Bến nước trong đời sống tâm linh của người Jrai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Từ xưa, bến nước giữ vai trò quan trọng trong sản xuất, sinh hoạt của đồng bào dân tộc Jrai. Vì vậy, hàng năm, dân làng đều tổ chức lễ cúng bến nước để cầu mong dân làng mạnh khỏe, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Ủy ban nhân dân huyện Ia Pa vừa phục dựng lễ cúng bến nước tại buôn Kdăm, xã Ia Kdăm. Cúng bến nước là nghi lễ quan trọng trong đời sống tâm linh của đồng bào dân tộc thiểu số tại đây. Theo người Jrai, nước có vai trò rất quan trọng trong đời sống con người, không có nước, con người không thể tồn tại. Vì vậy, ngay từ khi lập làng, người Jrai đã chọn những nơi gần bến sông để sinh sống nên mỗi làng đều có một bến nước riêng. Bến nước không chỉ là nơi cung cấp nước cho sản xuất, sinh hoạt mà còn là nơi gặp gỡ, giao lưu của buôn làng sau một ngày làm việc mệt nhọc.
Lễ cúng bến nước thường được tổ chức vào tháng 1, 2 hoặc 3 dương lịch hàng năm. Trước khi buổi lễ chính thức diễn ra, già làng tổ chức họp dân, huy động sự đóng góp của tất cả mọi người. Theo đó, dân làng thống nhất mỗi hộ đóng góp 1 lon gạo để nấu rượu và 10 ngàn đồng mua lễ vật. Đồng bào Jrai quan niệm: thần linh cũng giống như con người, có buồn, vui, yêu, ghét. Vì vậy, cúng thần càng nhiều lễ vật sẽ được thần phù hộ nhiều hơn. Nếu cúng 1 con heo nái thì đi kèm với 5 ghè rượu; cúng 1 con heo đực thì 3 ghè rượu; còn cúng 1 con heo thiến thì phải có 7 ghè rượu đi kèm.
Bến nước đông vui, tấp nập trở lại sau khi nghi lễ cúng kết thúc. Ảnh.Vũ Chi
Bến nước đông vui, tấp nập trở lại sau khi nghi lễ cúng kết thúc. Ảnh: Vũ Chi
Từ sáng sớm, dân làng đã tập trung đông đủ tại bến sông. Phụ nữ chuẩn bị thổi lửa lo cơm nước; đàn ông phụ trách mổ heo, xẻ thịt; thanh niên thì dọn dẹp, vệ sinh bến sông để rước hồn nước về. Theo thầy cúng Kpă Thơi, tất cả công việc này được thực hiện vào sáng sớm, trước khi nghi lễ bắt đầu, tuyệt đối không được làm trước. Một điều cấm kỵ khác cũng được thầy cúng dặn trước tất cả mọi người là trong quá trình cúng, không một ai được qua lại bến sông, nếu không nghi lễ sẽ mất đi sự linh thiêng, Thần Nước sẽ quở trách dân làng.
Đúng 9 giờ 30 phút, nghi lễ bắt đầu. Lễ vật là 1 con heo thiến nặng hơn 1 tạ cùng 7 ghè rượu được đặt ngay trước bến sông. Tiết heo được quết đều xung quanh mâm lễ vật để rước hồn nước. Thầy cúng Kpă Thơi cùng phụ tá cung kính đứng sau bàn lễ vật. Dân làng, khách mời tập trung đông đủ phía sau. Tất cả đều im lặng, bày tỏ lòng thành kính của mình trước các vị thần linh. Tiếng cồng chiêng vang vọng cả bến sông mời Thần Nước về nhận lễ vật của dân làng.
Thầy cúng Kpă Thơi bắt đầu bài khấn: “Hỡi Thần Nước, Thần Rừng, Thần Củi! Hôm nay, dân làng ta tụ tập đầy đủ, sửa chữa bến nước, bến làng, tổ chức cúng lễ cầu xin các vị thần ban cho dân làng nhiều sức khỏe, bình an, hạnh phúc. Hãy ban cho thanh niên trai làng sức khỏe, cường tráng; hãy ban cho các cô gái dịu dàng, nết na; để cho con cháu sinh sôi, nảy nở, dân làng làm ăn phát đạt, bình an, hạnh phúc mãi mãi đời sau; để cho con cháu chúng tôi múc nước, uống nước không ốm đau, bệnh tật; để cho con bò, con heo uống nước khỏe mạnh, sinh nở bầy đàn; để cho khai hoang trồng trỉa được mùa bội thu...”.
Thầy cúng Kpă Thơi cùng phụ tá thực hiện nghi lễ cúng bến nước. Ảnh: Vũ Chi
Thầy cúng Kpă Thơi cùng phụ tá thực hiện nghi lễ cúng bến nước. Ảnh: Vũ Chi
Vừa đọc lời khấn, thầy cúng vừa rót rượu trong từng ghè vào một chiếc bát bằng đồng. Cầm theo miếng thịt cùng bát rượu đầy đi ra sát bờ sông, thầy trút rượu thịt xuống nước mời Thần Nước nhận các lễ vật của dân làng. “Hỡi các thần linh, Thần Nước! Hãy che chở, phù hộ cho dân làng chúng tôi, nếu như có kẻ đến xâm lược, xâm phạm thì hãy để cho kẻ đó rắn cắn đùi, cắn tay, hổ nuốt da, xà nuốt chửng. Cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cầu cho mọi sự tốt đẹp đến với dân làng chúng tôi. Xin dâng Yàng!”.
Kết thúc nghi lễ, thầy cúng vít cần uống thăm lần lượt từng ghè rượu, rồi đến già làng, khách mời cùng toàn thể dân làng uống rượu chung vui. Rượu thịt được bày ra và cuộc vui có thể kéo dài đến tận đêm khuya. Bến nước giờ đây đã được sửa chữa, đường đi thuận tiện hơn, người đi lấy nước, người tắm rửa, giặt giũ đông vui. Không có sự tranh giành, cãi vã, chỉ có tiếng nước chảy róc rách, tiếng trẻ em nô đùa, tiếng các bà, các mẹ trò chuyện râm ran cả bến sông. Cuộc sống cứ vậy tiếp diễn, bình yên đến lạ. Ai cũng mang trong mình một niềm tin rằng lòng thành của họ đã được thần linh tiếp nhận. Các vị thần sẽ tiếp tục chở che, phù hộ cho dân làng một năm mới với nhiều bình an.
Chứng kiến toàn bộ nghi lễ cùng dân làng, anh Ksor Suk nhận xét: “Lâu lắm rồi mình mới được chứng kiến lại lễ cúng bến nước. Đây là nghi lễ độc đáo, mang đậm màu sắc tâm linh nhằm cầu mong các vị thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, người người khỏe mạnh. Hy vọng những lễ hội như thế này tiếp tục được tổ chức hàng năm để con cháu biết thêm về nét đẹp văn hóa của dân tộc”.

Ông Lê Hữu Hưng-Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thông tin và Thể thao huyện Ia Pa: Cúng bến nước không chỉ là nghi lễ cúng tế thần linh mà còn là ngày vui chung của cả cộng đồng dân cư, là dịp thể hiện tình đoàn kết, tình cảm gắn bó thiêng liêng giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên. Vì vậy, đây là một sản phẩm văn hóa hết sức độc đáo, cần được bảo tồn, gìn giữ, phát huy.

VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.