Cầu thang nhà dài: Biểu tượng mẫu hệ trong văn hóa Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Cộng đồng các dân tộc thiểu số vùng Trường Sơn-Tây Nguyên nói chung, người Jrai nói riêng theo chế độ mẫu hệ. Đặc trưng chế độ mẫu hệ trong xã hội truyền thống của người Jrai được biểu hiện ở nhiều khía cạnh trong cuộc sống, từ quan hệ gia đình như con cái theo họ mẹ, phụ nữ có quyền bắt chồng đến các vật dụng, kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc... Chiếc cầu thang nhà dài là vật dụng biểu hiện rõ nét yếu tố mẫu hệ trong quan niệm sống của người Jrai.
Nhà dài (sang glông) là kiến trúc độc đáo của người Jrai, chủ yếu phân bố ở vùng Đông Nam tỉnh, nơi có các nhóm Jrai Mthur, Jrai Chor sinh sống. Nhà dài không chỉ là nơi sinh hoạt gia đình mà đôi khi còn là nơi để hội họp khi cần giải quyết các công việc của làng (nhà của già làng, trưởng thôn). Các hoạt động hội họp này thường được tiến hành ngay tại gian nhà khách (anih toai). Khi làm nhà dài, người Jrai thường dùng gỗ để làm cột, vì kèo, ván lót sàn; tranh dùng để lợp; tre nứa, lồ ô đập dập dùng để làm vách... Điểm nổi bật trong kiến trúc nhà dài của người Jrai là chiếc cầu thang. Mỗi nhà dài đều có một cầu thang chính đặt ngay đầu hồi mặt chính của ngôi nhà và một cầu thang phụ ở phía sau. Đôi khi, người ta còn làm thêm những cầu thang phụ khác để lên xuống cửa hông khi có việc hoặc khi thực hành các nghi thức, lễ cúng. Loại cầu thang này được làm rất đơn giản, chỉ bằng một đoạn thân cây tre hoặc gỗ nhỏ.
Chiếc cầu thang (kơnam) ở phía trước là nơi khách đến nhà phải đi qua. Độ dài-rộng, lớn-bé của cầu thang tùy thuộc vào việc gia chủ làm nhà cao hay thấp, điều kiện kinh tế giàu hay nghèo. Nguyên liệu để làm cầu thang thông thường là gỗ cà chít. Đây là loại gỗ tốt, có độ bền cao, ít mục ruỗng, nứt nẻ, mối mọt. Người Jrai quan niệm số lẻ là số may mắn. Do vậy, số bậc trên mỗi cầu thang cũng được xem xét, tính toán cẩn trọng và làm theo số lẻ (3, 5, 7), nhưng thường gặp nhiều nhất là loại cầu thang với 7 bậc cấp.
Cầu thang chính nhà dài Jrai phong phú về loại hình và được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau: cầu thang đơn giản (không có các chi tiết điêu khắc); cầu thang có điêu khắc đôi bầu vú (tơsâu) của người phụ nữ; cầu thang có điêu khắc biểu tượng mặt trăng (yă blan)...
 Nhà dài với chiếc cầu thang ngay đầu hồi của người Jrai ở Krông Pa. Ảnh: Ksor Nam
Nhà dài với chiếc cầu thang ngay đầu hồi của người Jrai ở Krông Pa. Ảnh: Ksor Nam
Cầu thang nhà dài Jrai được chia làm 2 phần: phần thứ nhất là các bậc thang, được đục đẽo sao cho phù hợp với bàn chân (đi nghiêng) và sải bước khi lên xuống nhà dài; phần thứ hai là đầu trên của cầu thang, nơi có các chi tiết điêu khắc, thường chiếm khoảng 1/4 chiều dài của cầu thang. Tuy nhiên, đây chỉ là tỷ lệ tương đối vì còn phụ thuộc vào chiều dài hoặc số lượng bậc trên mỗi cầu thang và độ cao-thấp ở mỗi nhà. Phần trên của cầu thang được vạt cong nhẹ, mềm mại, có tạo hình 2 bầu vú, cánh hoa hoặc mặt trăng rất sinh động. Những họa tiết này được xem là biểu trưng của quyền lực người phụ nữ, nét uy quyền trong văn hóa mẫu hệ của người Jrai.
Bầu vú là biểu tượng cho sự sinh tồn, là mạch nguồn của sự sống, cũng như người mẹ, người vợ có bầu vú thể hiện tính phồn thực, để nuôi dưỡng đời sống con người. Đây còn là biểu tượng cho sự căng đầy, no đủ trong cuộc sống của con người. Chi tiết điêu khắc mặt trăng trên cầu thang nhà dài Jrai cũng là biểu tượng mang tính âm (nữ). Các họa tiết trang trí trên cầu thang cũng được xem là biểu tượng của sự giàu có và quyền quý. Xưa kia, chỉ những gia đình khá giả, có tiếng nói trong buôn làng mới làm cầu thang với các họa tiết trang trí sống động này. Nếu như nhà dài của người Ê Đê thường có 2 cầu thang với 2 biểu tượng: mặt trăng (tính âm), mặt trời (tính dương), thì ở người Jrai, chúng tôi chưa bắt gặp cầu thang có biểu tượng mang tính dương. Phải chăng đây là một trong những điểm khác biệt giữa người Jrai và người Ê Đê? Vấn đề này cần tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu.
Mặc dù được biểu hiện dưới nhiều dạng thức khác nhau nhưng nhìn chung, cầu thang nhà dài Jrai bên cạnh việc thể hiện nữ quyền còn là biểu tượng phồn thực trong đời sống của người Jrai từ xưa đến nay.
Người Jrai theo tín ngưỡng đa thần, vạn vật hữu linh. Do đó, việc chọn cây làm nhà dài nói chung, làm cầu thang nói riêng phải được thực hiện theo những nghi thức nghiêm ngặt. Trước khi lấy gỗ, họ đều cúng tạ thần linh xin phép được mang cây gỗ đó về làm nhà, cầu thang, lễ vật thông thường là con gà và ghè rượu. Người thợ làm phải là người có uy tín, tay nghề cao, óc thẩm mỹ tốt, được lựa chọn cẩn thận, khi đó cầu thang mới đẹp, các bậc thang mới đều, thẳng. Để hoàn thiện một chiếc cầu thang có các chi tiết điêu khắc, người thợ mất khoảng 2 đến 3 ngày. Sự khéo léo của người thợ được thể hiện rõ nét qua việc tạo hình các chi tiết bày trí trên cầu thang một cách cân đối. Đây cũng là một trong những chi tiết quan trọng trong tín ngưỡng của người Jrai. Họ quan niệm rằng, bầu vú trên cầu thang của người Jrai phải căng tròn, cân đối hài hòa thì gia chủ mới có được cuộc sống đủ đầy, ấm no.
Nhà dài là không gian sinh sống, gắn kết bao thế hệ của người Jrai. Cầu thang nhà dài không những là một tác phẩm điêu khắc mà còn là biểu tượng sinh động cho chế độ mẫu hệ cũng như giá trị phồn thực trong ý niệm của người Jrai. Bên cạnh chức năng là một vật dùng để lên xuống, cầu thang nhà dài còn là đặc trưng tiêu biểu trong kiến trúc, văn hóa truyền thống của người Jrai ở vùng Đông Nam tỉnh. Trong điều kiện ngày nay, khi xã hội ngày càng phát triển cũng chính là lúc những đặc trưng trong văn hóa truyền thống đó dần bị mai một. Những ngôi nhà dài, những chiếc cầu thang sinh động dần bị thay thế bằng những ngôi nhà hiện đại. Dẫu biết sự biến đổi là không thể không xảy ra, nhưng làm thế nào để thích ứng với sự biến đổi mà vẫn bảo tồn được giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống là một vấn đề cần được sự quan tâm, chung sức của cộng đồng.
XUÂN TOẢN

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.