Lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui: Cơ hội quảng bá văn hóa bản địa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với niềm tin vào sức mạnh của Vua Lửa và thanh gươm thần, lễ cúng cầu mưa đã trở thành nét văn hóa tín ngưỡng kéo dài hàng thế kỉ của đồng bào Jrai huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai). Việc kết hợp lễ hội với các hoạt động văn hóa, thể thao, kết nối với các điểm tham quan, du lịch đã tạo cơ hội quảng bá hình ảnh thiên nhiên, con người, nét đẹp văn hóa đồng bào dân tộc tại chỗ đến với du khách gần xa.
Linh thiêng, huyền bí
Mặc dù chưa được truyền ngôi nhưng từ khi Vua Lửa thứ 14 qua đời cách đây hơn 20 năm, ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa đời thứ 14 đã được dân làng Plei Ơi (xã Ayun Hạ) coi như thế thân của Vua Lửa. Vì vậy, hàng năm, cứ vào cao điểm mùa khô, ông lại đại diện dân làng thực hiện nghi thức cúng cầu mưa mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, dân làng được no đủ. Nghi lễ được thực hiện trên núi Chư Tao Yang. Theo truyền thuyết, đây là ngọn núi rất linh thiêng, vậy nên ngày thường không ai dám lên ngọn núi này. Nghi thức được tổ chức tại một khoảng đất trống trên núi. Ngoài thế thân vua lửa, 5 người giúp việc thì số lượng khách mời được lên núi chứng kiến rất hạn chế để đảm bảo tính linh thiêng, sự tôn trọng với các vị thần.
Ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa thứ 14 thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên núi Chư Tao Yang. Ảnh: Vũ Chi
Ông Rơ Lan Hieo-phụ tá Vua Lửa thứ 14 (đứng) thực hiện nghi lễ cúng cầu mưa trên núi Chư Tao Yang. Ảnh: Vũ Chi
Con đường lên núi hẹp và dốc. Ông Rơ Lan Hieo dẫn đầu đoàn người, các phụ tá đi theo sau. Đồ cúng, chiêng trống đã được chuẩn bị, bày biện sẵn. Ngồi trước mâm lễ vật, ông bắt đầu thực hiện nghi lễ. Không khí linh thiêng, chỉ có tiếng gió thổi xào xạc xen lẫn tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Miệng vừa khấn vái, ông từ từ ngồi dậy múa theo nhịp chiêng. Các phụ tá bên cạnh hỗ trợ, phối hợp với ông nhịp nhàng. Uống nghè rượu, nhấp miếng thịt cúng, ông múc một chén rượu đầy hất lên không trung mời các vị thần.
Sau khi kết thúc phần lễ cúng cầu mưa, các trai tráng trong làng sinh hoạt văn nghệ trong không gian cồng, chiêng rộn ràng, đầy màu sắc. Ảnh: Đức Thụy
Sau khi kết thúc phần lễ cúng cầu mưa là phần sinh hoạt không gian cồng chiêng rộn ràng, đầy màu sắc. Ảnh: Đức Thụy
Nhiều gian hàng trưng bày đặc sản địa phương như chả cá thác lác, rượu ghè, trái cây…
Các già làng cùng hòa tấu giai điệu trầm hùng bên bộ chiêng cổ. Ảnh: Đức Thụy
Tuổi đã cao, tóc đã ngả màu, thế thân Vua Lửa thỉnh thoảng lại đưa tay đấm lưng thùm thụp. Để đề phòng bất trắc, bài cúng của ông đã được ghi âm lại để sau này truyền lại cho người khác, không để văn hóa truyền thống bị mai một. Yếu tố tâm linh vẫn luôn mang tính thần bí, khó lý giải. Với người dân Plei Ơi nói chung và người dân Phú Thiện nói chung, Vua Lửa là cầu nối giữa thần linh với con người. Vì vậy, tuy đã có công trình đại thủy nông Ayun Hạ, nguồn nước tưới cho cây trồng dồi dào, song lễ cúng cầu mưa vẫn được tổ chức định kỳ hàng năm mang theo kỳ vọng của con người về một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt.
Thế thân Vua Lửa Rơ Lan Hieo cho hay: “Mặc dù tuổi đã cao nhưng người dân tín nhiệm nên tôi vẫn cố gắng đại diện dân làng gửi lời cầu khấn đến các vị thần. Rất mừng vì hiện nay các cấp, các ngành đều nỗ lực lưu giữ nét văn hóa tín ngưỡng độc đáo này của đồng bào Jrai. Hy vọng sau này tôi có khuất núi thì dân làng sẽ bầu ra người kế nhiệm, để truyền thống văn hóa dân tộc không bị mai một”.
Cơ hội giao lưu, quảng bá du lịch
Lễ hội cầu mưa năm nay tại huyện Phú Thiện được kết nối đến nhiều địa điểm du lịch tiềm năng của huyện như hồ sen Ia Yeng, làng Plei Rbai, hồ thủy điện Ayun Hạ và chùa Quang Sơn để du khách tham quan, trải nghiệm. Là địa phương có nhiều dân tộc cùng chung sống như Tày, Nùng, Thái, đây còn là dịp để đồng bào các dân tộc thiểu số tại chỗ giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau và cũng là cơ hội quảng bá nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình tới du khách. 
Các nghệ nhân múa xoang tự tin theo nhịp chiêng. Ảnh: Đức Thụy
Các nghệ nhân múa xoang uyển chuyển theo nhịp chiêng. Ảnh: Đức Thụy
Đến tham dự Hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số tại lễ cầu mưa, chị Hoàng Thị Lá (thôn Sơn Bình, xã Ayun Hạ) biểu diễn tiết mục hát then, đàn tính của dân tộc Tày với ca khúc “Trăng soi đường Bác”. Mặc trên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình, chị Lá vui vẻ cho biết: Đây là lần thứ 3 chị tham gia hội thi văn hóa thể thao các dân tộc thiểu số của huyện, nhưng cảm xúc mỗi lần rất khác nhau, không khí hội thi mỗi lần cũng khác biệt. Hội thi năm nay do được tổ chức cùng với lễ cúng cầu mưa của huyện nên du khách đến tham dự rất đông, không khí hội thi vì vậy sôi nổi hơn rất nhiều. “Tuy đã vào Gia Lai xây dựng kinh tế mới hơn 20 năm nhưng bà con dân tộc Tày ở Ayun Hạ vẫn cố gắng lưu giữ nét văn hóa truyền thống của mình. Hát bài hát bằng 2 thứ tiếng Tày và Kinh, chúng tôi mong muốn giới thiệu đến tất cả du khách nét đẹp văn hóa của dân tộc mình”-chị Lá chia sẻ. 
Du khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng ẩm thực của huyện. Ảnh: Vũ Chi
Du khách tham quan, mua sắm tại các gian hàng ẩm thực của huyện. Ảnh: Vũ Chi
Vượt quãng đường hơn 500 km từ TP. Hồ Chí Minh tới tham dự lễ cúng cầu mưa tại Plei Ơi, chị Bùi Thị Ngân (phường 12, quận Bình Thạnh) bộc bạch: “Được một người bạn giới thiệu, tôi cùng một số người bạn quyết định đến Gia Lai trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 năm nay để tham dự các lễ hội tại địa phương. Tôi rất háo hức vì đây là lần đầu tiên được tham dự lễ cúng cầu mưa, được chứng kiến các tiết mục văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Phú Thiện. Hơi tiếc một chút vì nghi lễ cúng được tổ chức trên núi nên giới hạn khách tham dự. Nhưng thay vào đó, tôi được tham quan trải nghiệm tại nhiều điểm du lịch hấp dẫn. Biết được cảnh đẹp ở đây rồi, tôi sẽ quay trở lại vào một dịp gần nhất”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Ngọc Ngô-Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện-cho hay: Có thể nói, lễ cúng cầu mưa Yang Pơtao Apui năm nay của huyện có sự kết hợp của cả 3 yếu tố thiên thời-địa lợi-nhân hòa nên du khách gần xa tới tham dự rất đông. Thời tiết mát mẻ thuận lợi cho du khách tham quan, trải nghiệm, hòa mình vào không khí lễ hội của địa phương. Nhờ có sự vào cuộc của tất cả các ban, ngành, đoàn thể, lễ hội đã được tổ chức rất chu đáo. Khác với năm 2019, lễ cúng cầu mưa được tổ chức trên núi Chư Tao Yang nên không có nhiều du khách được tham gia. Trong thời gian tới, kế hoạch của huyện là đầu tư camera và màn hình lớn để tất cả mọi người đều có thể chứng kiến lễ cúng từ xa. Đây là cơ hội để huyện Phú Thiện quảng bá nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc tại chỗ, tiềm năng phát triển du lịch để kêu gọi các nhà đầu tư, góp phần phát triển ngành kinh tế "không khói" trên địa bàn huyện.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.