Thu nhập ổn định từ nghề dệt thổ cẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhờ nắm bắt nhu cầu thị trường và sáng tạo trong công việc nên nhiều hộ người Jrai, Bahnar ở huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) có nguồn thu khá ổn định từ nghề dệt thổ cẩm.
Khi biết chúng tôi đến thăm, bà H’Ly (làng Thông A, thị trấn Nhơn Hòa) đem những tấm thổ cẩm đẹp nhất do mình dệt treo ở phòng khách. Rót nước mời khách, bà kể về cái duyên đến với nghề dệt của mình. Chuyện là, từ khi 12 tuổi, H’Ly đã mê mẩn những chiếc thổ cẩm sặc sỡ hoa văn của các mẹ, các bà trong làng. Mỗi khi nghe tiếng kẽo cà kẽo kẹt của khung dệt là H’Ly chạy đến xem hàng giờ đồng hồ. Thấy cô bé H’Ly ham học và thông minh nên người già trong làng tận tình chỉ dạy cách dệt, cách phối màu cho hài hòa, đẹp mắt. Lúc đầu, H’Ly tập dệt những vật dụng đơn giản như khăn, khố. Theo từng mùa rẫy, bàn tay ngày càng khéo léo, kinh nghiệm được tích lũy, H’Ly đã biết làm tất cả các công đoạn từ lên rừng hái quả, vỏ cây để nhuộm phối màu đến dệt những bộ trang phục truyền thống của dân tộc Bahnar.
Theo bà H’Ly, trước đây, bà thường lấy nguyên liệu tự nhiên từ rừng như bông cây K’paih, quả K’pé để kéo sợi, nhuộm màu. Trước đây, các nguyên liệu này rất dễ tìm nhưng giờ hiếm dần. Hơn nữa, nguồn nguyên liệu ở các chợ bây giờ có sẵn và đa dạng nên không phải tự làm. Bà H’Ly cho biết thêm, trang phục thổ cẩm của người Bahnar thường có 2 màu chủ đạo là đen và đỏ. Để nắm bắt nhu cầu thị trường, ngoài làm ra các bộ sản phẩm đặc trưng truyền thống, bà còn dệt quần áo, chăn, khăn phù hợp với thị hiếu giới trẻ hiện nay. Ngoài ra, từ năm 2015 đến nay, bà thường xuyên tham gia hội thi văn hóa cồng chiêng cấp huyện và đạt nhiều giải cao ở phần thi dệt thổ cẩm. Từ đó, những sản phẩm của bà được mọi người biết đến nhiều hơn. Bà nhận được nhiều đơn đặt hàng từ Đak Lak, Chư Sê... “Trước đây, mình dệt chủ yếu phục vụ gia đình. Thấy bà con trong làng khen đẹp nên mình bán, rồi có nhiều người tìm đến mua. Tùy mỗi bộ quần áo nam nữ mà mình bán với giá 1,5-3 triệu đồng. Bình quân 1 tháng, mình và con gái dệt khoảng 10 bộ sản phẩm quần áo, chăn, khăn. Trừ chi phí, mình cũng tích góp được ít nhất 10 triệu đồng”-bà H’Ly bộc bạch.
Bà H’Ly (làng Thông A, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) dệt thổ cẩm để bán. Ảnh: R.P
Bà H’Ly (làng Thông A, thị trấn Nhơn Hòa, huyện Chư Pưh) dệt thổ cẩm để bán. Ảnh: R.P
Tại xã Ia Le, nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng được bảo tồn, giúp nhiều phụ nữ dân tộc thiểu số có thêm thu nhập. Bà Nguyễn Thị Cẩm Thạch-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ia Le-cho biết: Tháng 10-2020, Chi hội Phụ nữ làng Kênh Săn đã thành lập Tổ liên kết dệt thổ cẩm truyền thống với 10 thành viên. Ngoài dệt quần áo, chăn thổ cẩm, chị em còn làm các mặt hàng lưu niệm như: ví, túi xách, tất, mũ, khăn quàng cổ… Các sản phẩm làm ra đều đẹp, mẫu mã đa dạng. Từ khi thành lập đến nay, tổ đã thu về tổng cộng hơn 20 triệu đồng từ bán các sản phẩm thổ cẩm. Bên cạnh đó, tổ còn tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. Chị Rmah H’Beo chia sẻ: “Tham gia Tổ liên kết dệt thổ cẩm, mình được các cô, các bà truyền đạt rất nhiều kiến thức bổ ích. Điều quan trọng là mình có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình, hỗ trợ các em ăn học”.
Bà Mai Thị Thanh Hằng-Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Chư Pưh-khẳng định: “Việc lập Tổ liên kết dệt thổ cẩm truyền thống làng Kênh Săn đã đem lại nguồn thu nhập, góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của người Jrai, Bahnar. Sắp tới, Hội sẽ nhân rộng mô hình này ra các xã, thị trấn trên địa bàn huyện, đồng thời quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm”.
 R’Ô PRIN

Có thể bạn quan tâm

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.