Mừng lúa mới: Lễ hội hoành tráng nhất của người Bana

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Thuộc chuỗi hoạt động của tuần Đại đoàn kết các dân tộc-Di sản Văn hóa Việt Nam năm 2020, lễ mừng lúa mới của người dân tộc Bana, huyện Kbang mang đến cho các du khách không gian đậm chất Tây Nguyên.

 Cô gái Bana sàng gạo trong lễ mừng lúa mới của người Bana. (Ảnh: Vũ Văn Mừng)
Cô gái Bana sàng gạo trong lễ mừng lúa mới của người Bana. (Ảnh: Vũ Văn Mừng)


Diễn ra ngày 22/11 tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam ở Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), cuộc tái hiện lễ hội mừng lúa mới là dịp để toàn dân làng cúng tạ ơn với các yang (thần), cụ thể là Yang sri (Thần lúa) vì đã giúp người dân có được mùa vụ bội thu được đông đảo người dân quan tâm.

Đây là sự kiện thuộc khuôn khổ tuần Đại đoàn kết các dân tộc năm 2020 - sự kiện chào mừng 75 năm Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), 90 năm Ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (18/11), hướng tới thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

Mừng lúa mới là một trong những lễ hội hoành tráng nhất của vùng dân tộc thiểu số Bana. Phỏng theo thực tế, sự kiện gồm hai phần: Lễ (thực hiện các nghi thức cảm tạ trời đất) và hội (đàn, ca, nhảy múa để ăn mừng).

Chia sẻ về buổi tái hiện, anh A Ngưi, một người con của dân tộc Bana, cán bộ Trung tâm Văn hóa, thể thao, thông tin huyện Kbang (Gia Lai) cho biết khoảng thời gian này cũng chính là thời điểm tổ chức lễ hội mừng lúa mới tại các địa phương người dân tộc Bana, vùng Trường Sơn-Tây Nguyên (khoảng tháng 11, 12 dương lịch khi lúa chín vàng).

Có lẽ đó cũng là lý do vì sao các điệu nhảy trong phần hội lại uyển chuyển, đồng điệu như thể họ đang trình diễn cho chính mình tại quê nhà.

A Ngưi vừa là người soạn kịch bản, vừa là đạo diễn, MC, kiêm người điều phối cuộc tái hiện. Biểu diễn lễ hội là nhóm các nghệ nhân Đoàn nghệ nhân cồng chiêng huyện Kbang.

Không chỉ dựng lại không khí hào hứng, cách thức tạ ơn trời đất của một tộc người thiểu số, lễ hội còn phản ánh tư tưởng, niềm tin vào tín ngưỡng nguyên thủy, tín ngưỡng phồn thực, vạn vật hữu linh của tộc người này. Họ tin vào những vị thần như Yang núi, Yang sông (Thần núi, thần sông)… và hệ thống những câu chuyện cổ tích, giải thích những hiện tượng tự nhiên xung quanh mình.

 

Buổi tái hiện mang tới vũ điệu xoang đặc trưng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Buổi tái hiện mang tới vũ điệu xoang đặc trưng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)


Theo thông tin từ ban tổ chức, khi nhận thấy mùa gặt đã tới, lúa đã chín vàng, già làng sẽ chọn ngày cụ thể rồi thông báo với cả toàn bộ dân làng, thống nhất chọn ngày tổ chức lễ mừng lúa mới.

Các lễ vật, vật trang trí được giản tiện hóa, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, thuận tiện cho buổi tái hiện nhưng không làm mất đi ý nghĩa của lễ hội. Cụ thể, lễ vật cần một con lợn nặng chừng 90-100kg và hai con gà, nhưng ban tổ chức đã thay thế và tượng trưng bằng 1 con gà sống để làm nghi lễ cắt tiết, 1 con gà và thịt lợn đều đã nướng sẵn.

Theo đúng nghi lễ, mỗi gia đình cần cống nạp 1 con gà và 1 ghè rượu, tuy nhiên chương trình đã giản tiện thành chỉ trưng bày tượng trưng bằng các vỏ ghè rượu. Cuối cùng và không thể thiếu là cốm, hay chính là cơm mới.

Người Bana có thể ăn mừng lễ hội trong khuôn khổ gia đình mình, còn nếu cả làng cùng ăn mừng với nhau thì lễ hội sẽ diễn ra ở sân nhà rông.


 

Dàn cúng 'chơ đăng' của người Bana trong lễ hội mừng lúa mới. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Dàn cúng 'chơ đăng' của người Bana trong lễ hội mừng lúa mới. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)


Công việc sẽ do già làng phân bổ, cụ thể, đàn ông trung niên dựng dàn cúng (tiếng Bana gọi giống như là “chơ đăng”), phụ nữ cột các ghè rượu và đi khiêng nước. Một nhóm phụ nữ khác gồm các chị, các mẹ sẽ chuẩn bị chày cối, niêu, lúa, nồi đồng để tổ chức giã gạo làm cốm.

Xong xuôi, già làng đi kiểm tra rồi cất lời cúng núi sông, thiên nhiên: “Ơ Yang Sri, Yang tốt đẹp, Yang trên núi Chơ-Lây, Yang sông Ba hôm nay lũ làng chúng tôi tổ chức lễ mừng lúa mới đầu tiên… báo cho các yang về đây cùng ăn cùng uống, cùng chung vui với dân làng, về ăn gan gà và lúa mới đầu tiên… phù hộ cho dân làng được sống khỏe, mùa màng tươi tốt, dân làng không bệnh tật ốm đau, phù hộ cho dân làng năm sau lại được mùa màng tươi tốt”.

Thích thú, quen thuộc và đẹp mắt nhất có lẽ là hình ảnh lúc những người phụ nữ giã gạo, sàng gạo. Trong lúc đó, đàn ông Bana sẽ cắt tiết một con gà sống, dùng máu của gà để bôi lên những đoạn cây tre ở dàn cúng. "Theo đúng truyền thống, người Bana sẽ dùng những đoạn cây tre được bôi máu gà này để vào rừng, dẫn hồn lúa về nhà mình. Tuy nhiên trong khuôn khổ buổi tái hiện, ban tổ chức tạm bỏ qua phần này," anh A Ngưi cho biết.

Sau khi hú lên một tiếng, các thanh niên cùng nổi trống, chiêng, múa xoang 2-3 vòng (múa và đi vòng quang dàn cúng “chơ đăng”) rồi tới từng nhà thăm hỏi, chúc mừng, cùng ăn cốm, uống rượu cần.../.

Một số hình ảnh tái hiện Lễ mừng lúa mới của người Bana:


 

 Những người đàn ông có nhiệm vụ dựng 'chơ đăng.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những người đàn ông có nhiệm vụ dựng 'chơ đăng.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau đó là cắt tiết gà. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Sau đó là cắt tiết gà. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
(Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tiết gà được bôi lên cây gậy tre, dụng cụ dùng để đem vào rừng, gọi hồn lúa về, đây là phần mà ban tổ chức tạm lược đi vì bị giới hạn về thời gian. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Tiết gà được bôi lên cây gậy tre, dụng cụ dùng để đem vào rừng, gọi hồn lúa về, đây là phần mà ban tổ chức tạm lược đi vì bị giới hạn về thời gian. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những dụng cụ mà người phụ nữ sẽ dùng trong phần lễ và hội của ngày mừng lúa mới. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những dụng cụ mà người phụ nữ sẽ dùng trong phần lễ và hội của ngày mừng lúa mới. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 Những chiếc gùi trên gắn liền với văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, không chỉ gắn liền với lao động, sinh hoạt mà còn là sản phẩm tinh thần đặc sắc, được những người phụ nữ đeo khi nhảy trong các lễ hội. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Những chiếc gùi trên gắn liền với văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn-Tây Nguyên, không chỉ gắn liền với lao động, sinh hoạt mà còn là sản phẩm tinh thần đặc sắc, được những người phụ nữ đeo khi nhảy trong các lễ hội. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bên cạnh tơ rưng đứng đã phần nào quen thuộc với nhiều người... (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Bên cạnh tơ rưng đứng đã phần nào quen thuộc với nhiều người... (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khách tham quan còn có cơ hội trải nghiệm tơ rưng thấp, đây là một trải nghiệm đặc biệt hấp dẫn với các em nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Khách tham quan còn có cơ hội trải nghiệm tơ rưng thấp, đây là một trải nghiệm đặc biệt hấp dẫn với các em nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 Người lớn trải nghiệm uống rượu cần của người Bana, mỗi người lại có một cảm nhận riêng về mức độ 'nặng đô' của loại rượu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Người lớn trải nghiệm uống rượu cần của người Bana, mỗi người lại có một cảm nhận riêng về mức độ 'nặng đô' của loại rượu. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 Buổi tái hiện là dịp để du khách được lắng nghe, tận mắt nhìn thấy đàn goong, tiếng Bana gọi giống như 'tinh ninh.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Buổi tái hiện là dịp để du khách được lắng nghe, tận mắt nhìn thấy đàn goong, tiếng Bana gọi giống như 'tinh ninh.' (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trống 'pơ nưng' và cồng 'chiêng,' theo cách gọi của tiếng đồng bào Bana. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Trống 'pơ nưng' và cồng 'chiêng,' theo cách gọi của tiếng đồng bào Bana. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 Hai nữ du khách không ngại ngần hòa theo điệu âm vang của cồng chiêng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Hai nữ du khách không ngại ngần hòa theo điệu âm vang của cồng chiêng. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
 Thiếu nữ Bana rạng rỡ, chơi 'chiêng' nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)
Thiếu nữ Bana rạng rỡ, chơi 'chiêng' nhỏ. (Ảnh: Minh Anh/Vietnam+)


Theo Minh Anh (Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

Vang mãi tiếng chiêng làng Châu

(GLO)- Bao thế hệ người Bahnar ở làng Châu (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn gắn bó với cồng chiêng bởi đó là nguồn cội, là bản sắc văn hóa của dân tộc. Chính sự tiếp nối, trao truyền giữa các thế hệ đã đưa thanh âm cồng chiêng của ngôi làng này vang vọng mãi.
Nồng nàn hương vị rượu cần

Nồng nàn hương vị rượu cần

(GLO)- Trong đời sống văn hóa, tinh thần của bà con các dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung, người Jrai vùng Ia Pa nói riêng, rượu cần (rượu ghè) là một loại thức uống quý, không thể thiếu trong các buổi sinh hoạt cộng đồng hoặc của từng gia đình, dòng họ.