Sách ảnh "Tượng gỗ Tây Nguyên": Khi nhiếp ảnh kết hợp với nghiên cứu

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Tình cờ khi chấm cùng anh tại cuộc thi ảnh nghệ thuật toàn quốc 2020, tôi được nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong (Gia Lai) tặng cuốn sách “Tượng gỗ Tây Nguyên”. Một cuốn sách quý và đẹp gợi nhiều suy nghĩ về sự lựa chọn đối tượng, chủ đề cho nhiếp ảnh, cũng như cách kết hợp thú vị của nhiếp ảnh gia và nhà nghiên cứu.
Từ trái qua phải: Tượng phụ nữ dân tộc Ba Na, làng Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai 2016 và cô gái, dân tộc Ba Na, làng Đe Nghe Kteh, thị trấn Kông Chro, Gia Lai, 1988. Ảnh: Trần Phong
Từ trái qua phải: Tượng phụ nữ dân tộc Ba Na, làng Chư Gu, xã Pờ Tó, huyện Ia Pa, Gia Lai 2016 và cô gái, dân tộc Ba Na, làng Đe Nghe Kteh, thị trấn Kông Chro, Gia Lai, 1988. Ảnh: Trần Phong
Sách hay
Sách đẹp vì chất lượng in ấn tốt, khổ 20.5x26.5cm do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành, dày gần 260 trang với trên 300 bức ảnh đen trắng, được in bằng 2 thứ tiếng Việt - Anh.
Sách quý vì như lời tự bạch của tác giả: Đây là kết quả quá trình sưu tầm lâu dài từ hơn 3 thập kỷ, nhằm giới thiệu những hình ảnh chân thực về tượng gỗ nhà mồ, chủ yếu của 2 dân tộc Gia Rai và Ba Na của Gia Lai và Kon Tum.
Trên 300 ảnh được tác giả chắt lọc từ gần 1.000 ảnh Trần Phong đã chụp về chủ đề trên từ những năm 1986 và nhiều năm sau đó. Vì thế nhiều bức ảnh có giá trị tư liệu lịch sử quý hiếm, khi mà nhiều tượng gỗ Tây Nguyên - những tác phẩm điêu khắc “có một không hai” đang bị mất dần đi. Những nhà mồ, tượng mồ đã được hiện đại hóa bằng ximăng, mái tôn và lớp nghệ nhân già đã ra đi…
Trong lời giới thiệu viết vào năm 1993, cố giáo sư Từ Chi chia sẻ khi ông cùng đi với nghệ sĩ Trần Phong, về cảm giác cũng là cảm xúc của ông khi nhìn thấy các nhà mả là “đẹp lạ”. Cái đẹp trong mối tương quan vừa đối lập vừa hài hòa giữa nghệ thuật của con người và thiên nhiên hoang dã bao quanh… Nghệ thuật ra đời từ thiên nhiên, vượt lên thiên nhiên nhưng ở đây cuối cùng lại trở về với thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên.
Bài viết của cố GS Từ Chi phân tích rất hay về tang lễ người Ba Na, từ “làng ma mới”, “nhà ma”, “lễ bỏ mả”… rồi đồ án hình học mặt trời, mặt trăng ở đường nóc “nhà ma” của cả người Gia Rai và Ba Na. Các ký hiệu học, các biểu tượng văn hóa được mổ xẻ kỹ để thấy rõ nhân sinh quan, thế giới quan của các dân tộc thiểu số. Ông nhấn mạnh: Cái chết như vật chỉ là một trong những nhát cắt nhỏ liên tục nối tiếp nhau trên dòng sống bất tận.
Bìa sách ảnh
Bìa sách ảnh “Tượng gỗ Tây Nguyên”.
Ảnh và lời
Các bức ảnh đen trắng đa dạng từ tạc tượng, làm nhà mồ, thui trâu trong lễ bỏ mả… đến các pho tượng gỗ với đủ mọi hình dáng khác nhau (tượng phụ nữ bồng con, đàn bà chửa, đàn ông ôm mặt, cầm bầu rượu…) được chụp kỹ và xử lý hậu kỳ rất chuyên nghiệp.
Sắc độ ảnh được chuyển tiếp tinh tế từ đen đậm đến đen nhạt, xám, trắng. Sử dụng ảnh đen trắng là sự lựa chọn tỉnh táo của tác giả. Nó phát huy đúng giá trị khi vừa thể hiện được tính ẩn dụ, tính biểu tượng vừa thể hiện cảm giác về nhiều hình ảnh nay đã trở thành quá vãng. Chú thích ảnh ngắn gọn nhưng đầy đủ. Và 2 bài viết, một của cố GS Từ Chi và một của PGS, TS Ngô Văn Doanh đã bổ sung thêm cho ảnh những góc nhìn của 2 nhà nghiên cứu về tượng gỗ Tây Nguyên với nhiều minh chứng thuyết phục.
“Tượng gỗ Tây Nguyên” là một cuốn sách ảnh nhưng phần lời hết sức quan trọng. Nó cũng cho thấy nếu thế mạnh của hình ảnh được kết hợp với sức mạnh của ngôn từ sẽ tạo ra một giá trị mới khi cả 2 có quan hệ tương hỗ.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Phong sở hữu rất nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế từ Châu Á đến Châu Âu và Mỹ, với sức lao động âm thầm nhưng hiệu quả. Anh sinh năm 1957 tại Bình Định, từng công tác tại Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Gia Lai và Hội Nhà báo tỉnh Gia Lai, có 2 triển lãm cá nhân về đề tài lễ hội - kiến trúc và điêu khắc dân gian Tây Nguyên tại TPHCM, xuất bản 2 cuốn sách trước đó về điêu khắc gỗ dân gian Gia Rai, Ba Na và lễ hội Tây Nguyên. Trần Phong là ủy viên Ban chấp hành, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.
VIỆT VĂN (LĐO)

Có thể bạn quan tâm

Bữa cơm cộng cảm

Bữa cơm cộng cảm

(GLO)- Bữa cơm cộng cảm thể hiện sự cảm thông của người Jrai trước biến cố xảy ra trong một gia đình nào đó. Điều đó xác nhận mối liên hệ giữa các thành viên cùng với sự thống nhất ý chí của cộng đồng.
Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

Cấp phép khai quật khảo cổ tại di tích An Phú

(GLO)- Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 580/QĐ-BVHTTDL cho phép Bảo tàng tỉnh Gia Lai phối hợp với Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ) thăm dò, khai quật khảo cổ tại di tích An Phú (thôn 4, xã An Phú, TP. Pleiku).

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

Địa danh Pleiku nhìn từ bia ký Chăm

(GLO)- Từ trước đến nay, địa danh Pleiku được cho là xuất phát từ Plơi Aku trong tiếng Jrai. Plơi (Plei) là làng, Aku (Ku) là cái đuôi. Plơi Aku là làng đuôi, sau đó biến đổi thành Pleiku. Dân gian có 2 truyền thuyết về địa danh Pleiku.
Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Ðộc đáo trang phục bằng vỏ cây

Để hiểu rõ hơn về loại trang phục độc đáo này, chúng tôi tìm đến nhà nghệ nhân ưu tú Y Der (61 tuổi, ở thôn Kon Sơ Tiu, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà, Kon Tum)-một trong số ít những người ở xã Ngọk Réo còn biết làm trang phục từ vỏ cây.
Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

Pleiku: Ra mắt đội cồng chiêng nữ làng Chuêt Ngol

(GLO)- Tối 7-3, UBND xã Chư Á (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ xã, Đoàn thanh niên xã tổ chức đêm hội cồng chiêng, ra mắt câu lạc bộ “Cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống dân tộc nữ làng Chuêt Ngol”.