Đồ vật xưa cũ gợi nhớ miền ký ức

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với nhiều người thì việc sưu tầm đồ cũ, đồ cổ là “gàn dở” khi bỏ công sức và khối tài sản lớn để mang về những vật… vô tri. Tuy nhiên, những con người ấy vẫn miệt mài, thầm lặng, say sưa với đam mê níu giữ một miền ký ức, một không gian tinh thần xưa cũ mà lịch sử không thể quay trở lại.
Đam mê món đồ xưa cũ
Là tài xế với đồng lương ba cọc ba đồng nhưng ông Nguyễn Đức Chuyên (SN 1972, trú tại xã Ia Ma Rơn, huyện Ia Pa) luôn đam mê sưu tầm đồ cũ. Gian phòng khách rộng chừng 20 m2 của gia đình ông Chuyên hiện diện rất nhiều đồ vật từ thập niên 80-90 của thế kỷ trước. Những chiếc loa, cát xét, ti vi, máy chiếu bóng, đèn pin, máy nghe nhạc đĩa than, chiếc đèn dầu, bàn ủi con gà, điện thoại quay số, máy thông tin vô tuyến điện... khiến  ai cũng có thể mường tượng về một thời xưa cũ nhưng rất đỗi thân thuộc. Những chiếc ti vi đen trắng với màn hình chỉ bằng cuốn vở học sinh vào thời bao cấp được ông Chuyên nâng niu, lau chùi sạch bóng như mới. Nhìn chúng, chúng tôi bất giác nhớ về khung cảnh làng quê náo nhiệt mỗi tối tụ tập ở nhà có điều kiện nào đó để cùng xem một bộ phim hay một trận bóng đá.
Ông Nguyễn Đức Chuyên trong căn phòng chứa nhiều đồ vật hoài cổ được ông sưu tầm trong một thời gian dài. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Nguyễn Đức Chuyên trong căn phòng chứa nhiều đồ vật hoài cổ được ông sưu tầm trong một thời gian dài. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Chuyên từng học và biết chơi rất nhiều loại đàn như: guitar, đàn bầu, nhị, piano. Mở một bản nhạc trữ tình với bộ loa có tuổi đời trên 50 năm, ông bồi hồi: “Ngày nay, loa đài công nghệ phát triển đấy nhưng không hiểu sao tôi thấy âm thanh không “chất” được như trước. Thế nên tôi sưu tầm khá nhiều loa và máy phát nhạc cổ. Mỗi sáng mở vài bản nhạc du dương rồi nhâm nhi ly cà phê ngẫm lại chuyện cũ, thật không có gì hơn với một người lính vừa xuất ngũ trở về địa phương như tôi. Nhiều người bảo tôi gàn dở khi tha về những thứ như sắt vụn đồng nát, lại cũng nhiều người có cùng sở thích, ao ước có được nhưng tôi nhất quyết không bán dù trả giá cao. Với tôi quan trọng hơn cả là đời sống tinh thần, tôi cũng muốn lưu lại những giá trị để sau này con cháu hiểu về một thời gian khó của ông cha”. Sinh ra và lớn lên từ làng quê nghèo ở tỉnh Phú Thọ, với ông Chuyên, những chiếc ti vi, loa, điện thoại… từng là hàng xa xỉ mà ông hằng ao ước. Nó đánh dấu quãng thời gian đất nước chuyển mình từ giai đoạn bao cấp sang hội nhập và phát triển. Bởi thế, mỗi đồ vật đều gắn liền với đời sống của người dân trong giai đoạn lịch sử.
Ảnh: Phương Duyên
Triển lãm cổ vật “Nét xưa hội tụ” do Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà sưu tập tư nhân tổ chức tháng 1-2022 thu hút đông đảo khách tham quan. Ảnh: Phương Duyên
Để sở hữu một “bảo tàng mi ni”, không ít lần ông phải chạy vạy vay mượn anh em bạn bè để mua lại món đồ mình ưng ý. Cũng bởi vậy mà không ít người cho rằng sở thích của ông không giống ai, ngay cả người vợ chia ngọt sẻ bùi cũng có những thời điểm “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” vì đam mê của chồng. Bà Nguyễn Thị A thổ lộ: “Nhà chật nhưng ông ấy mang hết thứ này đến thứ khác về để kín cả phòng khách. Ban đầu, tôi cũng bất đồng dữ lắm vì gia cảnh không khá giả gì mà mua những thứ đó tốn rất nhiều tiền. Dần dà thấy ông đam mê quá, cả ngày ngồi mân mê, lau chùi nên tôi dần hiểu và tôn trọng sở thích của chồng”.
Được mệnh danh là “vua cổ vật” Phố núi, ông Ngô Ngọc Tám (SN 1957, trú tại phường Yên Thế, TP. Pleiku) cũng nhiều phen lâm vào cảnh nợ nần bởi đam mê sưu tầm những món đồ xưa cũ. Trong quán cà phê nhỏ mang tên “Hoài Cổ” ở mặt tiền quốc lộ 14, ông Tám xếp la liệt những món cổ vật từ chiêng, ghè, tẩu thuốc, ché Túk, trống cổ, gỗ hóa thạch, kiếm… Đó là thành quả của hàng chục năm mò mẫm kiếm tìm từ những ngôi làng ở Tây Nguyên cũng như nhiều tỉnh, thành khác. Với ông, sưu tầm cổ vật không chỉ là thỏa mãn ước mơ sở hữu những đồ mình ưng ý mà còn để hiểu hơn về phong tục tập quán của người dân tộc thiểu số nơi quê hương thứ 2 của mình.
Ông Ngô Ngọc Tám (phường Yên Thế, TP. Pleiku) đang sở hữu nhiều bộ cồng chiêng quý giá. Ảnh: Văn Ngọc
Ông Ngô Ngọc Tám (phường Yên Thế, TP. Pleiku) sở hữu nhiều bộ cồng chiêng quý giá. Ảnh: Văn Ngọc
Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa tìm đến “bảo tàng” của ông Tám để tìm hiểu, nghiên cứu. “Điều kiện gia đình tôi cũng chỉ đủ ăn. Vì đam mê đồ cổ nên nhiều lần tôi phải vay mượn, có món đổi ra 1 cây vàng, có món tương đương 100 con bò, có món đổi hơn 1 ha cà phê. Có lần tôi mang trang sức của vợ đi bán, lần khác thì thế chấp cả căn nhà đang ở để mua bằng được món đồ quý giá. Ban đầu, vợ tôi cũng lời ra tiếng vào nhưng dần dà thông cảm cho nhau. Hiện giờ, gia đình mở quán cà phê nho nhỏ để kiếm thêm đồng ra đồng vào, lắm lúc vẫn phải vay nếu muốn mua món đồ nào đó đắt tiền. Tôi chỉ sưu tầm chứ không buôn bán, nếu đam mê này mà gắn với kinh doanh thì chẳng còn mấy ý nghĩa”-ông Tám bộc bạch.
Lưu giữ giá trị lịch sử
Ngôi nhà lưu trữ cổ vật của anh Lê Tấn Khoang (SN 1979, làng Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) là một trong những “bảo tàng” đồ sộ nhất với khoảng 20.000 món đồ xưa cũ. Có lẽ bất kỳ ai ghé thăm ngôi nhà của anh Khoang cũng sẽ choáng ngợp trước không gian mang âm hưởng sử thi hào hùng. Những món đồ in dấu thời gian được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng. Anh đang sở hữu những món quý hiếm như: bình gốm Chu Đậu thời Trần, bình gốm Cây Mai, bộ sưu tập kiếm thời Tây Sơn; chiêng cổ của người Bahnar, Jrai…
Sau hơn 10 năm sưu tầm cổ vật, anh Khoang chiêm nghiệm: “Mỗi người có một sở thích riêng, nhưng muốn gắn bó với cổ vật thì người sưu tầm phải có niềm đam mê. Khi sưu tầm cổ vật, tôi tích lũy được rất nhiều kiến thức về văn hóa và lịch sử của dân tộc. Được sở hữu, nâng niu, ngắm nhìn những món đồ tồn tại qua nhiều thế kỷ, tôi có cảm giác rất đặc biệt, như có thể chạm tay vào quá khứ, như được tận hưởng không gian sử thi đầy hào hùng mà ông cha đã lưu truyền”. 
Ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh: “Gia Lai hiện có khoảng 40 nhà sưu tập với những mức độ và số lượng cổ vật khác nhau. Bảo tàng tỉnh trân quý và đánh giá rất cao các cá nhân đam mê sưu tầm đồ cổ. Thú chơi ấy góp phần gìn giữ, lan tỏa những di sản văn hóa-lịch sử của cha ông từ ngàn xưa. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà sưu tập tổ chức 3 triển lãm về cổ vật và sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này. Đồng thời, vận động các nhà sưu tập tự nguyện đóng góp, hiến tặng hiện vật và cố gắng tạo một sân chơi để gắn kết những người sưu tầm, chung tay bảo tồn những tinh hoa văn hóa-lịch sử của dân tộc”.

Ông Lê Tấn Khoang (làng Blo, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) bên bộ sưu tập cổ vật của mình. Ảnh: Phan Lài

Anh Khoang cũng đã tặng hàng trăm cổ vật cho Bảo tàng các tỉnh: Gia Lai, Đak Lak, Phú Yên, Quảng Bình. Bộ sưu tập trong ngôi nhà của anh Khoang luôn rộng cửa đón khách đến tham quan, tìm hiểu. 
“Tôi đang có một bảo tàng tư nhân trưng bày cổ vật ở tỉnh Phú Yên. Trung tâm UNESCO Nghiên cứu Bảo tồn cổ vật Việt Nam cũng đã cấp giấy chứng nhận đặt văn phòng liên lạc của Câu lạc bộ Nghiên cứu sưu tầm cổ vật tỉnh Gia Lai trong khuôn viên gia đình tôi. Tôi luôn ấp ủ ước mơ xây dựng một bảo tàng tư nhân tại Gia Lai để tiện cho mọi người đến tham quan. Tôi đang xin cấp thẩm quyền cho phép để xây dựng bảo tàng, đưa vào hoạt động trong thời gian sớm nhất”-anh Khoang cho biết. 
Anh Lê Tấn Khoang giới thiệu thông tin cổ vật cho người dân đến tham quan. Ảnh: Minh Nhật
Anh Lê Tấn Khoang giới thiệu thông tin cổ vật cho người dân đến tham quan. Ảnh: Minh Nhật

Ông Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh: “Gia Lai hiện có khoảng 40 nhà sưu tập với những mức độ và số lượng cổ vật khác nhau. Bảo tàng tỉnh trân quý và đánh giá rất cao các cá nhân đam mê sưu tầm đồ cổ. Thú chơi ấy góp phần gìn giữ, lan tỏa những di sản văn hóa-lịch sử của cha ông từ ngàn xưa. Bảo tàng tỉnh phối hợp với các nhà sưu tập tổ chức 3 triển lãm về cổ vật và sẽ tiếp tục triển khai hoạt động này. Đồng thời, vận động các nhà sưu tập tự nguyện đóng góp, hiến tặng hiện vật và cố gắng tạo một sân chơi để gắn kết những người sưu tầm, chung tay bảo tồn những tinh hoa văn hóa-lịch sử của dân tộc”. 

Cũng như anh Khoang, ông Tám đã không ít lần tặng hoặc sang nhượng lại cổ vật với giá rẻ cho Bảo tàng tỉnh Gia Lai dù kinh tế vẫn còn eo hẹp. Cuối tháng 2 vừa qua, ông Tám cùng 10 nhà sưu tập tư nhân đã trao tặng 120 hiện vật cho Bảo tàng tỉnh, trong đó, ông Tám tặng một bộ nồi đất cổ với 6 món của người Bahnar. Những cuộc triển lãm do Bảo tàng tỉnh tổ chức, ông Tám cũng sẵn sàng mang cổ vật mà mình nâng niu, cất giữ đến trưng bày để công chúng thưởng ngoạn.
“Tôi luôn sẵn lòng trao tặng hoặc chia sẻ những món cổ vật trong bộ sưu tập của mình. Tôi rất vui khi nhiều người, nhất là các em học sinh có dịp đến với triển lãm đã tò mò, cuốn hút và trầm trồ bởi những hoa văn tinh xảo hay những câu chuyện văn hóa, lịch sử gắn với từng món cổ vật. Với những người sưu tầm như chúng tôi, đó là một niềm vui khôn tả vì đã góp phần lưu giữ những tinh hoa văn hóa do cha ông sáng tạo, góp phần khơi dậy niềm tự hào về văn hóa, lịch sử dân tộc cho lớp trẻ”-ông Tám thổ lộ. 
Ảnh:

Ông Nguyễn Văn Hưng (tổ 6, thị trấn Chư Prông) có nhiều bộ sưu tập vòng đeo tay bằng kim loại. Ảnh: Nguyễn Quang Tuệ

Còn ông Chuyên cùng bạn bè tại huyện Ia Pa và thị xã Ayun Pa hiện duy trì nhóm đờn ca tài tử. Gian phòng như một “bảo tàng mini” của ông Chuyên được sử dụng để nhóm quay những video biểu diễn các tiết mục gửi đến bạn bè gần xa. “Những giai điệu hay câu hát đờn ca đang xa dần trong nền âm nhạc hiện đại. Vì vậy, tôi dự định thiết kế không gian rộng hơn, bài trí thẩm mỹ hơn để làm nơi sinh hoạt, giao lưu của những người có cùng đam mê. Đồng thời là nơi lưu giữ ký ức về một thời gian khó mà chúng tôi đã trải qua. Đờn ca tài tử phải vang lên trong gian phòng với những đồ vật xưa cũ mới đúng vị. Hy vọng nhiều bạn trẻ cũng sẽ ưa thích dòng nhạc và không gian này để không bị thất truyền”-ông Chuyên trầm ngâm.
Dẫu cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng những người “hoài cổ” như ông Chuyên, ông Tám hay anh Khoang vẫn lặng thầm gìn giữ di sản văn hóa ghi dấu hành trình phát triển của dân tộc qua những món đồ xưa cũ.
VĂN NGỌC - PHAN LÀI

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.