Độc đáo bộ sưu tập gốm cổ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Trong hàng chục ngàn hiện vật đại diện cho các mảng màu văn hóa đang được lưu giữ, trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai, có bộ sưu tập gốm thuộc các dòng gốm cổ “vang bóng một thời” trên dải đất hình chữ S.


Vàng son một thuở

Dù được tiếp xúc hàng ngày nhưng khi dẫn chúng tôi chiêm ngưỡng bộ sưu tập gốm, anh Hồ Xuân Toản-Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cũng bị vẻ đẹp của gốm quyến rũ. Trên 200 chiếc chum, chóe thuộc các dòng gốm cổ được Bảo tàng tỉnh dày công sưu tầm hơn 30 năm qua là một sưu tập gốm vô giá. 

Anh Toản cho biết: “Bộ sưu tập thuộc các dòng gốm Indonesia, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam. Nhưng độc đáo nhất là các dòng gốm cổ của Việt Nam như gốm Gò Sành (Bình Định), Quảng Đức (Phú Yên), Châu Ổ (Quảng Ngãi), Lái Thiêu (Bình Dương). Đây đều là những dòng gốm cổ vang danh một thời trong lịch sử, dòng gốm xuất hiện sau nhất như gốm Lái Thiêu cũng đã hàng trăm năm tuổi”.

 Bản sao chiếc bình gốm men sò tiêu biểu cho dòng gốm Quảng Đức (Phú Yên) được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Chiếc bình gốm men sò tiêu biểu cho dòng gốm Quảng Đức (Phú Yên) được lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc


Mỗi dòng gốm mang một đặc trưng, nhưng vẻ đẹp của thời gian dường như còn lưu dấu trên từng màu men gốm. Chiêm ngưỡng các dòng gốm cổ, người đời sau luôn nghĩ đến trí thông minh, sự sáng tạo đỉnh cao của các nghệ nhân xưa trên từng hiện vật. Ở đó, sự hội tụ của đất và lửa, kỹ thuật và nghệ thuật đã để lại cho đời sau những sản phẩm gốm đỉnh cao. Anh Toản cho hay: Gò Sành, Châu Ổ, Quảng Đức là những làng gốm cổ nổi tiếng ở dải đất miền Trung, góp phần hình thành nên con đường gốm sứ trên biển với sự giao thương, mua bán tấp nập trong một giai đoạn lịch sử.

Giới thiệu với chúng tôi một hiện vật gốm cổ tiêu biểu cho dòng gốm Gò Sành, anh Toản nói: “Đây là chiếc chóe quý trên 500 năm tuổi của người Chăm. Họ tạo ra vật phẩm để tặng vua quan chứ không phải cho người dân bình thường sử dụng. Trên miệng chóe có gắn 6 con lân làm quai, một dạng rất hiếm gặp. Sau khi sưu tầm, chúng tôi có trao đổi với ông Lê Xuân Lợi-Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu văn hóa Chăm tỉnh Ninh Thuận thì được biết, đây được xem là một cổ vật của dòng gốm Gò Sành, hiện chỉ còn 3 chiếc, 1 chiếc ở Indonesia, 1 chiếc thuộc sở hữu của nhà sưu tập tư nhân ở TP. Hồ Chí Minh và Bảo tàng tỉnh may mắn sở hữu 1 chiếc”.

   Bộ sưu tập trên 200 chiếc chum, chóe thuộc dòng gốm cổ tại Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Bộ sưu tập hơn 200 chiếc chum, chóe thuộc dòng gốm cổ tại Bảo tàng tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoàng Ngọc


Nhiều sản phẩm gốm cổ trên 400 năm tuổi của dòng gốm Quảng Đức-di sản tiêu biểu trên vùng đất Phú Yên cũng có trong bộ sưu tầm tại Bảo tàng tỉnh chính là niềm tự hào của các thế hệ cán bộ, nhân viên trong công tác sưu tầm. Giới thiệu một chiếc bình tiêu biểu cho dòng gốm này, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh cho biết, đây là dòng gốm có nét độc đáo riêng trong chế tác. Đặc trưng riêng biệt dễ nhận ra là đều có dấu vỏ sò dính trên thân và màu men khá đặc trưng.

Cầm trên tay những chiếc bình gốm men sò như những tác phẩm nghệ thuật, minh chứng cho một thời vang bóng của gốm, chúng tôi không khỏi tự hào về quà tặng từ quá khứ mà cha ông để lại cho đời sau. Dù các dòng gốm cổ đều phát triển rực rỡ trong một giai đoạn lịch sử, làm nên tên tuổi cho gốm sứ Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á và thế giới nhưng cũng không tránh khỏi quy luật lụi tàn. Dẫu vậy, sự dày công sưu tầm các dòng gốm cổ của Bảo tàng tỉnh đã giúp lưu giữ những giá trị vĩnh cửu, vẻ đẹp vàng son một thời của gốm.

Thông điệp từ cổ vật

Theo anh Hồ Xuân Toản, hơn 200 chiếc chum, chóe đại diện cho các dòng gốm cổ ở miền Trung đều được sưu tầm tại Gia Lai. Trong đó có những chiếc chum, chóe được lưu truyền từ đời này qua đời khác, được xem là báu vật trong các dòng họ người Jrai, Bahnar. Điều đó cho thấy có sự giao thoa văn hóa mạnh mẽ giữa cư dân bản địa Tây Nguyên với cư dân các vùng miền trong cả nước.

 

Một số chiếc chóe quý được trưng bày tại phòng Dân tộc học-Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một số chiếc chóe quý được trưng bày tại Phòng Dân tộc học-Bảo tàng tỉnh. Ảnh: Hoàng Ngọc


Anh Toản cho hay: “Người Tây Nguyên chưa phát triển kỹ nghệ làm gốm, nhưng họ lại sử dụng đồ gốm khá phổ biến, nhiều bình gốm cổ ra đời từ các lò gốm ở dải đất miền Trung hay Nam Trung Bộ lại trở thành báu vật trong đời sống văn hóa tinh thần của người bản địa Tây Nguyên. Nó không chỉ mang giá trị vật chất thông thường, mà còn đi vào đời sống tâm linh, tín ngưỡng của người dân. Những chiếc ghè, chóe cũng chính là đồ vật phổ biến nhất, xuất hiện nhiều nhất trong các lễ hội, lễ nghi, từ phạm vi gia đình đến cộng đồng, các nghi lễ trong vòng đời người từ khi sinh ra, trưởng thành cho đến lúc mất đi, góp phần làm nên sự phong phú, đặc sắc cho không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên”.

Trao đổi với P.V, ông Lê Thanh Tuấn-Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh-cho biết: Thời gian tới, Bảo tàng sẽ tăng cường giới thiệu trên trang web, tổ chức các triển lãm, nhất là triển lãm ngoài trời để nhiều người biết đến giá trị của các hiện vật cổ này. Trong tương lai, Bảo tàng sẽ bổ sung tư liệu, hồ sơ đề nghị công nhận bảo vật quốc gia cho chiếc ghè Tbrớt-tên gọi trong hồ sơ sưu tầm của chiếc bình gốm đại diện cho dòng gốm cổ Gò Sành.

 Một cổ vật gốm tiêu biểu cho dòng gốm Gò Sành. Ảnh: Hoàng Ngọc
Một cổ vật gốm tiêu biểu cho dòng gốm Gò Sành. Ảnh: Hoàng Ngọc


Theo anh Toản, từ lâu, cán bộ nghiệp vụ Bảo tàng tỉnh đã ấp ủ kế hoạch phân loại từng dòng gốm một cách có hệ thống. Dòng gốm nào có những đặc trưng gì, giá trị, ý nghĩa trong từng giai đoạn lịch sử. Nhưng đây là quá trình dài hơi vì cần có những nhà nghiên cứu có chuyên môn sâu giúp phân biệt từng hoa văn, màu men…

“Mong ước của chúng tôi là Bảo tàng tỉnh sẽ được trang bị máy scan 3D để scan bộ sưu tập gốm quý cũng như cổ vật thuộc các lĩnh vực giúp người xem có thể chiêm ngưỡng hiện vật một cách chân thực, sống động như thật trên nền tảng online khi không có điều kiện tới Bảo tàng tham quan. Scan 3D hiện vật cũng giúp công tác lưu giữ, quảng bá được tốt hơn”-anh Toản bày tỏ.
 

HOÀNG NGỌC
 

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.