Hway gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Năm 2011, một số chị em phụ nữ ở làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) cùng nhau thành lập tổ dệt thổ cẩm. Qua 10 năm hoạt động, tổ đã thu hút nhiều hội viên, phụ nữ tham gia, góp phần bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống.
Chị Đinh Thị Mắc-Tổ trưởng tổ dệt thổ cẩm làng Hway-cho hay: “Nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Bahnar, năm 2011, chúng tôi đã tập hợp 25 hội viên phụ nữ để thành lập tổ dệt thổ cẩm của làng”. Tham gia tổ dệt, các thành viên có cơ hội trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, người biết nhiều chỉ cho người biết ít, người biết ít bày cho người chưa biết. “Việc chia sẻ kinh nghiệm không những truyền cảm hứng mà còn phát huy tính sáng tạo để mọi người dệt ra các sản phẩm như: váy, áo, khố, tấm đắp, tấm địu con, túi đựng đồ ngày càng đẹp hơn. Đặc biệt, nhờ tham gia tổ dệt thổ cẩm mà nhiều chị em biết dệt họa tiết, hoa văn khó”-chị Mắc nói.
Mắt hướng vào những họa tiết ở đường viền chân váy, chị Đinh Thị Tiêu bộc bạch: “Trước đây, tôi chỉ biết dệt trơn, chưa biết cách tạo hoa văn. Khi được các bà, các chị chỉ bảo, tôi mới biết dệt một số họa tiết khó và biết cách phối màu hợp lý. Từ đó, áo váy dệt ra ngày càng bắt mắt hơn. Những kinh nghiệm mà bản thân tích lũy được, tôi chia sẻ với bạn bè, truyền lại cho con gái để nghề dệt thổ cẩm tiếp tục được bảo tồn, phát huy”.
Nhờ tham gia tổ dệt thổ cẩm làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ), tay nghề của chị Đinh Thị Tiêu ngày càng nâng cao. Ảnh: Ngọc Minh
Nhờ tham gia tổ dệt thổ cẩm làng Hway (xã Hà Tam, huyện Đak Pơ), tay nghề của chị Đinh Thị Tiêu ngày càng nâng cao. Ảnh: Ngọc Minh
Với mong muốn gìn giữ nghề dệt thổ cẩm truyền thống, nhiều năm nay, bà Đinh Thị Blăng rất tích cực chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên trong tổ dệt của làng. Bà cũng dệt nhiều loại váy, áo kích cỡ khác nhau tặng con cháu, người thân. Bà tâm sự: “Mẹ tôi bảo con gái phải biết dệt trang phục cho mình và chồng con. Vì thế, từ khi còn bé, tôi đã được bà hướng dẫn cách se sợi, dệt vải. 10 tuổi, tôi đã biết dệt trơn. Không lâu sau đó thì biết dệt những họa tiết khó. Mẹ tôi truyền dạy ra sao, giờ tôi làm y như vậy. Tôi hy vọng thế hệ con cháu tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc mình”.
Theo chị Đinh Thị Mắc, những năm qua, các thành viên tổ dệt thổ cẩm đã nỗ lực học hỏi, bảo tồn nghề dệt. Tuy nhiên, phần lớn sản phẩm làm ra chưa có nơi tiêu thụ. Trong khi đó, cuộc sống của các thành viên còn khó khăn, phải tập trung lao động sản xuất. Đây cũng là lý do khiến nghề dệt chưa được xem trọng, có nguy cơ mai một, thất truyền. “Thời gian tới, các cấp chính quyền cần hỗ trợ tìm kiếm thị trường, tạo điều kiện để chị em nâng cao tay nghề, đa dạng sản phẩm nhằm đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, từ đó góp phần nâng cao thu nhập”-chị Mắc bày tỏ.
Bà Đinh Thị Blăng (làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) dệt ra nhiều váy, áo tặng con cháu, người thân như một cách gìn giữ nghề dệt thổ cẩm của ông cha. Ảnh: Ngọc Minh
Bà Đinh Thị Blăng (làng Hway, xã Hà Tam, huyện Đak Pơ) hy vọng thế hệ con cháu tiếp tục bảo tồn và phát huy nghề dệt truyền thống của dân tộc. Ảnh: Ngọc Minh
Hway là 1 trong 4 làng nằm trong quy hoạch du lịch của tỉnh. Hơn 8 năm trước, làng được đầu tư xây dựng cụm nhà rông, nhà khách và nhà dệt thổ cẩm. Đây là động lực để dân làng phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, trong đó có nghề dệt thổ cẩm. Bà Trương Thị Thiên Lý-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Pơ-thông tin: “Nhằm bảo tồn và phát huy nghề dệt thổ cẩm ở làng Hway, vừa qua, UBND huyện đã xuất ngân sách 69 triệu đồng để mua máy may, khung dệt và thuê nghệ nhân về hướng dẫn các thành viên những kỹ thuật mới trong việc dệt, may ráp sản phẩm. Qua đó, chị em có cơ hội nâng cao tay nghề, sản xuất ra các sản phẩm nhanh, đẹp hơn”.
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Công Thư-Chủ tịch UBND xã Hà Tam-cho biết: “Thời gian qua, các cấp, các ngành đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho làng Hway, trong đó chú trọng đầu tư cơ sở vật chất phục vụ nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Chúng tôi cũng giao cho Đoàn Thanh niên, Hội Liên hiệp phụ nữ tuyên truyền, vận động người dân duy trì nghề dệt thổ cẩm. Mặc dù vậy, nghề này đến nay mới chỉ dừng ở mức gìn giữ, chưa thể phát huy. Thời gian tới, xã tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, hội, đoàn thể huyện tìm đầu ra cho sản phẩm; đồng thời vận động người dân tham gia các lớp dạy nghề dệt thổ cẩm để nâng cao tay nghề, khôi phục làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái đồi thông”.
NGỌC MINH

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.