Độc đáo sách lá của người Khùa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Người Khùa (thuộc dân tộc Bru - Vân Kiều) cư trú chủ yếu ở thượng nguồn sông Gianh thuộc địa phận hai xã biên giới Dân Hóa và Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Người Khùa có nhiều nét văn hóa đặc sắc, trong đó đặc biệt là sách lá – được xem là báu vật hàng trăm năm nay của người Khùa.
 


Những bộ sách lá vô giá còn sót lại

 Người Khùa vốn không có chữ viết nên trước khi được học chữ quốc ngữ, họ phải vay mượn chữ viết của các tộc người khác. Chính những quyển sách lá này là nơi lưu giữ vốn văn hóa, lịch sử của họ để truyền lại cho thế hệ con cháu.

 

 Bộ sách lá của người Khùa
Bộ sách lá của người Khùa.


Hiện nay, hai quyển sách lá cuối cùng của tộc người Khùa ở Minh Hóa (Quảng Bình) vẫn còn được lưu giữ. Một quyển dài khoảng 50 cm, có 150 trang, mỗi trang rộng chừng 5 cm, có 5 dòng chữ viết; quyển còn lại dài khoảng 60 cm, có 200 trang, mỗi trang có 4 dòng chữ viết. Hai bìa sách được làm bằng hai thanh gỗ hình mái nhà và được trang trí rất công phu.

Người Khùa dùng dây để xâu các trang sách lại với nhau. Điều đặc biệt là loại sách lá này có thể ngâm trong nước mưa mấy ngày liền vẫn không phai, nhòe chữ viết. Không biết bộ sách lá có từ bao giờ, nhưng những dòng chữ cổ viết trên các mảnh lá rừng vẫn còn đậm màu và rõ nét.

Nội dung chứa đựng kiến thức uyên thâm

Một số cụ cao niên người Khùa cho biết, những bộ sách này do tổ tiên viết lại và có nội dung về những bài văn, những câu thơ của người Khùa xưa. Cuốn ghi lại cách học võ nhằm rèn luyện sức khỏe để chống lại các bệnh tật, thú rừng. Bên cạnh đó, sách còn viết lại gia phả ghi lại dòng tộc, tổ tiên và cách giáo dục con cháu, khuyên răn con cháu trong nhà làm những điều lành, tránh điều ác, sống thủy chung.

Bộ sách lá có nội dung là những từ kinh Phật khuyên răn chúng sinh làm lành, tránh dữ hay những câu chuyện dân gian gắn bó với lịch sử của người Khùa. Sách được viết bởi thứ chữ Lào cổ do các nhà sư Lào xa xưa thường dùng để viết kinh Phật. Để viết được những cuốn sách như thế này, người viết phải có kiến thức uyên thâm về nhiều lĩnh vực và phải mất hàng năm trời mới viết xong một cuốn sách.

Công đoạn chuẩn bị cũng hết sức công phu bởi loại lá để viết sách phải được buộc ủ đủ 1 năm trời mới đem sấy khô và viết được chữ lên đó. Mực để viết lên lá là loại mực tàu trộn với mật của một loại cá chỉ sống ở khe suối để chữ viết có thể tồn tại hàng trăm năm không phai mờ.

Hiện nay, người Khùa vẫn dựa vào những nội dung trong những bộ sách lá ra để chỉ dạy cho con cháu và kể lại những câu chuyện dân gian mang đậm bản sắc truyền thống. Đây là những cổ vật của di sản văn hóa vật thể vô cùng quý hiếm cần được bảo tồn và lưu giữ.

http://www.baodaknong.org.vn/di-san-truyen-thong/doc-dao-sach-la-cua-nguoi-khua-88039.html

Nguyễn Hồng (t.h)
(Dẫn nguồn baodaknong)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.