rã băng.
Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc
Tái hiện không gian hát kể sử thi của người Bahnar. Ảnh: Hoàng Ngọc
Sau khi anh Khuyên Đông nghỉ hưu (khoảng năm 1988, 1989), chúng tôi chỉ biết là anh ấy về Đức Cơ, rồi mất hẳn liên lạc. Vì vậy mà lần này, khi vừa được anh Nguyễn Quang Tuệ-Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cho biết thông tin về anh Khuyên Đông, chị Hà đã tranh thủ bay từ Hà Nội vào tìm. Suốt dọc đường từ Pleiku lên Đức Cơ, câu chuyện của chúng tôi chỉ xoay quanh những công việc mà các anh chị đã làm để có một sử thi Đăm Noi ra mắt bạn đọc cách đây đúng 40 năm (năm 1982).
Vừa đi, vừa hỏi đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được làng Tung-quê vợ anh Khuyên Đông và cũng là nơi người đàn ông Bahnar này thường trú giữa vùng Jrai từ lúc về hưu. Cô con gái của anh dẫn chúng tôi vào nhà và chỉ đây là bă (bố) Đông. Bước đến bên, tôi chỉ chị Hà và hỏi người đàn ông có vẻ ốm yếu nằm trên giường: “Anh có biết ai đến thăm anh đây không?”. Vẫn nằm trên giường, anh nhìn một lúc rồi lắc đầu. Nhưng khi nghe tôi nói: “Đây là chị Hà, từ Hà Nội vào thăm” thì anh kêu lên: “Phạm Thị Hà!”. Rồi anh ngồi bật dậy, 2 người ôm nhau, tíu tít kể chuyện xưa, hỏi chuyện nay quanh cái trục Đăm Noi và những kỷ niệm khi họ cùng nhau làm sử thi này. Có thế, chúng tôi mới biết rõ vai trò của anh Khuyên Đông-một người địa phương, trong Hơmon Đăm Noi-một sử thi đã nổi tiếng gần nửa thập kỷ nay, mà cái tên Khuyên Đông hầu như không thấy bóng dáng trong đó.
Trong “Mấy điều lưu ý về H’mon Đăm Noi” xuất bản năm 1982, Giáo sư Tô Ngọc Thanh viết: “…ông Mơl và đồng chí A Đrin, cán bộ Ty VHTT đã ngồi nghe và ghi lại ra giấy từng câu và cuối cùng cho chúng tôi một nguyên bản tiếng Bahnar”. Nhưng theo chị Phạm Thị Hà thì anh Khuyên Đông mới là người chủ chốt cùng chị nghe băng, rã băng để dịch từ đối từ Bahnar-Việt, làm cơ sở cho chị Hà thực hiện bản dịch văn học tiếng Việt. Trong lúc làm việc, có nhiều khi, anh Khuyên Đông không đủ từ vựng để dịch sang tiếng Việt về một vấn đề nào đó, chị Hà phải nghe anh mô tả để hiểu và tìm từ tương ứng. Ví dụ, khi muốn tả cái chân rất trắng của cô gái, không biết ví nó trắng thế nào, anh Khuyên Đông bèn chỉ vào chân của chị Hà nói “trắng thế này này”. Sau một hồi suy nghĩ, anh lại nói, trắng như cây chuối. Chị Hà cũng phải nghĩ mãi mới luận ra: Cây chuối thì phải bóc hết bẹ xanh bên ngoài, chỉ còn phần nõn mới trắng. Hay khi muốn nói về cái mào của con vật, nhưng anh chỉ biết nói, nó là cái giống như cái ở trên đầu con gà… từ đó, chị Hà suy nghĩ rồi mới ớ ra: “À, đó là cái mào”… Phải cùng gỡ băng với người dịch nghĩa, nghe giọng hát kể trầm bổng của nghệ nhân, chị Hà mới hiểu được ý tứ, ngữ cảnh… để có một bản dịch văn học mượt mà, chuẩn xác sau này đến tay bạn đọc. Theo chị Hà, sau đó, bản tiếng Bahnar cũng được hoàn thiện, in roneo để nộp cho Ty VHTT (nhưng rất tiếc là nó đã không được in cùng với bản tiếng Việt-theo cách làm sách lúc đó nên bị thất lạc).
Xin bạn đọc vài dòng để nói về anh Khuyên Đông-người có công lớn, nhưng chưa được ghi danh xứng đáng trong Đăm Noi (đây cũng là điều làm cho chị Hà cảm thấy áy náy): Tháng 10-1960, để đáp ứng yêu cầu cách mạng địa phương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, tỉnh chủ trương thành lập đội văn công. Ông Rơchâm Briu (Grang, người Jrai) được giao nhiệm vụ đến các làng trong vùng căn cứ để tuyển diễn viên. Đợt đầu, đội tuyển được gần 40 anh chị em người Bahnar, chủ yếu là ở khu 7 (nay là huyện Kông Chro), trong đó có chị H’Nghia, anh Khuyên Đông. Những năm 1964-1968, anh Khuyên Đông là Đội phó phụ trách chuyên môn. Năm 1969, khi chị H’Nghia-Đội trưởng chuyển công tác về Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy thì anh Khuyên Đông là Đội trưởng. Sau ngày giải phóng, anh về làm việc tại Ty VHTT và từ đó mà có được cơ duyên với Đăm Noi-sử thi về người anh hùng của dân tộc mình, trên chính quê hương mình.
...Cuộc hội ngộ nào dù nghĩa tình đến đâu rồi cũng tới lúc phải chia tay. Rời làng Tung để về Pleiku trở ra Hà Nội, chị Hà vẫn như chưa thể “để” Đăm Noi lại phía sau. Chị cho chúng tôi biết, chị sẽ sớm tái bản Đăm Noi, kèm vĩ thanh để nói hết những gì mà các bản Đăm Noi ở những lần xuất bản trước đây chưa thể nói, trong đó có câu chuyện về anh Khuyên Đông-người đã cùng chị đưa Đăm Noi từ không gian hát kể ở làng lên trang sách hôm nay.
NGUYỄN KIM

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.