Nghệ nhân trẻ Gia Lai ra "biển lớn"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 14-4, 25 nghệ nhân Jrai làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) lên đường ra Hà Nội tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) năm 2021. Đây là lần đầu tiên Gia Lai chọn một đội nghệ nhân trẻ tuổi góp mặt trong chương trình thường niên này. Dù vậy, sức trẻ và kỹ năng đã khẳng định rằng họ đủ sức kế thừa, gìn giữ văn hóa truyền thống. 
1. Đúng 19 giờ ngày 12-4, các nghệ nhân đã tập trung đông đủ tại hội trường làng Chuét 2 để cùng nhau luyện tập. Kể từ ngày 29-3 đến nay, họ không sót buổi tập nào. Người lớn tuổi nhất đội, giữ vai trò điểm tựa tinh thần chính là già làng Ak (75 tuổi). Các thành viên còn lại tuổi chỉ trên dưới 30. Không khí luyện tập diễn ra hết sức sôi nổi. Các “đạo cụ” như mô hình nhà mồ, tượng mồ, nhạc cụ truyền thống… cũng đều được chuẩn bị chu đáo.
Theo “biên chế”, cả đội có 20 người đánh chiêng, 5 người múa xoang. Tại Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam diễn ra ở Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), các nghệ nhân Gia Lai sẽ tái hiện nghi lễ pơ thi (bỏ mả) của người Jrai; đánh các bài chiêng mừng lúa mới, mừng nhà mới; giới thiệu nghề truyền thống như tạc tượng, dệt thổ cẩm; trưng bày và biểu diễn nhạc cụ dân tộc; trình diễn trang phục Jrai với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm”; quảng bá ẩm thực đặc trưng… 

Chính vì chương trình có nhiều hoạt động nhưng yêu cầu hạn chế số lượng nghệ nhân tham gia nên đội phải được tinh tuyển, “một người làm việc bằng hai”. Bạn trẻ Ksor Quỳnh không những giỏi biểu diễn cồng chiêng mà còn chế tác thành thục đàn t’rưng, klông pút.

Anh ruột Quỳnh là Ksor Khoa cũng vừa đánh chiêng kiêm tạc tượng. Em Thuần là phụ bếp tại quán Bazan (phường Thắng Lợi) nên nhiệm vụ chế biến các món gà nướng, cơm lam, thịt xiên nướng… chỉ là “chuyện nhỏ” bên cạnh việc chơi chiêng. Em Kpă H’Sukơ (học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, TP. Pleiku) thì vừa múa xoang vừa cùng các thành viên nữ tham gia trình diễn trang phục Jrai. Với một số bạn trong đội, dệt thổ cẩm cũng không là thử thách…

Tất cả đều rất trẻ, nhưng lại đầy kinh nghiệm và tự tin về chuyến đi sắp tới. Đội ngũ này chứng minh một điều rằng, là cư dân làng vùng ven thành phố vốn chịu nhiều ảnh hưởng của quá trình đô thị hóa, nhưng họ không để mai một văn hóa truyền thống. 

Đội nghệ nhân làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tham gia tập luyện tối 12-4. Ảnh: Phương Duyên
Đội nghệ nhân làng Chuét 2 (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) tham gia tập luyện tối 12-4. Ảnh: Phương Duyên
2. Người nhỏ tuổi nhất đội là em Kpă H’Sukơ (18 tuổi) không giấu vẻ phấn chấn trước chuyến đi lý thú. H’Sukơ cho hay: Năm 10 tuổi, em từng được Nhà Thiếu nhi tỉnh đưa đi biểu diễn ở tỉnh Bình Phước theo một chương trình giao lưu cồng chiêng và văn hóa với các dân tộc phía Nam. Mới đây, em vừa hoàn thành một lớp truyền dạy cồng chiêng và múa xoang do Trường Cao đẳng Gia Lai phối hợp với phường Thắng Lợi tổ chức.
H’Sukơ cười thật tươi: “Em rất vui khi được tham gia cùng đội trong dịp này, từ đó hiểu thêm để gìn giữ những nét văn hóa riêng của dân tộc mình”.  
Ông Ak-già làng Chuét 2-không lạ lẫm gì với những hoạt động giao lưu văn hóa, vì đã 3 lần biểu diễn ở Hà Nội. “Mấy lần trước, toàn người già đi thôi, giờ là cồng chiêng thanh niên. Được đi với lũ trẻ mang văn hóa dân tộc Jrai mình ra giới thiệu cho mọi người, mình vui lắm!”-nét mặt ông Ak giãn ra thư thái. 
Đưa đội nghệ nhân trẻ tuổi tham gia Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam năm 2021 là động thái đầy chủ ý, trước mắt là tạo sức hút và ấn tượng cho các hoạt động. Trong khuôn khổ chương trình (diễn ra từ ngày 16 đến 19-4), ngoài hoạt động tái hiện lễ hội truyền thống, giao lưu văn hóa của đồng bào các dân tộc, còn có những nội dung nổi bật như: chương trình nghệ thuật (dự kiến truyền hình trực tiếp trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam); hội nghị tổng kết 5 năm tổ chức hoạt động của đồng bào dân tộc tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam; tập huấn xây dựng mô hình, phương pháp bảo tồn chợ phiên đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số; tổ chức gian hàng quảng bá xúc tiến du lịch của các địa phương, công ty lữ hành; hoạt động thể thao quần chúng…
Từ việc được ra “biển lớn”, các “nghệ nhân trẻ” của buôn làng sẽ có cơ hội giao lưu, hiểu rõ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình trong dòng chảy văn hóa truyền thống của 54 dân tộc anh em, giúp họ nâng cao ý thức bảo tồn, gìn giữ bản sắc. Nhắm đến lớp trẻ để tuyên truyền công tác bảo tồn chính là giải pháp hiệu quả nhất hiện nay, tạo động lực để duy trì bản sắc, nhất là với cư dân làng... trong phố. 
PHƯƠNG DUYÊN

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.
Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

Phát huy giá trị di tích lịch sử-văn hóa Plei Ơi

(GLO)- Nhằm phát huy giá trị Khu di tích lịch sử-văn hóa cấp quốc gia Plei Ơi, huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) đã chú trọng đầu tư tôn tạo cũng như tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, về nguồn nhằm xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù tại địa phương.
Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

Dự án bảo tồn, phục dựng lễ mừng lúa mới của người Jrai ở Ia Yok: Lan tỏa giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Nhằm góp phần bảo tồn và phát huy nét đẹp văn hóa của dân tộc mình, em Võ Siu Hoài An (lớp 12C1) cùng Lê Quốc Huy (lớp 10C1, Trường THPT Phạm Văn Đồng, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) triển khai Dự án “Bảo tồn và phục dựng lễ mừng lúa mới của đồng bào Jrai tại làng Bồ, xã Ia Yok”.