Kâm Bul - Lễ cầu an của người Gia Rai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cùng với các lễ hội liên quan đến Yang (Dàng), lúa hay mừng nhà rông… linh thiêng và gần gũi, lễ cầu an (Kâm Bul) của đồng bào Gia Rai (nhánh A Rap) ở làng Ba Rgốc (xã Sa Sơn, huyện Sa Thầy) mang nét đặc trưng.

Nguyên gốc, Kâm Bul để cầu an không bắt buộc phải cúng trâu (hay dê), không cần dựng cây nêu, nhưng sau này, do kết hợp với một số sự kiện trọng đại khác của làng nên Kâm Bul được tổ chức với quy mô cộng đồng làng vẫn có thể được lồng ghép một số nội dung liên quan đến dựng cây nêu.

Theo ông A Nhi - người thích sưu tầm, tìm hiểu văn hóa dân gian của người Gia Rai ở làng Ba Rgốc, trước khi phát rẫy, chuẩn bị vào mùa gieo tỉa mới, dân làng làm lễ Kâm Bul để xua đuổi xui xẻo, rủi ro, cầu mong may mắn tốt lành, mọi người mạnh khỏe, bình an, mùa màng bội thu.

Gắn với tập quán canh tác nương rẫy mỗi năm một vụ, ngày trước, hầu như năm nào, người Gia Rai cũng làm lễ Kâm Bul; song sau này, theo sự thay đổi thói quen sinh hoạt - sản xuất, lễ cầu an ngày càng thưa dần. Đặc biệt, sau nhiều năm vắng bóng, gần đây, làng Ba Rgốc mới có dịp tái hiện Kâm Bul truyền thống, nên lễ này thực sự là dịp vui, dịp tốt được dân làng chào đón.

Không cầu kỳ, kỹ lưỡng như một số lễ hội có dựng cây nêu và ăn trâu, ăn dê, Kâm Bul được tiến hành khá đơn giản với lễ vật chính là con heo, ghè rượu. “Tuy vậy, Kâm Bul luôn đảm bảo các nghi lễ trang trọng và nghiêm túc tuân thủ những điều cấm kỵ liên quan đến tâm linh của mọi người”- già A Bleng ở làng Ba Rgốc lưu ý.

 

Chung tay chuẩn bị lễ hội. Ảnh: TN
Chung tay chuẩn bị lễ hội. Ảnh: TN


Theo trình tự tổ chức Kâm Bul, trước ngày được chọn, trai trẻ trong làng đã vào rừng chặt cây, lồ ô, le mang về tập trung ở gần nhà rông. Riêng bông lau thì sáng sớm hôm tổ chức lễ cầu an mới được lấy về cho tươi mới. Vì Kâm Bul được tổ chức trước kỳ chọn rừng, phát rẫy, đó cũng là mùa bông lau nở rộ, nên rất thích hợp khi lấy loại bông này để chế tác hình nộm người dùng trong buổi lễ.

Sau nhiều năm bỏ ngỏ, ở Kâm Bul lần này, các già làng vẫn là những “thợ cả”, vừa “chỉ đạo” vừa trực tiếp đảm nhận các phần việc chuẩn bị và tiến hành nghi lễ. Tuổi cao sức yếu, song già A Bleng vẫn nhanh chóng hoàn thành ba chiếc lồng nan bằng lồ ô với ba kích cỡ khác nhau để làm khung của hình nộm. Từ “bộ khung” vững chắc này, già làng A Sưp và ông A Dưm cẩn thận gắn từng cây bông lau vào cho kín và hợp lý, khéo léo tạo nên dáng hình con người. Một số nam giới khác thì khẩn trương chẻ đẽo cung tên, khung nỏ, những chiếc đao lớn, đao nhỏ… Mỗi hình nộm bằng bông lau được gắn mặt nạ, tạo dáng cầm nỏ là hoàn chỉnh hình người được dùng trong lễ cầu an. Trong số 3 hình nộm người, có một hình đàn ông, một hình phụ nữ và một hình trẻ nhỏ.

Trong lúc các vị cao niên tập trung làm hình nộm thì các chàng trai nhanh tay làm thịt heo, các chị em và các cháu gái nhặt rau, chuẩn bị rượu cần, cơm lam nấu trong ống nứa.

Khi mọi việc hoàn tất, già làng A Sưp tập hợp bà con và chủ trì tiến hành lễ cầu an. Sau nghi lễ “mở màn”, già làng tập trung một “đội quân” sẵn sàng hành lễ. Được chọn tham gia vào lực lượng này trong buổi lễ năm nay là các bé trai nhanh nhẹn, tháo vát, trang nghiêm với đao, kiếm trên tay. Các “chiến binh” cùng “xuất chinh”, kéo về cuối làng, tỏa ra đầu làng, đến một số gia đình (mang tính tượng trưng) nhằm xua đuổi mọi điều rủi ro, xui xẻo đã gặp trong năm cũ. Sau đó, “đội quân” trở lại nhà rông.

 

Làm hình nộm người. Ảnh: T.N
Làm hình nộm người. Ảnh: T.N


Già làng lấy bát tiết heo pha với nước rượu lần lượt bôi lên ba hình nộm do những người già có uy tín của làng tự tay mang vào. Vừa bôi rượu tiết lên hình nộm, già làng vừa cất lời khấn cầu cho dân làng được mạnh khỏe, bình an, tránh xa bệnh tật, tai ương; cầu cho mọi người mọi nhà gặp nhiều may mắn trong sản xuất, gặt hái mùa màng bội thu. Sau khi đã được “làm phép”, ba hình nộm được mang ra ngoài và đặt vào các vị trí đã định: Hình nộm đàn ông được đặt trước nhà rông, hình phụ nữ dựng trước cổng làng, hình nộm trẻ em cắm ở cuối làng. Tất cả đều tượng trưng cho sức mạnh siêu nhiên và ý chí của dân làng chủ động ngăn chặn điều xấu, cái ác xâm nhập vào cộng đồng.

Định vị ba hình nộm, mọi người trở về nhà rông. Già làng thực hiện nghi lễ cuối cùng là cúng ghè. Ở cột chính nhà rông, một chiếc ghè nhỏ đã được buộc sẵn cùng với lễ vật gồm miếng gan heo tươi và thịt đầu heo (nấu chín). Già làng cùng hai vị lão niên uy tín của làng cùng ngồi quanh ghè rượu. Lần này, nghi lễ cầu khấn có phần khác với phần khấn cầu khi bôi rượu tiết heo trước đó, vì trong khi già làng đọc lời khấn chính, người già bên cạnh còn hòa thêm những câu khấn phụ họa, tạo thành chuỗi âm thanh vừa linh thiêng vừa huyền bí.

Khấn xong, già làng khai ghè, mời các vị cao niên thưởng thức trước rồi lần lượt mọi người cùng uống rượu ghè. Đáng chú ý, ghè rượu chỉ có một cần rượu để mọi người uống chung, thể hiện tinh thần đồng cam cộng khổ, cùng chia ngọt sẻ bùi. Thức ăn được dọn ra để mọi người cùng vui. Lễ Kâm Bul kết thúc, mọi người ai về nhà nấy.

Kâm Bul cũng như các lễ hội khác ở làng, mang tính cộng đồng cao. Đây là dịp để mọi người gặp gỡ, chuyện trò, tâm sự, cởi mở sẻ chia. Có một điều rất đáng chú ý là sau khi kết thúc cúng ghè - nghi thức cuối cùng trong lễ cầu an, già làng và các vị cao niên cùng ngồi lại với nhau, khơi mào câu chuyện của cả làng. Mọi người cùng nhìn lại một năm đã qua, dự định về công việc, cuộc sống sắp tới. Chỉ gói gọn trong một ngày và hiện không còn phải “kiêng làng” như tập tục cũ, Kâm Bul như vẫn tiếp thêm cho mọi người, mọi nhà niềm tin và sức mạnh kiên định vượt qua khó khăn, thử thách để bước vào một chặng đường mới gặp nhiều may mắn và gặt hái thành công.

http://www.baokontum.com.vn/van-hoa-the-thao-du-lich/kam-bul-le-cau-an-cua-nguoi-gia-rai-18041.html

Theo THANH NHƯ (baokontum)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.