Nặng lòng với văn hóa truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Trăn trở trước thực trạng các giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một, nghệ nhân Kpuih Nhoaih (làng Iắt, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã bỏ tiền sưu tầm và lưu giữ những bộ chiêng quý. Không những vậy, ông còn truyền lại cách đánh chiêng cho thế hệ trẻ với mong muốn họ sẽ tiếp nối người lớn gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc.
Biết chúng tôi tới thăm để được “mục sở thị” những bộ chiêng quý của gia đình, ông Nhoaih mang sẵn chúng ra đặt ngay ngắn giữa phòng khách rồi cẩn thận lau chùi từng chiếc. Ông bảo rằng, cả làng chỉ còn 2 bộ chiêng này. Mỗi lần có việc, làng đều mượn để sử dụng. Một số làng lân cận không có cồng chiêng cũng thường xuyên tìm tới mượn khi có lễ hội.
Nói về nguồn gốc của 2 bộ chiêng này, ông Nhoaih cho biết, chúng được ông mua lại với giá 120 triệu đồng từ 1 hộ dân trong xã cách đây đã hơn chục năm. Thời điểm ấy, số tiền này là rất lớn. Dù vậy, ông vẫn không tỏ ra hối tiếc. Bởi lẽ, ông luôn trăn trở trước việc làng không còn bộ cồng chiêng nào, đám trẻ chỉ thích nghe nhạc hiện đại và không ai biết đánh cồng chiêng. Sau nhiều lần bàn bạc với vợ, cuối năm 2010, ông quyết định bán 2 con bò cùng với gần 3 tấn cà phê nhân vừa thu hoạch để đổi lấy 2 bộ chiêng này. Những năm gần đây, nhiều người tìm tới hỏi mua lại 2 bộ chiêng với giá cao nhưng ông đều từ chối. “Tôi biết đánh chiêng từ khi còn nhỏ nhờ những lần đi theo bố tập đánh với người lớn. Sau này, nhờ đánh thuần thục, tôi được tham gia đội cồng chiêng của làng biểu diễn trong các lễ hội, sự kiện văn hóa của xã. Kể từ đó, tiếng cồng chiêng như một âm thanh thiêng liêng thấm vào máu thịt khiến tôi đam mê và muốn gìn giữ. Tôi cũng thường xuyên lui tới nhà các nghệ nhân để học cách chỉnh chiêng”-ông Nhoaih bày tỏ.
Ông Kpuih Nhoaih bên cạnh bộ chiêng của mình. Ảnh: Nhật Hào
Ông Kpuih Nhoaih bên cạnh bộ chiêng của mình. Ảnh: Nhật Hào
Đặc biệt, những năm gần đây, khi xã Ia Boòng chú trọng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa truyền thống, ông càng tích cực vận động thanh-thiếu niên tham gia tập đánh cồng chiêng. Bản thân ông cùng với một số người lớn trong làng trực tiếp hướng dẫn thế hệ trẻ cách sử dụng loại nhạc cụ dân tộc này. Anh Rơ Lan Nui chia sẻ: “Nhờ được ông Nhoaih truyền dạy, tôi và nhiều bạn trẻ khác đã biết đánh cồng chiêng và ai cũng đều rất vui khi được tham gia cùng đội cồng chiêng của làng biểu diễn tại các sự kiện của địa phương”. Còn anh Rơ Mah Pum thì bày tỏ: “Đến nay, làng đã có một đội cồng chiêng 20 người, bao gồm cả người lớn, thanh niên và các em nhỏ. Đội cồng chiêng của làng đã đánh thành thục nhiều bài chiêng hay. Tới đây, khi dịch Covid-19 được khống chế, làng sẽ thành lập đội cồng chiêng “nhí” nhằm gìn giữ văn hóa cồng chiêng của dân tộc”.
Ông Nhoaih còn duy trì nghề đan gùi và dạy lại cách đan gùi cho các con rể để chúng gìn giữ nghề truyền thống này. Ảnh: Nhật Hào
Ngoài gìn giữ cồng chiêng, ông Kpuih Nhoaih còn duy trì nghề truyền thống của dân tộc như đan gùi. Ảnh: Nhật Hào
Ngoài gìn giữ cồng chiêng, ông Nhoaih còn duy trì các nghề truyền thống của dân tộc như đan gùi và làm trống da bò. Căn nhà của ông vì thế trở thành nơi người dân thường xuyên lui tới đặt mua những chiếc gùi, cái trống để phục vụ sinh hoạt gia đình. Ông Nhoaih cho biết, việc duy trì nghề đan gùi, làm trống không chỉ để phục vụ cho gia đình hay bán kiếm thêm thu nhập mà còn giúp người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ biết tới những nghề truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Từ đó, họ biết trân trọng và tham gia gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống quý báu này.
Ông Phạm Ngọc Toàn-Bí thư Đảng ủy xã Ia Boòng-cho hay: Ông Kpuih Nhoaih rất tích cực truyền dạy cách đánh cồng chiêng cho người dân trong làng, nhất là thế hệ trẻ, góp phần cùng xã thành lập và duy trì 11 đội cồng chiêng, trong đó có 5 đội cồng chiêng “nhí”. Không chỉ quan tâm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, ông còn gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình, tích cực cùng địa phương tham gia xây dựng nông thôn mới. Vừa qua, ông đã hiến hơn 500 m2 đất để làm đường vào khu sản xuất của làng.
NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.