Ngày Tết diện cổ phục và những lưu ý về áo dài cách tân

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Bên cạnh tà áo dài hiện đại, những bộ cổ phục Việt Nam và “cổ phục cách tân” được dự báo sẽ xuất hiện thường xuyên trong dịp Tết nguyên đán 2021 này.

Nhà cổ 87 Mã Mây (Hà Nội) trở thành không gian áo dài ngũ thân. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Nhà cổ 87 Mã Mây (Hà Nội) trở thành không gian áo dài ngũ thân. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)


Năm 2020 chứng kiến sự chuyển mình mạnh mẽ trong xu hướng chụp ảnh thời trang của người trẻ Việt Nam khi xiêm y, váy áo, Tây phục hiện đại nhường chỗ cho những bộ áo triều đình xưa. Đặc biệt là áo ngũ thân, áo nhật bình, khăn vành dây, khăn vấn tóc... từ thời nhà Nguyễn (thế kỷ 19).

Có thể khẳng định rằng xu hướng tìm về truyền thống, trưng diện cổ phục không phải trào lưu sớm nở tối tàn. Mỗi bộ áo được khoác lên mang theo niềm tự hào dân tộc, tự hào cái đẹp và lịch sử riêng của nước mình. Vì vậy, người mặc cần có nhận thức đúng đắn để gìn giữ được đúng và tối đa những giá trị lịch sử, giá trị văn hóa từ ngàn năm của đất nước.

Bùng nổ xu hướng

“Số lượng khách đặt may áo ngũ thân cho Tết năm nay tăng gần như gấp đôi,” ông Đỗ Minh Tám, nghệ nhân làng may Trạch Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) cho biết. “Bên cạnh áo dài tân thời, phong trào mặc áo dài cổ chắc chắn đang trở lại rộng khắp trong toàn xã hội, đủ độ tuổi, đặc biệt khu vực thành thị chứ không riêng gì các hội nhóm nhỏ”.

 

 Học sinh lưu trữ kỷ niệm học trò qua bộ ảnh kỷ yếu với áo nhật bình, áo ngũ thân cổ đứng, áo tấc... (Ảnh: Cộng Studio)
Học sinh lưu trữ kỷ niệm học trò qua bộ ảnh kỷ yếu với áo nhật bình, áo ngũ thân cổ đứng, áo tấc... (Ảnh: Cộng Studio)


Theo anh Nguyễn Đức Lộc, giám đốc Công ty cổ phần Ỷ Vân Hiên, xu hướng diện cổ phục như áo nhật bình, áo ngũ thân lập lĩnh (cổ đứng), viên lĩnh (cổ tròn)… sẽ tiếp tục bùng lên mạnh mẽ, không chỉ riêng Tết nguyên đán 2021 mà còn trong cả năm và nhiều dịp năm mới tiếp theo.

Anh Lộc cũng nhận định xu hướng chọn cổ phục để chụp ảnh kỷ niệm, ảnh kỷ yếu hay ảnh cưới bắt đầu phổ biến kể từ năm 2018 đến nay, đặc biệt là giới trẻ ở độ tuổi từ 16 đến 35. Các diễn đàn, hội nhóm Facebook về cổ phục cũng nở rộ.

Không chỉ có thế, tháng 7/2020, Sở Văn hóa-Thể thao tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng đã triển khai cho toàn thể cán bộ công chức mặc áo dài truyền thống, nam giới mặc áo ngũ thân mỗi tuần một lần, đưa Huế trở thành kinh đô áo dài.

Nhiều đơn vị đã và đang cung cấp các dịch vụ cho thuê áo nhật bình, áo tấc, các loại áo ngũ thân… với giá đa dạng từ 100-300.000 đồng/bộ/ngày, thuê cả mùa Tết với 600.000 đồng/bộ. Hay đối với cổ phục cao cấp có những họa tiết thêu tay cầu kỳ, mỗi bộ có thể tốn 3-5 triệu đồng cho một lượt thuê, hàng chục triệu đồng cho một chiếc áo.

 

 Người trẻ diện áo ngũ thân, áo lấy cảm hứng từ nhật bình, phối hợp ngẫu nhiên với nhiều phụ kiện không cùng thời kỳ. (Ảnh: Facebook)
Người trẻ diện áo ngũ thân, áo lấy cảm hứng từ nhật bình, phối hợp ngẫu nhiên với nhiều phụ kiện không cùng thời kỳ. (Ảnh: Facebook)



Những sê-ri phim, chương trình truyền hình, sản phẩm ca nhạc cũng đưa cổ trang vào sản phẩm của mình, góp phần phổ cập hình ảnh của phục trang triều đình Việt. Tuy nhiên, mặc thế nào để ra đúng tinh thần của cổ phục Việt lại là câu chuyện còn phải cùng nhau bàn luận.

Nguyên nhân của sự trở lại này, nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình, trưởng nhóm Câu lạc bộ Đình Làng Việt, cho hay là sự xuất hiện của phong trào phim, video ca nhạc cổ trang ở nước ngoài và ở cả Việt Nam, từ đó tạo cho các bạn trẻ có mong muốn tương tự với việc tìm hiểu phong tục, trang phục cổ của Việt Nam.

“Tuy nhiên, điều này gây cho các bạn một ngưỡng vọng, mong muốn rằng cổ phục Việt cũng phải thướt tha, yêu kiều như trên phim ảnh hay như các nước Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản” ông cho biết.

Cổ phục đang ở kỳ ‘quá độ’

Xu hướng đổi mới, sáng tạo các sản phẩm truyền thống để phù hợp với thời đại là tất nhiên và tất yếu, theo nhận xét của một cá nhân phục dựng cổ trang và cổ phục như các loại áo dài ngũ thân, áo nhật bình… cũng không phải ngoại lệ.

 

Các phong cách cách tân đa dạng tiếp tục thu hút sự bàn luận, góp ý của các phía. (Ảnh: Tổng hợp)
Các phong cách cách tân đa dạng tiếp tục thu hút sự bàn luận, góp ý của các phía. (Ảnh: Tổng hợp)


“Nhiều bạn trẻ chưa tiếp xúc đủ nhiều, đủ sâu với tư liệu lịch sử, vì thế cách phối đồ còn mang nặng hơi hướm Trung, Nhật, Hàn. Tình hình hiện nay giống như đang ở thời kỳ ‘quá độ’,” anh Nguyễn Đức Lộc chia sẻ.

Anh nói thêm: “Trước khi cách tân phải hiểu văn hóa Việt Nam, cách người xưa chẻ tóc, cài trâm, đeo kiềng… như thế nào cho ra chất thẩm mỹ của người Việt Nam. Đây là điều mà các bạn trẻ còn rất yếu.”

Trong khi đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Bình cũng nêu quan điểm: Áo ngũ thân cần được ứng dụng trong cuộc sống đời thực, thay vì chỉ trưng diện để chụp ảnh. Cũng cần hiểu rằng chính cách may áo liền vai của áo ngũ thân đã khắc phục nhược điểm trên cơ thể người Việt xưa (thấp, nhỏ bé).

Quan điểm về thẩm mỹ không chỉ đa dạng ở người làm, người mặc mà còn ở người chiêm ngưỡng. Có những cá nhân cho rằng áo dài ngũ thân phải mặc với quần dài truyền thống chứ không nên phối với các loại quần Tây hiện đại; có những cá nhân lại đồng tình với việc mặc cùng giày thể thao, đeo các loại vòng tay, vòng cổ hiện đại khác nhau…

Nhiều người nghiên cứu cổ phong Việt đã chỉ ra loạt khuyết điểm khi diện cổ phục thời nay: Tay áo tấc phải là tay thụng, nách may rộng; khăn vấn đầu và áo ngũ thân có màu khác nhau, giữ cho mái tóc gọn gàng, khuôn mặt sáng sủa. Nếu phải đi thuê áo thì phải chọn áo có cổ và tay áo vừa vặn, nếu rộng sẽ không đẹp…

 

 Một trong nhiều bài viết chia sẻ quan điểm về lỗi khi mặc cổ phục trong một nhóm Facebook , nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của cộng đồng. (Ảnh: Chụp màn hình)
Một trong nhiều bài viết chia sẻ quan điểm về lỗi khi mặc cổ phục trong một nhóm Facebook , nhận được nhiều sự quan tâm và bình luận của cộng đồng. (Ảnh: Chụp màn hình)


Từng được tin tưởng để cung cấp cổ phục cho “Phượng Khấu,” “Trạng nguyên nhí” trên kênh VTV3, video ca nhạc “Không thể cùng nhau suốt kiếp” của Hòa Minzy... anh Lộc thừa nhận phục dựng cổ phục một cách chính xác không phải điều dễ dàng.

Anh cho biết: “Đến nay, không có quy tắc tuyệt đối nào cho cổ phục, độ dài vạt áo, tay áo, thậm chí màu sắc… tất cả đều chỉ là tương đối. Những người nghiên cứu chuyên sâu nhất cũng chưa thể đưa ra kết luận cuối về bảng màu gốc của áo truyền thống khi xưa. Các đơn vị chỉ có thể phục dựng sát với tư liệu nhất chứ không chính xác hoàn toàn như trong quá khứ”

“Như vậy cần hiểu cách tân hay phục dựng đều đòi hỏi mắt thẩm mỹ, sự nghiên cứu và tìm hiểu thực sự sâu sắc. Quan trọng không kém là phải lắng nghe phản hồi từ cả giới chuyên môn lẫn thị trường,” anh Lộc chia sẻ.

Theo Minh Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.