Pleiku: Bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều hoạt động thiết thực, những năm qua, TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) đã từng bước bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Jrai. 
Mặc dù trời rả rích mưa nhưng tại khuôn viên hội trường làng Ngó (phường Trà Bá), lớp học trình diễn cồng chiêng vẫn rất rộn ràng. Dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ksor Hnao (làng Kép, phường Đống Đa), gần 30 thanh-thiếu niên của làng Ngó và làng Chuét 1 (phường Thắng Lợi) đã cùng hòa tấu giai điệu của bài “Ru con” đầy lắng đọng và da diết. Em Jang (làng Ngó) chia sẻ: “Em tập đánh cồng chiêng từ năm 2018 nhưng chưa có cơ hội học kỹ. Lần này được thầy Ksor Hnao tận tình chỉ dạy, em đã biết chơi được nhiều bài dân ca khác nhau. Khó nhất với em là thuộc giai điệu. Vì thế, em sẽ cố gắng ghi nhớ và tập luyện thật tốt để góp phần bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc mình”.
Em Jang (ở giữa, làng Ngó, phường Trà Bá) tập đánh cồng chiêng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ksor Hnao. Ảnh: Mộc Trà
Em Jang (ở giữa, làng Ngó, phường Trà Bá) tập đánh cồng chiêng dưới sự hướng dẫn của nghệ nhân Ksor Hnao. Ảnh: Mộc Trà
Lớp học do Văn phòng HĐND-UBND TP. Pleiku phối hợp với Trường Cao đẳng Gia Lai, UBND 2 phường Trà Bá và Thắng Lợi tổ chức nhằm giúp thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số biết sử dụng và trình diễn cồng chiêng để duy trì và bảo tồn nét đẹp văn hóa đặc sắc dân tộc Jrai nói riêng và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên nói chung. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung-Phó Chủ tịch UBND phường Trà Bá-cho hay: “Lớp trình diễn cồng chiêng khai giảng vào ngày 12-5 và kéo dài trong 1,5 tháng. Khóa học thu hút 18 thanh-thiếu niên của làng Ngó tham gia. Trước đây, phường cũng đã vận động những người biết đánh cồng chiêng ở các làng truyền dạy lại cho thế hệ trẻ nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Do đó, phường tiếp tục phối hợp để mở thêm các lớp cồng chiêng cũng như các nghề truyền thống khác cho thanh-thiếu niên các làng”.
Phường Thắng Lợi cũng là một trong những địa phương làm tốt công tác bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn thành phố. Theo Chủ tịch UBND phường Nguyễn Văn Tùng, phát huy hiệu quả từ lớp dạy cồng chiêng cho thanh-thiếu niên dân tộc thiểu số vào năm 2020, cuối năm 2021, phường tiếp tục mở lớp truyền dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống cho phụ nữ 3 làng: Chuét 1, Chuét 2 và Nha Prông. Bên cạnh hướng dẫn kỹ thuật dệt, chị em còn được tiếp cận với nhiều mẫu mã mới, phù hợp với thị hiếu nhằm thương mại hóa sản phẩm. Lớp học vừa kết thúc vào giữa tháng 5-2022. Phường cũng đã chủ động liên hệ với một số cửa hàng, địa điểm kinh doanh đồ lưu niệm trên địa bàn thành phố nhằm giúp người dân có thể quảng bá sản phẩm thổ cẩm đến với đông đảo người tiêu dùng. “Thời gian tới, bên cạnh vận động các làng tích cực tham gia các hoạt động văn hóa-văn nghệ do cấp trên tổ chức, phường dự kiến mở thêm lớp truyền dạy cách làm các nhạc cụ Jrai truyền thống vừa để bà con bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc, vừa tạo ra nguồn thu nhập từ việc sản xuất mặt hàng lưu niệm bán cho du khách”-ông Tùng thông tin thêm.
Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đạt yêu cầu đều được cấp chứng chỉ. Ảnh: Mộc Trà
Các học viên sau khi hoàn thành khóa học đạt yêu cầu đều được cấp chứng chỉ. Ảnh: Mộc Trà
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Xuân Hà-Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin TP. Pleiku-cho biết: Trước thực trạng văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số đang có nguy cơ mai một, chúng tôi thường xuyên tham mưu cho UBND thành phố tổ chức các lớp truyền dạy về cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát... cho người dân và thế hệ trẻ tại các xã, phường: Hoa Lư, Thắng Lợi, Trà Bá, Biển Hồ, Chi Lăng. Trung bình mở 1-2 lớp/năm, mỗi lớp có 30-40 học viên, do các nghệ nhân và già làng truyền dạy. Ngoài ra, thành phố cũng đã tặng 3 bộ cồng chiêng cho một số làng đồng bào dân tộc Jrai để họ có điều kiện duy trì việc tập luyện. Cùng với đó, tổ chức các hội thi, hội diễn văn hóa và quan tâm đầu tư các công trình, cơ sở vật chất để phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa của người dân.
“Các lớp truyền dạy và các hội thi, hội diễn do các cấp trong thành phố tổ chức đã thu hút đông đảo lực lượng đoàn viên, thanh thiếu nhi, phụ nữ... của các làng tích cực tham gia, tạo chuyển biến tích cực trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào Jrai. Thời gian đến, chúng tôi tham mưu UBND thành phố tiếp tục mở các lớp truyền dạy cồng chiêng, nghề truyền thống. Cùng với đó, tăng cường tổ chức các hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch cộng đồng; giới thiệu và quảng bá sản phẩm của địa phương đến đông đảo du khách gần xa”-ông Hà cho hay.
MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.