Để điểm dừng chân văn hóa có văn hóa

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bỏ qua những sắc màu văn hóa bản địa, nhiều điểm dừng chân, điểm đến văn hóa trở nên kỳ quặc và gây phẫn nộ.

Vẻ đẹp nguyên sơ của Choản Thèn- Ảnh: Lê Huy
Vẻ đẹp nguyên sơ của Choản Thèn- Ảnh: Lê Huy


Chữa cháy điểm đến

Những cọc bê tông đóng san sát quanh hai cây cổ thụ nổi tiếng ở Choản Thèn (xã Y Tý, H.Bát Xát, Lào Cai) đã cho thấy chất liệu của chòi ngắm mà địa phương dự kiến xây dựng tại đó. Giờ đây, khi tỉnh cho rằng cần giữ cảnh quan và vẻ đẹp tự nhiên cho khu vực này, điểm ngắm cảnh sẽ được chuyển tới khu vực Trường tiểu học Y Tý cách đó 1 km. Điều này, theo UBND tỉnh Lào Cai, sẽ tạo không gian trải nghiệm văn hóa cho học sinh, nhân dân và du khách. Hạng mục này nằm trong dự án bảo tồn văn hóa của người Hà Nhì ở Choản Thèn do Bộ VH-TT-DL thỏa thuận và đồng ý.

Việc “chữa cháy” này gợi nhớ đến vụ việc rất ồn ào ở Mã Pì Lèng hồi năm 2020. Khi đó, tòa nhà Panorama đã bị “cấy” vào con đèo nổi tiếng này, bất chấp khuyến nghị của chuyên gia UNESCO trước đó. Theo chuyên gia, chỉ nên để đây là một điểm dừng chân thoáng đãng để ngắm cảnh. Tuy nhiên, một tòa nhà “không liên quan” gì đến không gian và văn hóa bản địa đã được dựng lên.

TS Nguyễn Thu Thủy, Khoa Du lịch Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội, đặt vấn đề: “Với các dự án, xây dựng thế này thì luôn phải đặt câu hỏi ai tư vấn như thế. Với Choản Thèn, có thể thấy Sở VH-TT-DL tự làm, không mời quy hoạch gì. Người xây cũng không có quan điểm thẩm mỹ tốt, thậm chí người ta thấy cứng hóa thế là đẹp, kiên cố là đẹp. Và cả hai dự án đều liên quan đến du lịch văn hóa”.

KTS Nguyễn Hoàng Phương, người đã được nhiều giải thưởng quốc tế về kiến trúc, đánh giá cả hai dự án này đều đã bỏ qua hai yếu tố quan trọng là ý kiến cũng như văn hóa của người dân bản địa và người có chuyên môn. Chính vì thế, người dân bản địa cũng là người “ngơ ngác” và phản đối khi hai công trình được dựng lên.


 

 Cọc bê tông vây 2 cây cổ thụ ở Choản Thèn không nói lên được văn hóa của người Hà Nhì - Ảnh: Ly Xá Xuy
Cọc bê tông vây 2 cây cổ thụ ở Choản Thèn không nói lên được văn hóa của người Hà Nhì - Ảnh: Ly Xá Xuy


Không thể thả nổi

TS Thủy cho biết: “Với các dự án văn hóa, du lịch văn hóa, các nước đều có tư vấn chuyên môn khi thực hiện. Không bao giờ có chuyện chỉ có cơ quan quản lý địa phương làm. Còn nếu quản lý địa phương làm thì họ đã được học rất kỹ”. Việc “cấy” các công trình cứng hóa và các yếu tố văn hóa xa lạ thiếu kiểm soát cũng có thể thấy ở nhiều nơi. Mới đây, những công trình kỳ quái với các tượng quỷ núi, hay vườn tượng tự phát với tượng nữ thần Tự do sai tỷ lệ ở Lào Cai cũng cho thấy thẩm mỹ tồi tệ. Chúng khiến điểm đến văn hóa trở nên mất văn hóa.

PGS-TS Vương Xuân Tình, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc học, đồng ý với quan điểm luôn ưu tiên văn hóa bản địa. “Tùy địa hình và điều kiện cụ thể để làm sao cho tự nhiên và mang sắc thái văn hóa địa phương là hay nhất”, PGS-TS Tình nói.

KTS Vương Đạo Hoàng cho biết trong kiến trúc có một khái niệm là tiếp cận vấn đề từ bối cảnh. Có nghĩa là xây thêm công trình gì, ở đâu cũng phải đáp ứng việc cảnh đó có ngắm được không, bối cảnh đó có cảnh quan tự nhiên thế nào, bối cảnh đó có kiến trúc thế nào, phong cách ra sao. Liên quan đến bối cảnh đó còn là đường sá giao thông. “Những điều đó sẽ dẫn đến quyết định nên thêm cái gì, nên đặt vào đâu, công trình nên ra sao về hình khối, vật liệu, ý đồ. Nó giống như nhiệm vụ thiết kế, cần làm sao để đạt cái gì. Nếu không là sai hết cả”, ông Hoàng nói.

KTS Vương Đạo Hoàng cũng phân tích trường hợp chòi ngắm cảnh ở Choản Thèn, ở đó có nhiều người Hà Nhì sinh sống. “Công trình của văn hóa Hà Nhì mà lại cọc bê tông thì dở. Trong khi họ có kỹ thuật làm rào đá, kỹ thuật làm tường đất nhà trình tường. Những yếu tố bản địa đó vô cùng hấp dẫn du khách. Nếu sở quản lý văn hóa bỏ qua bối cảnh, kệ mọi thứ và đặt cái mình thích vào thì sẽ không còn hấp dẫn, chất lượng thẩm mỹ, cảnh quan đều đi xuống. Công trình không phải việc to và nhỏ mà là tầm vóc của chủ đầu tư, kiến trúc sư”, ông Hoàng nói.

 

Theo TRINH NGUYỄN (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.