Đình cổ An Mỹ kêu cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Hàng trăm năm qua, đình An Mỹ (xã Phú An, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) là nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của người dân. Hiện nay, nhiều hạng mục công trình đã xuống cấp nghiêm trọng, cần được trùng tu, tôn tạo.
Trăm năm đình cổ
Theo các cụ trong Ban Quản lý đình An Mỹ, ngôi đình được xây dựng cách đây hơn 200 năm. Tương truyền, để ghi nhớ công đức to lớn của vị Anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung-Nguyễn Huệ, đồng thời làm nơi thờ cúng, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng của người dân, dân làng An Mỹ đã đóng góp công sức, vật liệu xây dựng đình. Ngôi đình dựng trên gò đất có nhiều cây to, cách gò điểm khoảng 500 m-nơi nghĩa quân Tây Sơn dừng chân, kiểm đếm quân số, trước khi tiến xuống đồng bằng. Ban đầu, đình cất bằng tranh tre nứa lá. Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi đình cổ có kiến trúc như ngày nay.
Ông Nguyễn Mùi-thành viên Ban Quản lý đình-cho biết: Gia đình ông lên An Khê lập nghiệp và ở làng An Mỹ (nay là tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê). Năm 1920, bố ông (ông Nguyễn Lương) làm Phó Chánh tổng quận Tân An. Thấy đình xuống cấp, ông đã ủng hộ gạch và vận động bà con chung tay xây dựng đình An Mỹ khang trang, bề thế.
Chính điện, nhà tiền nhơn đình An Mỹ (xã Phú An, huyện Đak Pơ) xuống cấp làm ảnh hưởng đến việc tế lễ của người dân. Ảnh: Ngọc Minh
Chính điện, nhà tiền nhơn đình An Mỹ (xã Phú An, huyện Đak Pơ) xuống cấp làm ảnh hưởng đến việc tế lễ của người dân. Ảnh: Ngọc Minh
Năm 1945, giặc Pháp đốt làng phá xóm, đình An Mỹ bị thiêu rụi, trong đó có sắc phong và nhiều giấy tờ, đồ cúng tế bị cháy. Dân làng An Mỹ di tản về Tây Sơn (tỉnh Bình Định) ở tạm. Đến năm 1954, người dân quay lại khôi phục sản xuất, ông Lương cùng mọi người góp sức xây dựng lại đình trên nền cũ. Do đời sống còn khó khăn nên đình dựng bằng vách đất, mái lợp lá. Năm 1957, Ban Quản lý đình An Mỹ được thành lập để lo việc quản lý tôn tạo đình; tổ chức tế lễ, cúng kính, nhang đèn. “Từ năm 1966 đến năm 2014, dân làng đóng góp xây dựng đình, nhà tiền nhơn và nhà nhóm như hiện nay”-ông Mùi nói.
Ông Hồ Văn Lại-Trưởng ban Quản lý đình-cho hay: Hiện trong khuôn viên đình An Mỹ còn 2 cây kơ nia, 1 cây lộc vừng cổ thụ có từ trước khi thành lập đình và 1 chiếc thau đồng, 1 chiếc chiêng cổ phục vụ cho việc cúng tế. “Đặc biệt, tôi đang giữ 1 cuốn sổ ghi chép chi tiết ngày, tháng, năm, tên từng người ủng hộ, đóng góp của cải, công sức xây dựng đình và 1 bản bằng chữ Hán-Nôm của các cụ truyền lại. Chúng tôi rất mong có nhà sử học dịch giúp những nội dung được chép trong cuốn này”-ông Lưu chia sẻ.
Nhiều hạng mục xuống cấp nghiêm trọng
Cuối năm 2003, khi chia tách huyện, toàn bộ ruộng nương, đình miếu của người dân khóm 13 (thị trấn An Khê, nay là tổ 3, phường An Phú, thị xã An Khê) thuộc về thôn An Phong, xã Phú An, huyện Đak Pơ. Phó Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng tổ dân phố 3 Phạm Khương Thái cho biết: Từ khi chia tách, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn trong việc tôn tạo đình An Mỹ. “Mấy năm qua, nhà chính điện xuống cấp, tường nhà tiền nhơn bị nứt nẻ, rui mè bị mối mọt ăn hư hỏng nghiêm trọng, chúng tôi phải lấy cây chống đỡ. Bà con đến cúng lễ cũng không giấu nổi sự lo lắng. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp và vướng mắc trong địa giới hành chính nên việc trùng tu, tôn tạo đình chưa thể thực hiện, ảnh hưởng đến hoạt động văn hóa tín ngưỡng của người dân. Chúng tôi mong chính quyền địa phương và ngành chức năng có giải pháp hỗ trợ”-ông Thái nói.  
Hiện nay, khu vực đình An Mỹ, xã Phú An, huyện Đak Pơ còn 3 cây cổ thụ có trước khi thành lập đình. Ảnh: Ngọc Minh
Hiện nay, khu vực đình An Mỹ (xã Phú An, huyện Đak Pơ) còn 3 cây cổ thụ có trước khi thành lập đình. Ảnh: Ngọc Minh
Hàng năm, tại đình An Mỹ diễn ra một số hoạt động như: cúng Tết Nguyên đán vào ngày mùng 1 Tết, ngày 10 tháng Giêng cúng Khai Sơn, ngày 11-2 Âm lịch cúng Quý Xuân, cầu quốc thái dân an, mùa màng bội thu, đời sống nhân dân ấm no, an lành, hạnh phúc. “Vào những dịp cúng tế, đại diện lãnh đạo UBND xã và người dân tổ dân phố 3 tập trung về đình trước cúng tạ thần linh, các bậc tiền nhân có công xây dựng làng, sau thụ lộc, quây quần, trò chuyện chia sẻ kinh nghiệm làm ăn”-ông Thái cho hay.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thanh Hiền-Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Đak Pơ-cho biết: Thời gian tới, Phòng phối hợp với các xã và Ban Quản lý đình, miếu xây dựng kế hoạch, lập hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích. Trước khi được công nhận là di tích, Ban Quản lý đình, miếu và người dân cố gắng bảo tồn, giữ nguyên hiện trạng, không làm biến dạng công trình làm ảnh hưởng đến việc xây dựng hồ sơ sau này. Khi được công nhận là di tích sẽ có nguồn kinh phí để tôn tạo, nâng tầm giá trị di tích.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.