Giữ gìn bến nước...

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Ngày xưa, người Êđê chọn nơi lập buôn gần rừng đầu nguồn vì ở đó sẽ có nguồn nước tuôn chảy ngày đêm, không bao giờ cạn.

Để giữ cho dòng nước luôn chảy và đảm bảo sạch, có thể sử dụng trong sinh hoạt hằng ngày, nhiều buôn làng có ý thức bảo vệ môi trường rất cao. Với họ, bảo vệ môi trường khu vực đầu nguồn nước chính là cách để giữ gìn bến nước – nguồn sống của buôn làng.

Chị Nguyễn Thị Kiều Phương (TP. Buôn Ma Thuột) lấy chồng người Êđê. Sống ở trung tâm thành phố nên chị rất muốn con cháu chị hiểu biết đời sống ở buôn làng. Mỗi khi có dịp chị lại đưa cả nhà về thăm các buôn làng vùng ven thành phố. Nơi đó, con cháu chị thông qua lời kể của ông bà, cha mẹ mà tận mắt chứng kiến, mà hiểu được những gì thuộc về nguồn cội.

Điểm đến mà chị Phương thích nhất là thăm các bến nước của các buôn làng. Mẹ chồng chị Phương là cụ Atul Ly thuở nhỏ bà sống ở buôn Sút Mđưng (huyện Cư M’gar). Bà kể, ngày đó, cứ vào mỗi sáng sớm hay chiều muộn, bến nước buôn Sút Mđưng luôn nhộn nhịp. Dưới gốc cây cổ thụ già là vũng nước trong vắt được bà con đặt vào đó những ống tre già dài cả mét để dẫn nước ra ngoài. Dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy qua miếng xơ mướp già để ở đầu miệng ống tre nhằm lọc bỏ những cặn bẩn, dòng nước nhỏ đổ xuống mặt đá tảng, xuống mặt miếng gỗ to… tạo ra âm thanh nghe như tiếng nhạc.

Mỗi lần đi lấy nước là cụ Atul Ly mang theo than bếp, đập nhỏ thành bột mịn, sau đó dùng xơ mướp chà lên quả bầu, để một lúc cho thấm than đen, rồi mới rửa. Cứ mỗi lần lấy nước đều làm như thế, quả bầu sẽ giữ được màu đen bóng, trông rất đẹp mắt. Nước lấy từ mạch đầu nguồn đựng trong quả bầu nên giữ được độ mát rất lâu. Bao giờ cũng vậy, lấy nước xong thì người ta mới tính đến việc tắm giặt. Biết bao câu chuyện buồn vui của buôn làng đã diễn ra tại bến nước mát mẻ, rợp bóng cây này. Thế nên bến nước vẫn được bà con trồng thêm cây nhỏ, bảo vệ cây to, thường xuyên nhặt rác, giữ gìn cảnh quan bến nước xanh, sạch, đẹp khiến người gần, kẻ xa muốn tìm đến tham quan, để tận tay hứng từng ngụm nước và để được nghe những câu chuyện  chưa xa. Nơi ấy có không gian yên tĩnh với chim hót, cổ thụ trăm tuổi, lan rừng đeo bám... và cả những điều chưa biết về các nghi lễ cúng bến nước, nét đẹp văn hóa của người Tây Nguyên.

 

 Chị Kiều Phương (bìa trái) thường đưa bạn bè, đồng nghiệp về thăm bến nước tại buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.
Chị Kiều Phương (bìa trái) thường đưa bạn bè, đồng nghiệp về thăm bến nước tại buôn Kli A, phường Đạt Hiếu, thị xã Buôn Hồ.


Cùng với tốc độ đô thị hóa, tình trạng lấn chiếm đất đã khiến diện tích rừng đầu nguồn ở một số bến nước bị thu hẹp. Nhằm khắc phục tình trạng này, một số địa phương đã có giải pháp thu hồi lại đất rừng bị lấn chiếm, quy hoạch lại diện tích đất rừng đầu nguồn và đưa bến nước vào danh mục kế hoạch sử dụng đất công. Như ở phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ), hiện nay diện tích rừng đầu nguồn bến nước ở buôn Kli A chỉ còn khoảng 0,1 ha.

Theo Bí thư Đảng ủy phường Đạt Hiếu Nguyễn Thị Trúc cho biết, chính quyền địa phương đang đẩy nhanh tiến độ để thu hồi 0,8 ha đất xung quanh khu vực bến nước về cho Nhà nước quản lý, đầu tư và bảo vệ nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của bến nước và rừng đầu nguồn tại khu vực này.

Ở nhiều nơi, bà con các buôn làng cũng đang trồng thêm cây xanh để khôi phục bến nước. Từ đó, nhiều bến nước xưa đã được khôi phục hoạt động trở lại. Đáng nói hơn là nó còn được bảo vệ nghiêm ngặt bởi cộng đồng người dân. Khách đến thăm chơi bến nước sẽ được bà con nơi này nhắc nhở không được mang theo các chất thải rắn (như chai nhựa, bao bì cứng, túi ni lông, hộp thiếc...) và cả hút thuốc lá.

Dù mỗi nhà đã có nước giếng và nước máy để sử dụng nhưng bà con nhiều buôn vẫn giữ thói quen mỗi ngày hai buổi sáng, chiều đều xuống bến gùi nước về uống trực tiếp. Dẫu hôm nay người ta ít thấy các bà, các cô lấy nước trong những quả bầu đen bóng vì dụng cụ đựng nước đã tiện dụng hơn xưa. Song, bến nước thì vẫn mát rượi bóng cây, ngọt lành dòng nước như nó vốn thế. Khách đến tham quan bến nước ai cũng muốn lấy một chai nước đầu nguồn mang về dùng thử. Ai cũng tin rằng nước đầu nguồn pha trà sẽ xanh hơn, chế cà phê sẽ thơm hơn nước máy rất nhiều…

https://baodaklak.vn/van-hoa-du-lich-van-hoc-nghe-thuat/202108/giu-gin-ben-nuoc-ffe4e68/

Theo XUÂN HÒA (baodaklak)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.