Chiếc gùi của người Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Người Tây Nguyên sinh sống trên rừng rẫy nên việc đi lại, mang vác, vận chuyển thường gặp nhiều bất lợi. Từ xa xưa, họ không có thói quen gánh gồng hoặc kéo xe có bánh chuyên chở trên những chặng đường mưu sinh. Với những lối mòn rậm rạp, quanh co đèo dốc, gùi là cách vận chuyển tối ưu nhất, khỏe nhất, hiệu quả nhất.
Việc vận chuyển vì vậy phần lớn là mang bằng gùi. Chiếc gùi như là vật bất ly thân luôn trên vai trên lưng người Tây Nguyên suốt mọi chặng đường rừng. Cũng chính vì vậy, hầu hết mọi người đàn ông Tây Nguyên đều biết tự đan cho mình những chiếc gùi ưng ý từ nan tre nứa, lồ ô...
Một chiếc gùi cơ bản có 4 bộ phận. Miệng gùi được kết bằng một cái vành tre cứng hình tròn như vành rổ. Thân gùi có phần trên tròn gá với vành miệng, dưới đáy hình vuông, làm bằng tre đan. Phần đế cao bằng gỗ mỏng uốn thành hình vuông gắn với đáy gùi làm chân đế giữ cho chiếc gùi đứng vững trên mặt đất. Đế gùi thường làm bằng cây lồng mức (thừng mực), gỗ mềm dẻo dễ uốn, ít nứt, lại có thớ gỗ trắng dễ trang trí hoa văn. Phần quai mang gồm hai miếng đan bằng mây cố định hai đầu vào một bên lưng gùi để mang như cách mang ba lô. Có 2 loại gùi là gùi mộc và gùi hoa văn. Gùi mộc làm toàn bằng vật liệu mây tre gỗ để nguyên màu tự nhiên. Gùi hoa văn là một tác phẩm mỹ thuật. Thân gùi đan thêm các vòng bằng những nan tre nhuộm màu xanh đỏ tạo nên hoa văn, đường viền sinh động, xen lẫn những túm tua sợi màu đỏ như những bông hoa nhỏ. Đế gùi khắc vẽ và nhuộm các màu hoa văn đen, lam xen kẽ.
Các nghệ nhân xã Tơ Tung (huyện Kbang) tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất. Ảnh: Hoàng Ngọc
Các nghệ nhân xã Tơ Tung (huyện Kbang) tại Ngày hội Văn hóa các dân tộc thiểu số tỉnh Gia Lai lần thứ nhất. Ảnh: Hoàng Ngọc
Người Tây Nguyên xưa không có rương tủ đựng đồ. Một chiếc gùi đại để ở góc nhà đựng đủ thứ khố, áo, váy... Ông Châu, một cán bộ kháng chiến khu tư (H4) có thời nằm vùng tại xã Ia Dơk (huyện Đức Cơ) kể lại, có lần nhờ cái gùi đựng đồ của gia đình cơ sở người Jrai mà thoát chết. Lần ấy trong đêm khuya tịch mịch, khi mọi người chuẩn bị đi ngủ, không gian trong làng đã dần trở nên yên ắng, nghe rõ từng tiếng chân trâu, một toán địch bất ngờ áp sát ngôi nhà. Đến khi chúng tới ngay cầu thang, chó mới sủa. Thì ra bọn này mỗi tên túm vào đuôi một con trâu rồi hích đàn trâu chui về sàn nhà, mọi người không nghe được tiếng giày, chó không phân biệt được tiếng động lạ từ xa. Tình thế quá gấp, người nhà phải cho ông Châu ngồi lọt thỏm trong một chiếc gùi lớn ở góc nhà, chất đủ thứ đồ đạc vào, rồi phủ lên trên mấy cái váy rách hôi hám. Địch lục soát không thấy người lạ, nhìn cái gùi toàn váy đàn bà dơ dáy thì không thèm đụng tay rồi lặng lẽ bỏ đi. Nhờ thế mà ông thoát nạn!
Chiếc gùi của người Tây Nguyên là một phương tiện vận chuyển khá đa năng. Gùi mang lúa từ rẫy về kho, từ kho về nhà. Gùi mang rau quả, nấm, măng le về từ rừng rẫy. Gùi mang nước từ suối về nhà trong những quả bầu. Gùi mang thịt rừng săn được về với làng buôn. Gùi mang những ghè rượu đi góp hội. Gùi đựng tơ mong (vật quý của Yàng) treo trên nhà rông. Gùi mang củi cưới “bắt chồng”... Một số dân tộc phía Bắc Tây Nguyên (như dân tộc Giẻ Triêng), con gái lớn phải vào rừng chọn cây, chặt những bó củi đẹp ưng mắt, gùi về nhà. Khi đủ một trăm bó thì đưa sang nhà chồng để xin cưới.
Nhiều lúc chiếc gùi như một kỷ vật gắn bó trong đời người.
Chị Rơ Chăm Hơ Panh, người làng Ngó Rông, xã Ia Krêl, huyện Đức Cơ năm 1972 đi theo đoàn trẻ em dân tộc thiểu số ra miền Bắc, suốt chặng đường vượt Trường Sơn đầy gian khổ, 3 tháng ròng rã luôn mang trên lưng chiếc gùi Tây Nguyên cho đến tận Hà Nội. Chị bảo đó là chiếc gùi chính tay ba mình làm. Ba chị trước là Bí thư xã B8, khu tư. Một lần trên đường đi công tác chuyển tài liệu cùng một người du kích, gặp lúc trời nóng bức, đang tắm ở giọt nước thì bị biệt kích bắn chết. Lúc lên đường ra Bắc, chị chỉ có chiếc gùi nhỏ ba đan cho hồi trước, đựng tất cả mọi tư trang cần thiết. Nhờ chiếc gùi ấy, việc đi rừng rất thuận tiện và có được sức khỏe dai bền để vượt đèo lội suối. Điều bất ngờ làm ngạc nhiên cho các bạn trai cũng như những người lớn tuổi.
Trong đời người Tây Nguyên, chiếc gùi đơn sơ mà gắn bó. Nó luôn mang theo người tất cả những gì thiết yếu trên mọi nẻo đường rừng suối, đi hết mọi tháng ngày xa xôi...
PHẠM ĐỨC LONG

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.